Số ca tử vong do Covid-19 ở nước ta đang có xu hướng tăng. Đầu tháng 11, trung bình mỗi ngày cả nước ghi nhận khoảng 60 ca tử vong, đến giữa tháng thì tăng gấp đôi – 120 ca/ngày, cuối tháng là hơn 160 ca/ngày. Sang tháng 12, đầu tháng trung bình 200 ca/ngày, đến nay là khoảng 240 ca/ngày…
Người dân thuộc nhóm nguy cơ được tiêm mũi 3 tại huyện Hóc Môn
Gần 30 tỉnh, thành có ca tử vong/ngày
Cuối tháng 11, số tỉnh, thành ghi nhận các trường hợp tử vong trong ngày chỉ khoảng 20 địa phương; nhưng hiện nay mỗi ngày có khoảng 30 tỉnh, thành ghi nhận ca tử vong do Covid-19. Trong đó tập trung nhiều nhất vẫn là TP.HCM – mặc dù số ca tử vong của TP đang có xu hướng giảm, song vẫn ở mức trên 50 ca/ngày. Kế đến là các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang… khoảng 10-20 ca/ngày/địa phương.
Báo cáo của nhiều địa phương cho thấy, số ca tử vong chưa tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi chiếm khoảng 85%; số ca tử vong có bệnh nền chiếm 93,33%… Cụ thể như tại An Giang, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, khoảng 90% số tử vong do Covid-19 có bệnh nền, trên 86% là người từ 50 tuổi trở lên, 83% là chưa tiêm vắc-xin. Còn tại Tiền Giang, đại diện Sở Y tế thông tin, trong số các ca tử vong trên địa bàn tỉnh, chủ yếu do bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường; khoảng 65% ca tử vong chưa tiêm vắc-xin…
Đối với TP.HCM, thông tin từ Sở Y tế cho biết, qua phân tích, nhận thấy phần lớn tỷ lệ tử vong rơi vào nhóm nguy cơ (trên 65 tuổi, có bệnh nền).
Một trong những bệnh nhân xấu số đó là ông L.V.M (73 tuổi, P.8, Q.Gò Vấp). Ông M. lây bệnh từ con trai. Trước đó, con trai ông đi làm rồi nhiễm bệnh. Do còn trẻ nên người này được cách ly và điều trị tại nhà. Đối với ông M. do có bệnh nền (bệnh tiểu đường, huyết áp) và là người lớn tuổi nên y tế địa phương đã đưa ông đi điều trị tại bệnh viện dã chiến. Hơn 1 tuần sau thì ông tử vong…
Để giảm nguy cơ tử vong cho các trường hợp như ông L.V.M, thời gian qua, các nhân viên y tế của 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”. Theo đó ghi nhận khoảng 585 ngàn người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó, số người trên 65 tuổi có bệnh nền là hơn 250 ngàn người. Ngay sau đó, các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã tiến hành làm xét nghiệm nhanh tầm soát cho hàng trăm ngàn người. Qua đó phát hiện gần 4 ngàn người dương tính với SARS-Cov-2. Trong số này có rất nhiều người được điều trị ngay với thuốc kháng virus (Molnupiravir).
Hiện tại các quận, huyện và TP.Thủ Đức cũng đang khẩn trương triển khai xét nghiệm tầm soát cho tất cả người dân thuộc nhóm nguy cơ. Khi phát hiện ca dương tính sẽ cho uống ngay liều kháng virus để giảm chuyển nặng. Không những thế, các trạm y tế cũng đang tổ chức tiêm mũi 3 cho những đối tượng nguy cơ này nhằm giảm nguy cơ tử vong xuống mức thấp nhất nếu nhiễm Covid-19.
Cũng trong thời gian qua, qua rà soát, TP.HCM đã phát hiện gần 25 ngàn người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vắc-xin. Với những trường hợp này, các trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức đang khẩn trương thuyết phục để họ đi tiêm; những trường hợp không thể ra trạm y tế để tiêm thì nhân viên y tế sẽ đến nhà để tiêm…
Ngoài ra, Sở Y tế TP cũng yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, TP.Thủ Đức khẩn trương gửi danh sách người dân thuộc nhóm nguy cơ trên địa bàn đến Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” để được các bác sĩ tình nguyện thăm hỏi và tư vấn chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm
Để giảm tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng và tử vong, Bộ Y tế đã có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố; các cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thêm vào đó, đã có nhiều nước ghi nhận biến thể Omicron. Cùng với các biến chủng đang lưu hành sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc Covid-19 ở người thuộc nhóm nguy cơ: nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Việc quản lý, bảo vệ và phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 để kịp thời theo dõi sức khỏe, điều trị nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong là rất cấp thiết.
Do đó, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương thực hiện đầy đủ việc “Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị”. Đối với các cơ sở thu dung, điều trị phải phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện; đồng thời đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng vào các khoa, buồng bệnh phù hợp, thuận tiện cho theo dõi, chăm sóc và điều trị. Với các cơ sở khám, chữa bệnh, khi tiếp nhận người bệnh phải sàng lọc kỹ người chưa tiêm vắc-xin Covid-19, kể cả người mới tiêm 1 mũi vắc-xin, phối hợp trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương bố trí tiêm vắc-xin cho người nguy cơ khi đến khám, chữa bệnh; đồng thời rà soát các đối tượng nguy cơ cao, người trên 50 tuổi, người mắc các bệnh nền, suy giảm miễn dịch để quan tâm chăm sóc, dinh dưỡng, điều trị phù hợp…
Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 với các tỉnh, thành; Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh sẽ vẫn diễn biến phức tạp. Các tổ chức quốc tế và các nước đánh giá biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng Delta, trong khi chưa có kết luận cuối cùng về độc lực và khả năng kháng vắc-xin; có thể tiếp tục xuất hiện các biến chủng mới. Vậy nên phải kiểm soát rủi ro, giảm ca mắc cộng đồng, ca chuyển nặng và giảm tối đa ca tử vong.
Thủ tướng cho rằng, để giảm số ca chuyển nặng thì yêu cầu cốt lõi là bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Do vậy, cần nâng cao năng lực y tế cơ sở, luôn sẵn sàng về trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, ô-xy. Những nơi xuất hiện nhiều ca nhiễm, diễn biến phức tạp dứt khoát phải thành lập trạm xá lưu động. Trong công tác phòng chống dịch nói chung thì vấn đề vắc-xin là yếu tố cốt lõi, chiến lược, quyết định cả trước mắt và dài hạn. Theo đó phải “thần tốc” hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Chậm nhất tới cuối tháng 12-2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi; trong tháng 1-2022 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi.
Để ngăn chặn ca lây nhiễm, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện khi các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam. Xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch. Tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cao. Chú ý công tác phòng chống dịch tại các đô thị lớn, khu công nghiệp đông người.
Hòa Triều
Bình luận (0)