Ông Cao Thanh Bình – Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM – nhấn mạnh: “Bảo vệ quyền trẻ em là mọi lúc mọi nơi, đòi hỏi thực hiện nhanh nhất, kịp thời nhất để hạn chế tối đa trình trạng xâm hại trẻ”. Theo đó, Ban Văn hóa xã hội HĐND TP vừa tổ chức khảo sát công tác chăm sóc trẻ em tại một số quận, huyện, đơn vị… Thực tế cho thấy, có rất nhiều bất cập, khó khăn trong công tác này cần phải nhanh chóng tháo gỡ để trẻ em được chăm sóc, bảo vệ tốt nhất có thể.
Trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè trong giờ học kỹ năng
Nhiều nhân viên nghỉ việc
Khó khăn hiện nay của các cơ sở là nhân viên nghỉ việc nhiều và việc tuyển dụng vô cùng khó khăn. Đơn cử như Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (Q.Bình Thạnh). Theo báo cáo, 3 năm trở lại đây, số lượng viên chức, người lao động nghỉ việc, nghỉ hưu khá nhiều, trái lại số tuyển dụng mới rất ít dẫn đến không đáp ứng đủ, nhất là các vị trí việc làm đòi hỏi chuyên môn cao như vật lý trị liệu, giáo viên, điều dưỡng. Với tình hình này, bà Trần Thị Thanh Hằng – Giám đốc Trung tâm – lo ngại khoảng 2-3 năm tới sẽ thiếu đội ngũ nhân viên trực tiếp chăm sóc các em.
Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè hiện đang tiếp nhận, nuôi dưỡng, tổ chức chữa trị, phục hồi chức năng cho 311 trẻ khuyết tật mồ côi thuộc diện thiểu năng, tâm thần và bại liệt của TP. Tại đây, 192 nhân sự (160 biên chế, 32 hợp đồng) đang mỗi ngày chăm sóc, điều trị giúp trẻ khuyết tật phát triển tốt về thể chất, tinh thần và có đủ điều kiện tái hòa nhập cộng đồng.
Theo bà Hằng, hầu hết các em là trẻ bị bỏ rơi, trẻ bại não và trẻ chậm phát triển, mang trên mình những khiếm khuyết, đa phần không di chuyển được nên rất cần sự hỗ trợ trong những sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí một số em cần phải được chăm sóc toàn bộ trong sinh hoạt cá nhân. Ngoài ra, trung tâm còn thực hiện công tác giáo dục chuyên biệt và trị liệu cho 129 trẻ khuyết tật cộng đồng.
Tại Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn (Q.3), mỗi năm tiếp cận và tiếp nhận từ 160-180 trẻ (16-18 tuổi) có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em di dân, lao động kiếm sống trên đường phố, trẻ bị xâm hại, ngược đãi, bóc lột và vi phạm pháp luật. Tại đây, các em được hưởng ít nhất một dịch vụ như thăm gia đình, tham gia lớp bán trú, lớp học kèm, được hỗ trợ giấy tờ, pháp lý, sinh hoạt kỹ năng, tư vấn nghề – việc làm, tham vấn tâm lý… Song, cũng như Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, cơ sở này đang đối diện với rất nhiều khó khăn.
Bà Lê Thị Ngân – Giám đốc cơ sở – chia sẻ, sứ mệnh của Thảo Đàn là tổ chức thực hiện việc kết nối, vận động sự tham gia của các bên liên quan (như hội bảo vệ quyền, bảo trợ; các tổ chức xã hội, các mái ấm, quản trị quyền trẻ em…) nhằm tạo hệ sinh thái thực hành công tác xã hội để đa dạng hóa những dịch vụ giúp các em phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức và nghị lực. Tuy nhiên, nhân lực hoạt động còn hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn lực hỗ trợ trẻ còn phân tán. Phương pháp công tác xã hội chuyên sâu chưa thực sự đúng chuyên môn và chuyên nghiệp khiến kết quả chưa sát thực tế. Công tác dạy và thực hành kỹ năng sống chưa thực sự đi vào hiệu quả…
Để khắc phục hạn chế, bà Ngân kiến nghị cần được hỗ trợ xây dựng khung chương trình dạy và thực hành kỹ năng sống phù hợp với trẻ; kết nối nguồn lực các bên liên quan trong công tác chuyên môn để cung cấp đa dịch vụ chuyên nghiệp cho trẻ.
Trẻ vẫn đối diện các nguy cơ
Có thể nói, việc thực hiện quyền trẻ em trong nhiều gia đình vẫn chưa được tốt; nhiều gia đình nhận thức chưa đúng với việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Điển hình cho thực trạng này là vụ việc bé N.T.V.A. (8 tuổi) bị bạo hành dẫn đến tử vong tại một chung cư ở Q.Bình Thạnh mới đây. Vụ việc đau lòng này thêm một lần nữa là hồi chuông cảnh báo cho các cơ quan chức năng về việc quản lý trẻ em.
Qua vụ việc này, bà Nguyễn Thị Hồng Loan – Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Q.Bình Thạnh – cho biết, việc tiếp cận với trẻ em sống trong các chung cư, nhất là chung cư cao cấp vô cùng khó khăn. Mặc dù Q.Bình Thạnh vẫn thực hiện công tác tuyên truyền vấn đề trẻ em đến các chung cư nhưng việc nắm bắt tình hình trẻ em ở những nơi này tương đối khó. Và có lẽ, không chỉ Q.Bình Thạnh mà đây cũng là vấn đề ở nhiều địa bàn khác…
Nhân viên Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè hỗ trợ trẻ tập vật lý trị liệu
Q.8 hiện có 84.419 trẻ dưới 16 tuổi, trong đó 458 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Người dân chủ yếu là lao động tự do, buôn bán nhỏ, trình độ học vấn không đồng đều nên việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em còn nhiều hạn chế. Theo đó, quận đã thành lập ban điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, 16/16 phường có 85 cán bộ chuyên trách trẻ em. Hàng năm ban điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp quận, phường đều xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, bà Trần Thị Diễm Thúy – Phó trưởng phòng Lao động Thương binh – Xã hội Q.8 – thừa nhận, đội ngũ công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn yếu về chất lượng, thiếu về số lượng. Tại các phường, người làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em tuy có chức năng nhiệm vụ rõ ràng nhưng đều thuộc nhóm cán bộ không chuyên trách, phụ cấp rất thấp, chế độ đãi ngộ cho cộng tác viên không thu hút. Việc thay đổi cơ cấu nhân sự dẫn đến khuyết người có kinh nghiệm tại nhiều đơn vị.
Để công tác trẻ em được tốt hơn, theo bà Thúy, vấn đề đặt là cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền thông qua xây dựng các văn bản chỉ đạo, điều hành, chương trình, bố trí nguồn lực, nhân lực. Đặc biệt, có chế độ đãi ngộ cho đội ngũ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng tác viên để nâng cao trách nhiệm từng cá nhân.
Phú Cát
Bình luận (0)