Vụ bạo lực học đường xảy ra ở Trường THCS Phù Ủng (Thi Ân – Hưng Yên) làm nảy sinh một vấn đề cần quan tâm là bảo vệ học sinh yếu thế trong nhà trường như thế nào? Bởi xét cho cùng, các đối tượng yếu thế trong xã hội luôn được pháp luật bảo vệ thì học sinh yếu thế cũng cần được quan tâm hỗ trợ một cách phù hợp.
Một học sinh bị bại liệt hai chân được bạn cõng đến trường mỗi ngày. Đây là hình ảnh đẹp cần được nhân rộng (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Thế nào là học sinh yếu thế?
Học sinh yếu thế có thể hiểu là những học sinh có một hoặc một số đặc điểm như: là học sinh khuyết tật, có khiếm khuyết về năng lực, trí não, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh nan y, có những đặc điểm tâm sinh lý khác thường khiến không phát triển bình thường như trẻ cùng lứa tuổi (như bị tự kỷ…), bị tai nạn nghiêm trọng, mồ côi, thuộc gia đình nghèo, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn (không chỉ nghèo hoặc có thể không hẳn nghèo nhưng có cha mẹ thuộc những trường hợp đặc biệt, như em Y. trong vụ việc ở Hưng Yên)… Trong nhiều trường hợp, nếu điều kiện của học sinh không quá khác biệt với các học sinh cùng lứa khác thì về cơ bản vẫn nên giữ học sinh học cùng với các bạn mà không nên học ở lớp hoặc trường chuyên biệt. Thí dụ: một trẻ bị nhiễm HIV/AIDS nhưng về cơ bản, sức khỏe của em vẫn bình thường, vẫn đáp ứng được các yêu cầu học tập phù hợp với lứa tuổi thì vẫn nên cho trẻ học ở lớp bình thường (nhưng nhà trường cần bảo đảm bí mật về tình trạng bệnh tật và có lưu ý riêng đối với trẻ), mà không buộc trẻ phải học ở lớp riêng, vì đó là sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Hay học sinh có khuyết tật về chân, đi lại khó khăn nhưng trí não và năng lực hành vi của em vẫn đáp ứng được yêu cầu học tập của lứa tuổi thì vẫn nên giữ em ở lớp như các bạn lành lặn.
Cách tổ chức học tập cho học sinh yếu thế như trên là tạo điều kiện cho các em có thể được học tập, được đối xử một cách bình thường như các bạn khác, cũng có nghĩa là tạo cơ hội cho các em có thể học cách hòa nhập cuộc sống mà không tạo ra sự phân biệt đối xử.
Việc bảo vệ học sinh yếu thế
Việc bảo vệ học sinh yếu thế không chỉ là nhằm đáp ứng các yêu cầu về hoạt động giáo dục theo quy định mà còn thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc, không chỉ trực tiếp bảo vệ, giúp đỡ các học sinh đó mà còn tạo sự lan tỏa về tinh thần vượt khó, về sự quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau của tất cả học sinh. Một học sinh có năng lực hạn chế nhưng chưa đến mức phải đưa vào học ở trường chuyên biệt thì cần sự bảo vệ tích cực của nhà trường và các giáo viên, đồng thời nhà trường cần tác động, tạo điều kiện để chính các bạn trong lớp bảo vệ em đó. Một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không chỉ nhận được sự giúp đỡ theo quy định mà còn phải tạo ra sự chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm của nhà trường, của lớp để học sinh đó có thể học tập trong điều kiện tốt nhất, trong tình cảm gắn bó nhất.
Về mặt tâm lý, trong một điều kiện nào đó, một số người có xu hướng áp chế người khác để thể hiện cái tôi, cái sức mạnh của mình. Học sinh yếu thế là đối tượng dễ bị bạn cùng học bắt nạt để các em đó khẳng định “vị trí” của mình, mà trường hợp em Y. là một thí dụ điển hình, khi em liên tục bị bạn ăn hiếp, bạo hành. Vì vậy, thay vì chỉ tìm cách ngăn chặn các hành vi đó thì nhà trường, giáo viên phải tác động để các học sinh khác biết rằng đây là đối tượng cần được giúp đỡ, cần được bảo vệ chứ không phải là đối tượng bị chà đạp. Tiếc rằng, Trường THCS Phù Ủng đã không làm được điều đó và để xảy ra vụ việc đáng xấu hổ, làm nhiều học sinh bị một thương tổn lớn lao trong đời, kể cả “nạn nhân” hay “thủ phạm”. Tại sao có trường hợp bạn khuyết tật được bạn cõng đến trường nhiều năm mà em Y. vì chưa có kỹ năng giao tiếp tốt lại bị bắt nạt liên tục? Đây là câu hỏi không chỉ liên quan đến tinh thần, thái độ của các em là “thủ phạm”, là “nhân chứng” mà còn gắn với trách nhiệm của người lớn, nhất là giáo viên trong trường. Và đây cũng là một bài học lớn của giáo dục.
Phải quan tâm nhiều hơn đến học sinh yếu thế
Đối tượng học sinh yếu thế hiện nay đã được quan tâm, giúp đỡ khá nhiều, thông qua việc miễn giảm học phí, chế độ học bổng, điểm ưu tiên khi xét tuyển… Tuy nhiên, trên thực tế, có khi việc thực hiện các điều này có vẻ còn máy móc, như là sự ban phát, thi ân chứ không phải là hành động thể hiện sự rung động, sự cảm thông, chia sẻ thực sự. Chẳng hạn, thể hiện trong cách chăm lo, đôi khi người lớn nhấn mạnh vào đặc điểm yếu thế của trẻ mà ít chú ý sự nỗ lực vươn lên của trẻ đó, nên dẫn đến sự nhìn nhận của các học sinh khác không thông cảm đã đành mà còn thiếu cả thiện cảm. Có thể, nhiều học sinh sẽ nhớ bạn mình vì mồ côi mà được tặng quà chứ không nhớ được rằng mồ côi là một thiệt thòi của bạn mà tất cả các bạn khác nên chia sẻ, hay cũng không nhìn nhận được rằng dù bạn ấy mồ côi nhưng đã rất nỗ lực…
Như vậy, bảo vệ, quan tâm các học sinh yếu thế thực ra là một biện pháp giáo dục, cho chính các học sinh đó và những học sinh khác. Với học sinh yếu thế, làm thế nào để các em nhận ra rằng xung quanh mình vẫn luôn có những người chia sẻ, ủng hộ, khích lệ, đồng hành, để các em có sự tự tin mà phấn đấu nhiều hơn, đồng thời các em thấy có trách nhiệm của mình phải cố gắng nhằm phần nào đáp đền sự giúp đỡ của người khác. Với các học sinh khác, đó là một trong những bài học cơ bản về lòng nhân ái, tinh thần sẻ chia với khó khăn của người khác, ý thức cộng đồng trách nhiệm với những người có hoàn cảnh kém hơn mình, đồng thời là một bài học lớn về nghị lực vươn lên. Đây là những yêu cầu lớn đối với giáo viên và nhà trường, bởi có làm được như vậy thì ý nghĩa nhân văn, nhân bản của giáo dục mới được thực hiện đầy đủ.
Trúc Giang
Bình luận (0)