Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bất an với bánh trung thu “siêu rẻ”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Nhiều loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc với giá “siêu rẻ” cũng đang thu hút khách hàng. Tuy nhiên, chất lượng của sản phẩm này như thế nào thì vẫn là nỗi lo đối với người tiêu dùng.

Bất an với bánh trung thu “siêu rẻ” ảnh 1
Bánh trung thu siêu rẻ, giá 3.600 đồng/cái

Tại các siêu thị, chợ truyền thống cho đến vỉa hè, thời điểm này thị trường bánh trung thu đã bắt đầu nhộn nhịp. Sản phẩm bánh đa dạng về mẫu mã, chủng loại, được sản xuất bởi những doanh nghiệp có tên tuổi lẫn cơ sở  nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình. Nhiều loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc với giá “siêu rẻ” cũng đang thu hút khách hàng. Tuy nhiên, chất lượng của sản phẩm này như thế nào thì vẫn là nỗi lo đối với người tiêu dùng.

Mù mờ nguồn gốc

Sau khi “làm mưa, làm gió” ở Hà Nội thì loại bánh trung thu mini “siêu rẻ” đã có mặt tại TPHCM và được quảng cáo rầm rộ thông qua mạng xã hội. Liên hệ với một chủ tài khoản facebook có tên T., chuyên buôn bán sỉ, lẻ bánh trung thu, thì được quảng cáo bánh trung thu mini “có xuất xứ Đài Loan, được làm từ những nguyên liệu tươi ngon, vỏ bánh mềm mại, phần nhân dẻo, ngọt thanh không quá gắt”. Chúng tôi ngỏ lời muốn mua số lượng lớn để bán thì được người này dẫn đến nơi phân phối. Đó là cửa hàng không số nằm trên đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh). Tại đây, một người phụ nữ chừng 40 tuổi giới thiệu về các loại bánh và khẳng định trẻ con rất thích bởi màu sắc bắt mắt, trọng lượng nhỏ gọn, xinh xắn…

Nhìn bao bì bên ngoài, chúng tôi khá ngạc nhiên khi chiếc bánh chi chít chữ Trung Quốc, không hề có bất kỳ thông tin nào bằng tiếng Việt. Gặng hỏi nguồn gốc thì chủ cửa hàng cho biết “đây là hàng nội địa Trung Quốc, do người dân mình lại không thích hàng Trung Quốc nên phải nói là của Đài Loan để dễ bán”. Trong bao bì là chiếc bánh trung thu bặng 38g. Bánh được giới thiệu với 5 hương vị gồm dưa lưới, dứa, cam, đậu đỏ và đậu xanh, được bán với giá 90.000 đồng/kg (khoảng 25 cái). 

Cũng tại cửa hàng này, chúng tôi làm quen một người phụ nữ tên Kim Dung (ngụ Biên Hòa, Đồng Nai), vừa thanh toán tiền cho đơn hàng là 5 thùng bánh trung thu mini. Chị Dung cho biết, số bánh này được chị bỏ sỉ lại cho các tiệm tạp hóa nhỏ tại địa phương. “Vì giá bán ra chỉ 5.000 đồng/cái, trẻ con thích và mua nhiều lắm. Cứ đều đặn một tuần là tôi lại lên lấy hàng. Có khi không kịp nhập hàng về để bán”, chị Dung nói.

Trong khi đó, theo chỉ dẫn của những người làm bánh trung thu homemade (nhà làm), đến khu vực quanh chợ Kim Biên (quận 5) và chợ Bình Tây (quận 6) có thể mua đủ loại nguyên vật liệu làm bánh trung thu với mức giá rất rẻ. Ở đây có cả nhân bánh được làm sẵn, với giá bán từ 50.000 đồng đến 85.000 đồng/kg, gồm các loại như đậu xanh, hạt sen, mè đen, thập cẩm. Nhiều loại nước hương liệu, phụ gia với giá dao động 60.000 – 120.000 đồng/lít, được đựng trong những chiếc can nhựa cũ kỹ, nhãn mác chỉ là những dòng chữ nguệch ngoạc được người bán hàng viết lên. Khi được hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của những nguyên liệu làm bánh trung thu, một người bán hàng trả lời với vẻ khó chịu rằng “các nguyên liệu này đều được mua ở những địa chỉ tin cậy” (!?).

Lo mất an toàn thực phẩm

“Không có luật nào cấm bán bánh trung thu siêu rẻ, chỉ có quyền nghi ngờ về ATTP, nhưng phải chờ kết quả kiểm tra. Chúng tôi đang tiến hành lấy mẫu các loại bánh trung thu giá rẻ trên thị trường để đưa đi kiểm nghiệm, kiểm tra chỉ tiêu vi sinh. Trong quá trình kiểm tra, phát hiện được đối tượng buôn bán, truy ngược lại nguồn gốc, sau đó đối chiếu hàng hóa có hóa đơn, chứng từ, nếu có sai phạm mới xử lý được”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết.

Theo bác sĩ Đỗ Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, với giá 3.000 – 5.000 đồng một chiếc bánh trung thu thì đây là mức giá rẻ đến bất ngờ và đặt ra mối lo về chất lượng, không loại trừ nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP). Đặc biệt là những thành phần trong nhân bánh không được công bố là những nguyên liệu gì, tem nhãn phụ không có, như đánh đố người tiêu dùng. Việc sử dụng bánh trung thu không rõ nguồn gốc có thể gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính. Bởi mỗi loại nguyên liệu (bột, nhân, gia vị…) đều có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật, gây nên các loại bệnh như, tả, lỵ, thương hàn, ký sinh trùng; hoặc ô nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh cấm, chất bảo quản, chất tạo màu…).

Trong khi đó, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM, qua kiểm tra bước đầu, nhận định năm nay xuất hiện rất nhiều sản phẩm bánh trung thu của các cơ sở sản xuất tự phát, hoạt động không phép, không đảm bảo điều kiện ATTP trong sản xuất. Đáng ngại nhất là các loại bánh trung thu bán online, bánh trung thu nhà làm, bởi không thể kiểm soát được chất lượng cũng như các tiêu chí ATTP. “Bánh trung thu nhà làm thì nên để ở nhà ăn, không phải để bán. Nếu bán phải đáp ứng yêu cầu kinh doanh về thuế, về yêu cầu vệ sinh ATTP và người bán hàng phải chịu trách nhiệm với mặt hàng của mình”, bà Phong Lan nhấn mạnh.

Cũng theo bà Phong Lan, người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm bánh trung thu của các nhà sản xuất đáp ứng các quy định về đảm bảo ATTP, được cơ quan quản lý cấp chứng nhận như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, hồ sơ công bố phù hợp theo quy định, sản phẩm có thông tin rõ ràng (thành phần nguyên liệu, ngày sản xuất, hạn sử dụng, nơi sản xuất,…), có bao bì, nhãn hiệu đầy đủ và được bày bán tại các địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm.

THÀNH AN/ SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)