Bắp là loại thực phẩm cung cấp nhiều chất xơ cho cơ thể, giúp những bệnh nhân huyết áp, tiểu đường cân bằng nồng độ đường huyết…
Trong nền văn minh châu Âu, câu chuyện về bắp bắt đầu vào năm 1492 khi Columbus phát hiện ra loại cây này ở Cuba. Sau đó, bắp xuất hiện ồ ạt ở châu Âu và trở thành nguồn thực phẩm chính. Người ta không nhớ chính xác thời điểm bắp được di thực vào châu Âu, có người bảo nó được đem theo cùng Columbus. Trong khi đó, cũng có nhiều tài liệu cho thấy bắp vào Tây Ban Nha sau chuyến viếng thăm châu Mỹ lần thứ hai của Columbus. Tại châu Mỹ, những bằng chứng khảo cổ cho thấy bắp xuất hiện ở châu lục này cách đây khoảng 80.000 năm.
Năm 1575, từ châu Âu, bắp được di thực sang miền Tây Trung Hoa, Philippines, Ấn Độ và cũng trở thành nguồn thực phẩm vô cùng quan trọng ở những xứ này.
Thức ăn cho người bị tim mạch
Bắp là loại thực phẩm lý tưởng để cung cấp chất xơ cho cơ thể. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một chén bắp cung cấp khoảng 23% lượng chất xơ cần thiết mỗi ngày. Trong cơ thể, chất xơ có vai trò làm giảm mức cholesterol, làm giảm tần suất rủi ro ung thư ruột kết, làm giảm những triệu chứng khó chịu bị gây ra do hội chứng kích ứng ruột (Irritable Bowel Syndrome – IBS).
Bắp có nhiều vitamin nhóm B Ảnh: THẢO NGUYỄN
Ngoài những công dụng có lợi cho hệ tiêu hóa và tim mạch, chất xơ còn có tác dụng ổn định nồng độ đường huyết. Nếu những bệnh nhân bị kháng insulin, đường huyết cao, tiểu đường…, bắp có thể giúp những bệnh nhân này cân bằng nồng độ đường huyết bằng cách cung cấp cho cơ thể một loại năng lượng được giải phóng chậm.
Bắp góp công trong việc xây dựng một quả tim khỏe mạnh không chỉ nhờ hàm lượng cao chất xơ mà còn nhờ vào hàm lượng các chất như folate, niacin (vitamin B3), magnesium có trong bắp. Folate giúp làm giảm bớt nồng độ của chất homocystein, chất này được sinh ra trong quá trình chuyển hóa gây tổn thương trực tiếp lên mạch máu.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một chén bắp cung cấp khoảng 19% lượng folate, 18,9% lượng niacin cần thiết mỗi ngày cho cơ thể. Cùng với chất xơ có trong bắp, niacin cũng có tác dụng làm giảm hàm lượng cholesterol.
Một hóa chất khác cũng không kém phần quan trọng có ở bắp chính là chất magnesium. Hóa chất này giúp mạch máu khỏe mạnh, giúp máu vận chuyển ôxy và các chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể mà không gặp phải các chướng ngại vật cản đường. Magnesium còn tiêu diệt các gốc tự do có thể gây tổn hại cho tim.
Chống ôxy hóa
Hai thành phần sáng giá của bắp luôn là niềm hứng thú cho các nhà khoa học gồm lutein và zeaxanthin – hai chất chống ôxy hóa (antioxidants) có bà con họ hàng với vitamin A. Hai chất này có tác dụng ngăn ngừa ung thư và các bệnh về tim mạch. Những nghiên cứu mới nhất còn cho thấy hai chất này có khả năng cải thiện rõ rệt những căn bệnh thoái hóa mắt do ảnh hưởng tuổi tác (vốn có thể dẫn tới mù lòa ở người cao tuổi).
Lutein và zeaxanthin là những sắc tố màu vàng hiện diện ở võng mạc đóng vai trò bảo vệ mắt theo hai cách. Một là, tác động như những chất chống ôxy hóa; hai là, hoạt động như một bộ lọc ngăn cản các tia gây nguy hại cho mắt.
Ngoài vitamin B1, còn phải kể đến vitamin B3 và B5. Đây là “cặp bài trùng” đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa carbohydrate, protein và lipid. Vitamin B5 còn giúp những người đang phải đương đầu với stress bởi vì nó hỗ trợ chức năng của tuyến thượng thận (tuyến thượng thận đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng stress).
Thực phẩm cho người già
Bắp là thực phẩm thích hợp cho những người cao tuổi nhằm cải thiện tình trạng “nhớ nhớ, quên quên” do có nhiều vitamin nhóm B, chẳng hạn như B1. Một chén bắp có thể cung cấp 32,7% lượng vitamin B1 mà cơ thể cần cho mỗi ngày. Vitamin B1 là một thành phần không thể thiếu cho các phản ứng enzyme để giải phóng năng lượng. Vitamin B1 cũng cần thiết cho các tế bào não bởi chúng đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp acetylcholine, đây là một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng cho trí nhớ, những người thiếu hụt acetylcholine sẽ mắc các bệnh về trí nhớ do tuổi tác, chẳng hạn bệnh Alzheimer.
|
Dược sĩ NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG – Theo Người Lao Động
Bình luận (0)