Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bấp bênh phim Việt trong mùa thấp điểm

Tạp Chí Giáo Dục

Còn khoảng 20 phút đến suất chiếu của phim Đóa hoa mong manh nhưng ở một cụm rạp thuộc hệ thống rạp Lotte chỉ mới có 2 vé được bán. Ngày giữa tuần, lại không trùng dịp lễ hay tết, phim Việt dễ rơi vào cảnh ảm đạm như trên, nhất là khi chất lượng phim không như mong đợi.

Rời rạp trong thua lỗ

Những ngày qua, đạo diễn Mai Thu Huyền và một số thành viên đoàn phim Đóa hoa mong manh liên tục phản ánh chuyện phim bị ép suất chiếu. Theo cô, có rạp mỗi ngày chỉ xếp 1-3 suất chiếu, đa số vào khung giờ ‘’xấu’’ như buổi sáng, trưa hay khuya. Theo thống kê của trang Box Office, tính đến ngày 17/4, phim có 389 suất chiếu và bán được 1.974 vé. Như vậy, trung bình 1 suất phim chỉ có 5 người xem. Doanh thu của phim hiện chỉ đạt hơn 313 triệu đồng, trong khi đạo diễn Mai Thu Huyền cho biết, cần thu cả trăm tỉ đồng mới hòa vốn.

Đóa hoa mong manh là phim Việt thứ ba thời “hậu” tết phải đối diện với khả năng thua lỗ sau Sáng đèn và Quý cô thừa kế. Sáng đèn ra rạp từ ngày 22/3, hiện vẫn còn chiếu tại cụm rạp Mega GS vì đây cũng là đơn vị phát hành phim. Tuy nhiên doanh thu đến nay chỉ hơn 3,4 tỉ đồng. Quý cô thừa kế rời rạp chỉ sau 20 ngày, thu hơn 6 tỉ đồng. Theo nhà sản xuất, phim lỗ nhiều vì cần tới 40 tỉ đồng mới hòa vốn.

Đóa hoa mong manh là phim thứ ba sau Sáng đèn và  Quý cô thừa kế đối diện  nguy cơ thua lỗ cao

Đóa hoa mong manh là phim thứ ba sau Sáng đèn và Quý cô thừa kế đối diện nguy cơ thua lỗ cao

Các phim ra rạp thường tập trung vào 3 loại: phim Việt, phim của các studio lớn của Hollywood và phim của các nước Hàn Quốc, Nhật, Thái… Trong khi phim Việt đang điêu đứng, nhiều phim ngoại đã chiếm lại những thứ hạng đầu ở phòng vé kể từ sau tết đến nay. Tuần qua, Godzilla x Kong: Đế chế mới bước sang tuần thứ ba dẫn đầu phòng vé, tổng doanh thu đạt 126 tỉ đồng. Thanh xuân 18×2: Lữ trình hướng về em, Quật mộ trùng ma và Kungfu Panda 4 tiếp tục thay phiên nhau chiếm các vị trí trong tốp 4. Nếu năm ngoái 50% phim ăn khách là phim nội thì 3 tháng đầu năm nay, phim ngoại lấy lại vị thế khi có đến 3/5 phim đóng góp vào tổng doanh thu thị trường vượt ngưỡng 1.000 tỉ đồng (Quật mộ trùng ma, Godzilla x Kong: Đế chế mới và Kungfu Panda 4).

Tuần này, các rạp chào đón 2 phim Việt mới là Trước giờ yêu và Cái giá của hạnh phúc. Cả 2 đều có điểm nhấn riêng, hy vọng kéo khán giả. Trước giờ yêu thẳng thắng đề cập chuyện tình dục ở giới trẻ. Cái giá của hạnh phúc đánh dấu sự trở lại và lột xác vào dạng vai mới của Thái Hòa. Việc cả 2 đều tranh thủ dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương để ra mắt công chúng cũng được chờ đợi sẽ đem lại sự hồi sinh cho phim Việt sau một mùa “hậu” tết ảm đạm.

Chất lượng hay thời điểm quyết định doanh thu?

