Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Bập bùng điệu trống Paranưng

Tạp Chí Giáo Dục

Hằng năm, khi thu hoạch xong vụ hè thu cũng là lúc đồng bào Chăm ở Bình Thuận lại náo nức vui đón lễ hội Katê truyền thống. Tiếng trống Ghinăng rộn ràng, điệu trống Paranưng bập bùng, tiếng kèn Saranai réo rắt quyện hòa các làn điệu dân ca, những khúc dân vũ Chăm mượt mà, duyên dáng… đã khắc họa thêm một mùa Katê vui tươi, đầm ấm trong cộng đồng đồng bào Chăm…
Katê là lễ hội chính và lớn nhất trong hàng chục lễ hội văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn ở khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận. Hàng năm, lễ hội Katê được tổ chức vào đầu tháng 7 theo lịch Chăm (khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 dương lịch), nhằm tưởng nhớ công ơn của tiền nhân, cũng là dịp để bà con vui chơi, giải trí sau một mùa vụ lao động nhọc nhằn. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm thì Katê có ba cấp độ: Katê đền tháp, Katê làng và Katê gia đình. Nghĩa là, sau khi thực hiện các nghi lễ tại các đền tháp, Katê sẽ về với từng làng Chăm rồi đến với từng gia đình, trong niềm vui của mọi người sau một mùa sản xuất nông nghiệp. Do vậy, có thể coi Katê như tấm gương phản chiếu đời sống tinh thần, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào Chăm hằng năm. Năm nay, đồng bào Chăm ở các xã Hàm Phú, Hàm Trí và thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc tiếp tục tổ chức lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư đúng với thời gian, nội dung và đầy đủ các nghi lễ truyền thống nhiều đời.
Lễ hội Katê năm nay diễn ra đúng vào Ngày Du lịch thế giới 27.9.2011, với chủ đề Du lịch – liên kết các nền văn hóa. Ðó là thông điệp của Ngày Du lịch thế giới năm nay kêu gọi những người làm trong ngành du lịch ứng xử tôn trọng và hiểu biết về văn hóa; tăng cường trao đổi, đối thoại giữa các nền văn hóa để bảo đảm cộng đồng địa phương có thể tham gia và hưởng lợi từ các cơ hội phát triển du lịch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thành Tâm cho biết: "Tỉnh sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu, khả thi để tiếp tục quảng bá du lịch Bình Thuận thông qua các hoạt động văn hóa có chất lượng ngày càng cao, trong đó có các lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc ở địa phương". Phải nói rằng, bên cạnh ý nghĩa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, lễ hội Katê còn là một loại hình du lịch độc đáo ở vùng đất cực nam Trung Bộ đầy nắng, gió này. Hẹn mùa Katê năm sau vui tươi, đầm ấm hơn…
Theo tchdkh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)