Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bấp bênh nghề câu cá ngừ đại dương

Tạp Chí Giáo Dục

Sản lượng cá ngừ đại dương câu được thấp khiến những chuyến ra khơi của ngư dân đã khó càng khó hơn.

Đánh cược với những chuyến ra khơi

Cảng cá P.6 (TP.Tuy Hòa, Phú Yên) được xem là một trong những cảng cá lớn của miền Trung những ngày này trở nên đìu hiu, mỗi sáng chỉ lác đác vài chiếc ghe đánh bắt gần bờ cập cảng. Riêng ghe câu cá ngừ đại dương hầu hết nằm bờ vì mỗi chuyến ra khơi lỗ tổn không dưới 100 triệu đồng. “Càng đi càng lỗ, mỗi chuyến lỗ từ 100 triệu đến 200 triệu đồng, nằm bờ cho nhẹ cái đầu”, ngư dân Bùi Hà ngao ngán. Từ đầu năm 2015 đến nay, ghe ông Hà có tổng cộng 4 chuyến ra khơi, trong đó chỉ một chuyến huề vốn, còn lại lỗ ít nhất 110 triệu đồng/chuyến.

Liên tục những chuyến đi biển không hiệu quả khiến không ít ngư dân gặp khó, là nỗi lo kinh tế khi phải vay nợ ngân hàng để đầu tư ghe nghề, chi phí nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho mỗi chuyến ra khơi. “Nợ đến hạn phải thanh toán, trong khi đó ghe thì nằm bờ dài ngày, không biết đến khi nào mới ra khơi. Gia đình mấy đời làm biển, không lẽ bán ghe đổi nghề? Mà biết nghề gì để làm bây giờ?”, ông Hà thở dài, nói.

Ba năm trước, nghề câu cá ngừ đại dương thuận lợi, ngoài chiếc ghe hùn với người cháu, ngư dân Huỳnh Thâu (Đông Tác) vay ngân hàng hơn tỷ đồng cộng với vốn liếng 20 năm tích lũy đóng mới chiếc ghe câu cá ngừ. Nay ghe đến kỳ đại tu nhưng số nợ vay ngân hàng vẫn chưa thanh toán, lãi chồng chất.

Nghề câu cá ngừ gặp khó, một số chủ tàu tạm thời chuyển sang đi mành cá cơm để đảm bảo kinh tế

Nghề câu cá ngừ đại dương thật sự “làm ăn được” là thời điểm từ tháng 2 đến hết tháng 6 âm lịch. Mùa mưa bão tháng 9, tháng 10 âm lịch, ghe phải nằm bờ. “Một năm ra khơi được vài chuyến, chuyến nào lãi 150 triệu là khá rồi”, ông Thâu nói. Ông Thâu cũng thừa nhận, nghề câu cá ngừ đại dương thuận chèo mát mái thì chẳng mấy chốc làm giàu nhưng chỉ vài chuyến lỗ tổn/ năm thì cũng mau chóng trắng tay. Không ít người từng là chủ ghe bao năm, vào sinh ra tử trên những chuyến biển dài ngày phải chấp nhận đi làm thuê với đủ các nghề vì… nợ. “Nghề biển bấp bênh, ngư dân đối mặt với nhiều rủi ro. Đi mành cá cơm, lưới cá chuồn, giã cào… coi vậy chứ không bấp bênh như nghề câu cá ngừ đại dương”, ông Thâu chia sẻ.

Dịch vụ nghề biển cũng gặp khó

Chúng tôi trở lại cảng cá vào một ngày giữa tháng 7, quang cảnh hoàn toàn khác so với mọi lần. Thời điểm này hàng năm, không khí quanh đây luôn ồn ào, náo nhiệt từ mờ sáng đến tối mịt bởi những chuyến xe ra vào vận chuyển cá, người mua bán… chật kín cả các ngả đường ra vào.

Suốt cả buổi sáng chờ đợi ở cảng cá, chúng tôi chỉ thấy độc nhất chiếc ghe mành đánh bắt cá cơm cập bến. Ngư dân Hoàng Văn Tí chưa hài lòng về chuyến biển vừa rồi: “So với những ngày trước thì nay sản lượng thấp, trừ mọi hao tổn còn lãi chút đỉnh chứ không nhiều”.

Đại diện Đồn biên phòng P.6 cũng khẳng định, trong tuần không có chiếc ghe câu cá ngừ đại dương nào xuất bến.

Nhiều ghe tàu nằm bờ kéo theo nhiều dịch vụ nghề biển cũng gặp khó. Bà Hường, chủ một cơ sở đá lạnh ở TP.Tuy Hòa nói như than: “Khi nghề câu cá ngừ đại dương làm ăn được, để đủ lượng đá lạnh cung cấp cho ngư dân ra khơi, nhà máy của tôi hoạt động cả ngày lẫn đêm, còn nhờ các cơ sở khác hỗ trợ nhưng hiện nay thì không có ai đặt hàng”. Các đại lý gạo, gas, nước suối… phục vụ ngư dân những chuyến ra khơi dài ngày cũng trở nên ế ẩm. “Ghe đồng loạt ra khơi thì còn bán được chứ ghe nằm bờ, xem như đại lý đóng cửa”, bà Bảy chủ đại lý gas, nước suối trên đường Nguyễn Công Trứ cho hay.

Nhiều năm theo ghe câu cá ngừ, nay ghe thường xuyên nằm bờ không phải bạn biển nào cũng có được việc làm để nuôi vợ con. “Ghe câu cá ngừ thì cần nhiều bạn, nay nằm bờ anh em thất nghiệp. Số ít theo ghe đánh bắt gần bờ, còn lại chẳng biết nghề gì ngoài nghề biển để làm, xin việc làm khác ở địa phương này đâu dễ”, ngư dân Nguyễn Dữ cho biết. Bạn biển thất nghiệp sinh ra rượu chè, cờ bạc khiến nghèo lại càng nghèo hơn vì… nợ là nỗi lo của gia đình ngư dân.

Bài, ảnh: Trần Anh

Ông Cao Văn Lộc, Trưởng cảng cá P.6 cho biết, kể từ cuối tháng 5, số lượng ghe tàu ra khơi giảm hẳn, nguyên nhân là sản lượng đánh bắt thấp, không đủ chi phí. Thay vì phải nằm bờ chờ đợi, nhiều chủ tàu đã tạm thời chuyển sang đi lưới chuồn, mành cá cơm… để đảm bảo kinh tế. 

 

Bình luận (0)