95% nhu cầu sử dụng nước của người dân Đà Nẵng phụ thuộc sông Vu Gia (Quảng Nam). Điều đó cũng có nghĩa là khi sông Vu Gia có sự cố thì người dân Đà Nẵng rơi vào cảnh thiếu nước. Để tự chủ nguồn nước sinh hoạt của người dân, Đà Nẵng có chủ trương lấy nước từ sông Cu Đê. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều vấn đề đối với nguồn nước tại con sông này…
Bảo vệ nguồn nước sông Cu Đê giúp Đà Nẵng đảm bảo an ninh nguồn nước
Nguồn nước đang bị đe dọa
Sông Cu Đê nằm ở phía Bắc Đà Nẵng, chảy từ Tây sang Đông qua các xã Hòa Bắc, Hòa Liên (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu). Với diện tích lưu vực tính đến cửa sông khoảng 417,2km2, sông Cu Đê được xác định là nguồn cung cấp nước vô cùng quan trọng, có thể khai thác để đáp ứng lên đến 40% nhu cầu dùng nước trên toàn Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc bảo vệ nguồn nước ở đây đang đối mặt với nhiều thách thức.
Một trong những nguyên nhân đe dọa an toàn nguồn nước là các hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn xã Hòa Bắc. Với diện tích rừng trồng là 3.858,34ha, việc khai thác rừng trồng, đốt thực bì tại vùng đầu nguồn, canh tác tự do trên đất dốc của người dân địa phương đã làm tăng sự rửa trôi, xói mòn đất; làm thay đổi độ che phủ rừng, đặc biệt là chất lượng lớp phủ rừng. Đây là yếu tố ảnh hưởng khá lớn đến khả năng điều tiết dòng chảy mặt, thời gian truyền lũ, mức độ chuyển tải vật liệu vào sông suối và đồng bằng hạ lưu. Ngoài ra hoạt động này cũng có thể làm tăng khả năng cuốn trôi bùn cát và các thành phần ô nhiễm khác gây bồi lắng lòng hồ, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Việc canh tác nông nghiệp sử dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật đã gây ô nhiễm nguồn nước. Hoạt động chăn nuôi của các hộ gia đình phân tán chưa đảm bảo điều kiện môi trường như chuồng trại không có hệ thống xử lý, chăn nuôi thả rong.
Đáng chú ý, những năm gần đây, trong lưu vực phát triển các loại hình du lịch dã ngoại, vui chơi giải trí nhỏ lẻ dọc theo các sông suối. Nguồn thải từ hoạt động này cũng là vấn đề cần lưu tâm.
Trong chiến lược đảm bảo an ninh nguồn nước, Đà Nẵng ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển và bảo vệ tài nguyên nước sông Cu Đê. Theo quy hoạch, nguồn nước sông Cu Đê sẽ được khai thác lên đến 400.000m3/ngày đêm vào năm 2050, đảm bảo cung cấp 40% nhu cầu sử dụng nước của toàn TP. Phát triển nguồn nước sông Cu Đê sẽ giúp Đà Nẵng giảm phụ thuộc vào nguồn nước sông Vu Gia (Quảng Nam) – hiện đang chiếm khoảng 95% tổng nhu cầu sử dụng nước của Đà Nẵng. Điều này đồng nghĩa với việc Đà Nẵng sẽ giảm đối mặt với các thách thức liên quan đến hạn hán, xâm nhập mặn, vận hành của các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn…
Cấp bách bảo vệ nguồn nước
Tại Hội thảo “Chung tay hành động bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Cu Đê”, ông Huỳnh Vạn Thắng – Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.Đà Nẵng – cho rằng, cần khẩn trương thành lập các nhóm, tổ cộng đồng dân cư bảo vệ nguồn nước sông Cu Đê. Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ việc xả chất thải từ các hoạt động dã ngoại, du lịch sinh thái đang phát triển khá sôi động ở thượng lưu đập Nam Mỹ. Cùng với đó thúc đẩy các nỗ lực của cộng đồng trong việc bảo vệ nghiêm ngặt nguồn sinh thủy, bảo vệ rừng, chống xói mòn bề mặt trên lưu vực hồ chứa; Xây dựng quy chế phối hợp bảo vệ chất lượng nguồn nước sông Cu Đê và giám sát các nguồn thải nguy hại có thể phát sinh từ hoạt động khai thác vàng trái phép phía thượng lưu; tăng cường truyền thông cho người dân bản địa về giá trị của nguồn nước sông Cu Đê để họ chung tay bảo vệ.
Ông Lương Thạch Vỹ – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng – thông tin, đơn vị đã tổ chức xác định và cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước (110 mốc), đồng thời tổ chức phổ biến cho người dân trong khu vực hành lang bảo vệ được biết và tuân thủ các quy định về bảo vệ nguồn nước. Tổ chức lập, xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo Quyết định số 103/QĐ-UBND ngày 16-1-2023 của UBND TP…
“Để giảm sự bồi lắng lòng hồ, tăng tuổi thọ công trình cũng như đảm bảo chất lượng nước trên lưu vực sông Cu Đê, các cấp có thẩm quyền cần gia cố những khu vực dễ xảy ra sạt lở, thực hiện vệ sinh, nạo vét lòng hồ định kỳ để duy trì, đảm bảo dung tích hồ; tăng cường công tác quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường lưu vực sông Cu Đê. Đồng thời đề xuất chính quyền địa phương nghiên cứu, có kế hoạch phục hồi, tái tạo rừng tự nhiên, tăng diện tích đất trồng cây lâu năm để giảm thiểu nguy cơ sạt lở, xói mòn trên lưu vực sông khi người dân thu hoạch đồng loạt cây sản xuất trên một khu vực lớn”, ông Vỹ đề xuất.
Ông Tô Văn Hùng – Bí thư Huyện ủy Hòa Vang – cho rằng, muốn bảo vệ nguồn nước sông Cu Đê, trước hết các cấp chính quyền, người dân cần đặt dòng sông này vào vị trí tương xứng với tiềm năng và vai trò quan trọng đối với an ninh nguồn nước của TP. Đối với huyện Hòa Vang, một trong các tiêu chí của huyện là người dân có trách nhiệm bảo vệ rừng và nguồn nước…
Lệ Giang
Bình luận (0)