Sự kiện giáo dụcTin tức

Bảo vệ môi trường khi khai thác quặng phóng xạ

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 26/8, Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương và Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của “Quy hoạch chi tiết thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ."
Các nhà nghiên cứu của Bộ Công Thương và tỉnh Quảng Nam đã tập trung tìm hiểu một số nội dung liên quan đến quy hoạch quặng phóng xạ; lựa chọn sơ bộ một số vấn đề môi trường của ĐMC và sơ bộ về giải pháp của ĐMC.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu thảo luận một số vấn đề môi trường trong hoạt động khoáng sản, trong đó, có quặng phóng xạ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Ông Lê Ngọc Bích, chủ nhiệm đề án Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 thuộc Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết đến nay, Việt Nam đã đánh giá và thăm dò được hơn chục mỏ, điểm quặng phóng xạ, trong đó, tỉnh Quảng Nam có một số mỏ, điểm quặng phóng xạ như mỏ urani Đông Nam bến Giằng, huyện Nam Giang, mỏ urani An Điềm, huyện Đại Lộc, mỏ than Nông Sơn, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam…
Theo ông Lê Ngọc Bích, để thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến quặng phóng xạ đến năm 2020, có xét đến năm 2030 phải có định hướng và giải pháp chủ yếu bảo vệ môi trường. Vì vậy, Quảng Nam cần xác lập hiện trạng môi trường phóng xạ toàn tỉnh, nhằm tạo lập cơ sở dữ liệu tin cậy, phong phú, đầy đủ phục vụ việc khoanh định các vùng không an toàn phóng xạ, vùng kiểm soát an toàn phóng xạ.
Quảng Nam cũng cần nghiên cứu, đề suất và áp dụng các biện pháp giảm thiểu những tác động tiêu cực không thể tránh khỏi khi thực hiện các đề án, dự án của quy hoạch này.
Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường phóng xạ phải thực hiện nghiêm túc trong việc đánh giá mức độ tác động môi trường nói chung và các thành phần môi trường nói riêng trong khu vực thăm dò, khai thác và chế biến quặng cũng như vùng lân cận các khu vực đó.
Khi hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến quặng diễn ra sẽ làm thay đổi bề mặt tự nhiên của địa hình, tăng diện phơi lỗ thân quặng cũng như mật độ tập trung nguồn bức xạ… Điều này tất yếu dẫn đến gia tăng nguy cơ phát tán các chất phóng xạ và môi trường hơn mức tự nhiên.
Do vậy, trong quá trình diễn ra các hoạt động đó cần phải tiến hành quan trắc, giám sát và áp dụng những biện pháp bảo vệ môi trường phóng xạ một cách thường xuyên đối với từng lĩnh vực, từng nhóm đối tượng và thành phần môi trường cụ thể.
Theo Trần Tĩnh (TTXVN/Vietnam+)

Bình luận (0)