Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bảo vệ tính mạng trong mùa bão lũ

Tạp Chí Giáo Dục

Những thùng mì tôm cứu trợ về với rốn lũ huyện Quảng Điền trong mùa lũ năm 2009

Cứ mỗi mạng người bị lũ cuốn trôi để lại biết bao đau thương, mất mát cho gia đình và gánh nặng toàn xã hội. Phương châm “tự quản tại chỗ” (TQTC) được bổ sung vào công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tại Thừa Thiên Huế áp dụng chặt chẽ đến từng hộ dân ở các vùng xung yếu.
TQTC phải thực hiện trước tiên

Xác định hình thức TQTC là “một liều thuốc bổ” để cứu dân trong những ngày mưa to gió lớn, vì thế mà nhiều địa phương trong tỉnh Thừa Thiên Huế đã hạn chế thấp nhất cái chết đáng tiếc do mưa lũ gây ra. Nhớ lại cơn bão số 9 hồi tháng 10 năm 2009, trong lúc toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang “mải mê” đối phó với những đợt lũ liên hoàn xảy ra ở các xã vùng hạ lưu sông Hương, sông Bồ, thì trên đại ngàn Trường Sơn, lũ quét đã cô lập xã Hồng Thủy huyện A Lưới gần một tuần. Hơn 300 hộ dân đồng bào dân tộc Pa Cô ở đây phải chịu đựng những tháng ngày sống thiếu nước sạch, hệ thống giao thông, và thông tin liên lạc nối Hồng Thủy và trung tâm huyện đều bị tê liệt hoàn toàn. Cũng may nhờ làm tốt công tác TQTC nên dù Hồng Thủy là xã chịu thiệt hại nhất trong cơn bão số 9 tại Huế nhưng không bị thiệt hại về người. Anh Hồ Bá Bình, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy kể lại: “Ngay trong đêm 9-10-2009, một tiểu đội gồm 20 người do anh Trăn lúc đó là Phó chủ tịch huyện A Lưới cùng bộ đội biên phòng mỗi người gùi 40kg gạo và lương khô băng núi lội bộ vào cứu đói cho người dân Hồng Thủy. Dù lở núi và hệ thống đường liên thôn cầu cống qua xã lúc này đã bị nước lũ cuốn trôi, nhưng người dân Hồng Thủy đã nghĩ cách tự cứu mình ngay khi bão đổ bộ về. Suốt đêm 8-10-2009, người dân ở đây đã huy động tất cả thanh niên đưa hết gần 69 hộ dân đang sinh sống dưới ngọn núi Tà Rung đến nơi ở an toàn”.
Người dân “đừng để mất bò mới lo làm chuồng”
Tuy nhiên, những mùa lũ hằng năm, nhiều địa phương tại Huế vẫn còn lúng túng trong việc triển khai phương châm TQTC đến tận người dân, một phần do ý thức người dân rất thấp nên tình trạng chết người trong mùa bão, lũ vẫn xảy ra.
Mùa bão lũ năm nay, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục yêu cầu các địa phương cần thực hiện tốt phương châm TQTC nhằm bảo vệ tính mạng người dân.
Ông Quách Nhơn, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, một trong những địa phương thuộc rốn lũ huyện Quảng Điền tâm sự: “Mất tài sản có thể tìm lại được nhưng mất người là vĩnh viễn, là nỗi đau lớn. Việc bảo vệ tính mạng người dân luôn phải được chính quyền địa phương quan tâm. Theo tôi, nếu xã huyện nào để người dân bị chết do lũ cuốn trôi phải chịu trách nhiệm với chính quyền cấp trên. Nhưng ngược lại, người dân phải chấp hành tốt các chủ trương của Ban chỉ huy PCBL&TKCN chứ không phải đến lúc “mất bò mới lo làm chuồng”. Có như thế thì bốn phương châm tại chỗ mới được triển khai một cách đồng bộ, đảm bảo an toàn tính mạng tuyệt đối của người dân trong mùa mưa bão”. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCLB&TKCN, đầu năm 2009, UBND xã Quảng Thành huyện Quảng Điền đã đầu tư 1,5 triệu đồng xây dựng một trụ đèn tại thôn Quán Hòa để báo hiệu cho người dân đánh bắt thủy sản trên sông đầm trở về trước khi có bão, lũ lớn xảy ra.
Theo ông Phan Thanh Hùng, Phó trưởng ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Hiên Huế thì từ đầu mùa hè năm 2010, Ban chỉ huy PCLB&TKCN đã chủ động triển khai cho các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bão, lụt trước khi mùa mưa bão đến, trong đó tập trung các công tác kiện toàn tổ chức, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên, xây dựng các phương án ứng phó linh động. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi thực hiện bốn phương châm tại chỗ đó là sự tuyên truyền ở các đơn vị cấp xã còn lơ là, nhiều xã ven biển còn thiếu âu thuyền tránh bão, đặc biệt là âu thuyền xã Phú Hải đã có kế hoạch xây dựng từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành trong lúc mùa mưa lũ ở Huế sắp đến”.

Bài, ảnh: Vân Dương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)