Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bảo vệ trẻ trong những ngày Tết: Kỳ I: Những tai nạn thường gặp

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày Tết, phụ huynh cần dành nhiều thời gian quan tâm đến trẻ để phòng tránh tai nạn

Năm nào cũng vậy, vào dịp Tết, các bệnh viện nhi phải hoạt động hết công suất. Số trẻ nhập viện vì bị tai nạn, bệnh tật tăng đột biến so với các ngày thường. Vậy làm sao để trẻ được an toàn trong những ngày Tết?
Dị vật đường hô hấp
Dị vật đường hô hấpthường gặp ở trẻ lứa tuổi từ ăn dặm đến khoảng 3 tuổi. Ở lứa tuổi này trẻ thường hay tò mò, thấy người lớn cắn hạt dưa, hạt bí, hạt dẻ, hướng dương, đậu phộng trẻ cũng bắt chước theo rồi nhét chúng vào miệng hoặc mũi. Ngoài ra, đồng tiền xu, đồ chơi có kích thước nhỏ cũng là một trong những thứ có thể khiến bé bị hóc dị vật gây khó thở đôi khi dẫn đến tử vong. Thông thường, khi hóc dị vật trẻ sẽ ho sặc sụa, khó thở, mặt tím tái, trợn mắt sau đó ngưng thở do tắc nghẽn đường thở cấp. Nếu dị vật gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn, tiếng thở của trẻ thường hay rít có kèm những cơn ho rũ rượi, mặt đỏ bừng. Vì vậy, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để khám và gắp dị vật ra. Nếu thấy trẻ thở nặng, tím tái, hãy áp dụng phương pháp vỗ lưng ấn ngực để giúp trẻ không bị ngạt thở. Sau đó cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Phỏng do điện, nước sôi
Những ánh đèn nhấp nháy để trang trí trên các cây mai, đào trong những ngày Tết rất dễ lôi kéo trẻ khám phá. Nếu những dây điện này bị hở thì đó là một nguy cơ cao cho sự an toàn của trẻ. Bình thủy đựng nước sôi, ấm trà nóng pha sẵn đặt trên bàn chờ đón khách cũng là những nguyên nhân gây phỏng cho nhiều trẻ trong những ngày Tết. Xử trí, nếu trẻ bị phỏng điện thì ngắt ngay nguồn điện, sau đó đưa đến bệnh viện. Nếu bị phỏng nước sôi thì cần sơ cứu ngay tại chỗ bằng cách làm giảm nhiệt độ chỗ bé bị phỏng (rửa vùng bị phỏng dưới vòi nước sạch) rồi dùng khăn hay vải sạch để băng vùng da này lại, không bôi bất kỳ thứ thuốc nào lên vùng da này. Sau đó nhanh chóng đưa bé đến bênh viện để được điều trị. Phòng ngừa, luôn để mắt đến trẻ, không cho trẻ chạm vào dây điện, không để bình trà, bình thủy ở tầm mắt, tầm với của trẻ mà nên để ở nơi an toàn.
Phỏng không chỉ đau đớn và nguy hiểm mà còn để lại hậu quả lâu dài trên chức năng, thẩm mỹ và tâm lý của trẻ.
Ngạt nước
Trẻ dưới 2 – 3 tuổi thường rất thích nghịch nước. Những cái thùng, xô đặt ở sàn nước hay trong phòng tắm, thau nước tắm bé, bồn tắm. Thậm chí là ngay cả thùng nước để tưới cây, đều có thể là mối hiểm họa trong nhà đối với bé. Khi bé chúi đầu vào những thùng, xô này thì dù chỉ có một ít nước cũng đủ làm bé ngạt. Nếu không phát hiện sớm, nguy cơ tử vong rất lớn.
Phòng ngừa, hạn chế chứa nước trong các loại thùng, xô cao ngang tầm trẻ. Nếu phải chứa nước thì cần đậy kỹ hoặc có biện pháp hạn chế trẻ đến gần. Các thau nước sau khi sử dụng (tắm trẻ, giặt quần áo, lau nhà) nên đổ ngay. Cửa phòng tắm nên có chốt cài bên ngoài để trẻ nhỏ không tự vào phòng tắm được… Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần đặc biệt lưu ý khi đang tắm cho trẻ, không bỏ trẻ một mình để chạy đi nghe điện thoại hay làm bất kỳ việc gì. Bởi chỉ cần phụ huynh bỏ mặc trẻ 1 – 2 phút là cũng có thể gây tại nạn nguy hiểm cho trẻ…
Chấn thương do tai nạn giao thông
Trong những ngày Tết, trẻ thường được bố mẹ chở đi chúc Tết hoặc đi chơi. Nhiều ông bố, bà mẹ chở con nhưng không chú ý nên để trẻ ngủ gật. Ngày Tết có nhiều phương tiện lưu thông ẩu nên dễ va chạm sẽ làm các bé ngã và bị chấn thương.Khi đó cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Phòng ngừa, khi chở con đi du Xuân, bố mẹ cần tuân thủ tốt Luật Giao thông, cho trẻ ngồi trên ghế riêng, có dây an toàn buộc ngang người đề phòng bé ngủ gật.
(còn tiếp)
BS TRỊNH HỮU TÙNG

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)