Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bảo vệ môi trường: Tăng giá trị doanh nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

 

Vườn ươm cây giống của Cty TNHH D&G VN tại xã Hy Cương huyện Lâm Thao, Phú Thọ

Có thể nói, với việc chính thức tham gia phê chuẩn việc thực hiện các cam kết trong Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí phát thải từ ngày 25/9/2002, Việt Nam đang chứng tỏ sự hưởng ứng tích cực thực hiện trách nhiệm của mình đối với sự phát triển bền vững của loài người cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội quốc gia. Và các doanh nghiệp – trong đó có D&G Việt Nam cũng đang chung tay phủ xanh trái đất cũng như đem lại nguồn lợi cho doanh nghiệp.
Đây quả thật là những nỗ lực không nhỏ của doanh nghiệp vì công viêc trồng rừng đòi hỏi không ít chi phí, thời gian và công sức của giám đốc cũng như những cán bộ công nhân viên Cty.
Người tiên phong
D&G Việt Nam là một trong số ít doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ giảm phát thải khí bằng các hoạt động trồng rừng, hỗ trợ trồng rừng ở một số khu vực miền núi phía Bắc. Cty đã hoạch định chiến lược phát triển theo đúng cơ chế phát triển sạch (CDM – Clean Development Mechanism) của Nghị định thư Kyoto, từ đó thúc đẩy phát triển kinh doanh từ việc hấp thụ lượng khí CO2 được phát thải hàng năm thông qua các dự án trồng rừng của Cty. Với hơn 52 nghìn ha rừng được trồng mới từ năm 2005 đến nay trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Điện Biên, Phú Thọ…  dự kiến đến cuối năm 2009 sẽ tăng lên 100 nghìn ha rừng, D&G Việt Nam không ngừng phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, định canh định cư, tăng thu nhập cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn.
Sau nhà máy sản xuất đồ gia dụng tại Phú Thọ đi vào hoạt động năm 2007, hiện Cty D& G Việt Nam đã liên doanh với Hiệp hội nhà đầu tư Australia để cung cấp công nghệ xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy 75 nghìn tấn bột giấy/năm với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD dự kiến sẽ xây dựng tại Quảng Ninh.
Giám đốc D&G Việt Nam – Đỗ Chu Đạt cho biết, trong khi có nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định giảm lượng khí phát thải trong một doanh nghiệp khoảng 10 tấn CO2/năm là quá cao (so với một quốc gia có số lượng DNNVV chiếm phần lớn như Việt Nam), cũng như việc nêu phương pháp luận để được chứng nhận khối lượng khí thải giảm được đạt yêu cầu quá phức tạp, thì việc tăng cường áp dụng CDM trong lâm nghiệp là một trong những biện pháp hữu hiệu, dễ thực hiện và ít tốn kém nhất để cắt giảm lượng khí thải hàng năm. Chính vì vậy, Cty hoạt động theo hướng này và luôn đặt sự phát triển của Cty trong mối tương quan chung với sự phát triển bền vững của xã hội nhằm đảm bảo lợi ích ba bên: doanh nghiệp, người dân và cộng đồng.
Và thực tế đã chứng minh, với các sản phẩm cây lấy gỗ, cây keo, bạch đàn của D&G – những loại cây có nhiều ưu điểm giá giống rất rẻ, kỹ thuật đơn giản, mật độ cây trồng dày, không mất công bón lót, chăm sóc, khả năng thu hồi vốn nhanh sau 5 – 7 năm. Đặc biệt, cây keo, bạch đàn có khả năng tái sinh rất cao, sau 4 – 5 lần thu hoạch mới phải trồng mới – là loại cây trồng hiệu quả với nông dân.
Lấy ngắn nuôi dài
Ngay trong lần đầu tiên gặp giám đốc D&G Việt Nam Đỗ Chu Đạt tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Bắc diễn ra tại Sa pa, Lào Cai cuối năm 2008, tôi không khỏi thắc mắc khi một giám đốc trẻ, có thể nói là trẻ nhất trong những "đại gia" lên nhận giấy chứng nhận đầu tư tại vùng này lại "lọ mọ"… trồng rừng. Hai dự án: Trồng rừng nguyên liệu tại tỉnh Phú Thọ với diện tích 1.500 ha và dự án Xây dựng nhà máy Sản xuất MDF với công suất 30.000 m3/năm coi là "gian nan" nhất so với nhiều doanh nghiệp khác mải mê chạy theo các dự án có lợi nhuận cao, vòng quay vốn nhanh như xây dựng, bất động sản, du lịch… Giám đốc Đỗ Chu Đạt cười: đã mang cái nghiệp vào thân rồi, khổ cũng phải chịu! Đành rằng, trồng rừng là vất vả vì ngay như cây keo của D&G cũng phải mất từ 5 – 7 năm mới được khai thác, trong khi Cty mới chỉ tròn 4 thành lập và đi vào hoạt động, nhưng quay đi ngoảnh lại, chỉ 1 tháng là khu rừng trồng của mình đã khác – thú lắm chứ. Vậy tiền đâu mà nuôi rừng, nuôi người người trồng rừng và chi phí lương cho gần trăm cán bộ công nhân viên ở 5 chi nhánh trong và ngoài nước? "Thì lấy ngắn nuôi dài thôi! Chúng tôi là doanh nghiệp chuyên khai thác, chế biến các sản phẩm gỗ keo, bạch đàn để sản xuất đồ gia dụng và xuất khẩu làm nguyên liệu giấy cho các Cty nước ngoài. Hiện nay, Cty đã ký hợp tác ổn định với số lượng lớn xuất khẩu gỗ, các sản phẩm chế biến từ gỗ keo, bạch đàn đến các thị trường: Nhật, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan…" – Đỗ Chu Đạt tâm sự 
Nhưng bên cạnh đó, D&G  còn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch, đại lý chính thức của các hãng hàng không trong nước và quốc tế và tham gia kinh doanh các dịch vụ khác như: mở phòng tranh; văn phòng công chứng; bất động sản; dịch vụ cho thuê xe ôtô; khai thác mỏ và cho thuê các máy móc thiết bị phục vụ trong công việc khai thác mỏ… Các lĩnh vực này "nuôi" rừng lớn đấy! Nhưng cứ thử tưởng tượng, chỉ 3 – 5 năm nữa, khi những lứa gỗ đầu tiên được thu hoạch, mỗi năm doanh nghiệp thu về gần 100 tỷ đồng, người trồng rừng cũng sẽ được hưởng 20% – có đáng để nuôi không.
Nghe, ngẫm và tôi hiểu vì sao những người yêu rừng lại dám hi sinh và chờ đợi. Đơn giản, họ trồng rừng vì ngày mai và vì phát triển bền vững của cộng đồng, vì sự thay da đổi thịt của người dân và cả vì “đến với rừng bởi tình yêu màu xanh quê hương" vậy!
Phương Thảo (dddn)
 

 

 

Bình luận (0)