Nhìn lại các thất bại của 3 phim Việt kể trên, yếu tố thời điểm không thuận lợi chỉ rơi vào trường hợp Quý cô thừa kế, vì phát hành trùng ngày với “bom tấn” Kungfu Panda 4. Tuy vậy chất lượng phim cũng tương ứng với doanh thu. Phim Sáng đèn thuận lợi ở chỗ không vướng phải phim lớn nào, nhưng lại tạo cảm giác là phim cũ, bởi từng chiếu vài ngày vào dịp tết Nguyên Đán. Dù được khen ngợi về nội dung, tâm lý phim “nguội” và chủ đề cải lương kén khán giả nên doanh thu thấp. Đóa hoa mong manh ra rạp lúc thị trường vắng phim nước ngoài đình đám, nhưng câu chuyện phim và cách làm cũ kỹ dẫn đến bị khán giả thờ ơ.

Phim Cái giá của hạnh phúc (trên) và Trước giờ yêu (dưới) đều chọn ra rạp dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương với hy vọng hút khán giả

Phim Cái giá của hạnh phúc (trên) và Trước giờ yêu (dưới) đều chọn ra rạp dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương với hy vọng hút khán giả

Nhà sản xuất, diễn viên Xuân Lan cho biết: “Thời gian cao điểm của phòng vé trong năm rơi vào tết và các dịp lễ như 30/4-1/5, 2/9, Giáng sinh và tết dương lịch, nhưng phim Việt thường kỳ vọng ở tết cổ truyền và dịp lễ 30/4-1/5 nhiều hơn. Lần đầu làm phim, chúng tôi cũng mong muốn phát hành vào dịp lễ 30/4-1/5 để tăng thêm sự tự tin, nhưng vì thời điểm này đã có phim của anh Lý Hải nên chúng tôi đẩy lịch lên sớm hơn, chiếu vào dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương với hy vọng kỳ nghỉ này sẽ kéo dài đến dịp lễ 30/4-1/5. Phim sau, khi mọi người đã biết đến phim của thương hiệu Lalaland, chúng tôi nghĩ mình sẽ tự tin hơn, phát hành thời điểm nào cũng được”.

Nhìn lại 10 phim Việt ăn khách lịch sử hiện nay, 6/10 phim đều ra mắt vào 2 mốc thời gian: tết và dịp lễ 30/4-1/5. Do đó, phải thừa nhận thời điểm phát hành là yếu tố quan trọng góp phần vào doanh thu. Việc chọn “điểm rơi” không chỉ là dịp lễ, tết mà còn cả việc tránh được các phim lớn của nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy ngoại lệ. Một số phim ra vào mùa thấp điểm, đối đầu bom tấn nhưng vẫn ăn khách. Gần đây nhất là thành công của Siêu lừa gặp siêu lầy hay Quỷ cẩu hồi năm ngoái.

Nhà sản xuất, đạo diễn Võ Thanh Hòa của 2 phim này nhớ lại: “Năm ngoái, phim Siêu lừa gặp siêu lầy ra rạp vào đầu tháng Ba là mùa thấp điểm và phim Quỷ cẩu chiếu vào cuối tháng Mười hai cũng không phải mùa vàng cho phim Việt, nhưng doanh thu hơn trăm tỉ đồng. Điều này cho thấy, không nhất thiết phải chen vào lấy những suất chiếu ngày lễ giá vé cao để phim thắng mà vẫn có thể tìm hướng đi riêng. Nhiều phim ra rạp không đụng phim lớn nào nhưng doanh thu vẫn không cao. Điều tiên quyết để phim ăn khách là chất lượng phim phải tốt”.

Thị trường phim Việt vẫn còn nhỏ bé và bấp bênh. Khoảng cách giữa phim ăn khách và ế vé rất lớn nên nhà sản xuất nào cũng nhắm tới “mùa vàng”. Nhưng thực tế đã cho thấy, phim tốt tạo ra doanh thu, bất kể ra rạp vào thời điểm nào.

Theo Hương Nhu/PNO

 

Bình luận (0)