Vì lợi nhuận, người làm đậu phụ thường cho kèm thạch cao xây dựng
|
Đậu phụ pha thạch cao không những không có tác dụng đơn thuần của một loại thực phẩm mà nó còn có thể làm tổn thương một số cơ quan chức năng của con người, gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc nếu tích tụ vào cơ thể trong một thời gian dài.
Vì lợi nhuận, người làm đậu phụ thường cho kèm vào thạch cao xây dựng. Người tiêu dùng thì cứ “hồn nhiên”… đưa đá vào người.
Thạch cao “cũng có năm bảy đường”
Nhắc đến thạch cao, đa phần người tiêu dùng sẽ nghĩ ngay đến đá, đến thạch cao làm trần nhà, những bức tượng tô bán tràn lan ngoài vỉa hè với giá 10 ngàn đồng/5 con. Đó là thạch cao xây dựng, được dùng làm chất kết dính trong xây dựng, giá từ 4-5 ngàn đồng/kg, được bán tại các cửa hàng vật liệu xây dựng. Loại này, không ăn, không uống được.
Thạch cao còn được bán tại các tiệm… thuốc bắc. Loại này được gọi là thạch cao phi, ở dạng tán hoặc cục, có giá từ 70-80 ngàn, tùy loại xấu hay đẹp. Tại một tiệm thuốc bắc trên đường Hải Thượng Lãn Ông, TP.HCM người bán hàng tận tình cho biết, loại thạch cao phi này được sử dụng như một chất bán dẫn đi kèm với những bài thuốc trị tiểu đường, huyết áp thấp, có tác dụng làm mát. Thạch cao phi thì uống được, nhưng chỉ được dùng với một lượng rất rất nhỏ.
Vậy thạch cao trong đậu phụ là thạch cao gì? Đi tìm câu trả lời từ bà Nguyễn Thị Lan (Nam Định), một người có thâm niên hơn 20 năm làm đậu phụ để bán. Bà Lan cho biết, thạch cao trong đậu phụ chỉ là thạch cao xây dựng. Vì loại thạch cao này rẻ, lại có khả năng làm “đẹp, đông, rắn” miếng đậu. Theo bà Lan, để làm đậu phụ thì đậu nành phải được xay nhuyễn ra, ngâm trong nước khoảng 6 tiếng. Sau đó đun lên để nổi váng. Váng đó sẽ được vớt ra, đưa vào khuôn ép hết nước thành thanh đậu. Bình thường, nếu làm 3kg đậu nành thì chỉ được khoảng gần 8kg đậu phụ. Mà thanh đậu lại không được rắn. Tuy nhiên, nếu có sử dụng thạch cao thì cũng số lượng đậu nành ấy, nhưng lại cho ra gấp đôi số đậu phụ. Đó là chưa kể nước đậu nành sẽ đặc hơn, sánh hơn, vàng hơn, đậu phụ sẽ nhìn bắt mắt hơn. Chỉ với vài phép tính đơn giản đã cho ra một khoản lợi nhuận quá lớn nên đa phần người làm đậu phụ, dù biết thạch cao là không tốt nhưng sẽ rất dễ “nhắm mắt làm ngơ”.
Đậu phụ là phụ, thạch cao là chính
Ông Lê Thái Hòa khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng đậu phụ của những cơ sở sản xuất uy tín, không nên chọn mua các loại đậu phụ quá rắn và quá vàng, vì có thể đã chứa rất nhiều thạch cao.
|
Thạch cao là chất có trong danh mục chất phụ gia thực phẩm, với chức năng điều chỉnh độ acid, nhũ hóa, chống đông vón, ổn định… Nhưng chỉ được phép sử dụng khi đó là thạch cao tinh khiết và với một liều lượng nhất định, cho phép.
Việc người sản xuất đậu phụ kèm thạch cao xây dựng hỗn tạp, với liều lượng không xác định hoàn toàn gây nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng.
TS. Lê Thị Hồng Ánh – Trưởng khoa Công nghiệp thực phẩm – ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho biết, thành phần chính của thạch cao thực chất là CaSO4, đá vôi CaCO3. Thạch cao phi chứa nhiều CaCO3 và tinh khiết, cũng chỉ được sử dụng trong một liều lượng nhỏ. Còn thạch cao xây dựng thì lại khác, hỗn tạp, là chất độn, chứa rất nhiều những kim loại khác như chì, sắt… Nếu đưa vào cơ thể thì hoàn toàn không tan, lâu dần sẽ tích tụ ở thành ruột, thận, gây sỏi thận, viêm tắc. Đồng thời còn có thể gây ngộ độc cấp thực phẩm, rối loạn.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cho biết, hiện chi cục đang tiến hành kiểm tra, lấy mẫu phụ gia của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đậu phụ để xét nghiệm, xác định chất phụ gia có trong sản phẩm.
Theo kinh nghiệm của bà Nguyễn Thị Lan thì, để mua được đúng loại đậu phụ không chứa thạch cao, người tiêu dùng nên chọn loại đậu phụ trắng (đậu phụ chưa chiên) để dễ phân biệt. Nếu chứa nhiều thạch cao, miếng đậu sẽ rất rắn, rất cứng. Ngay cả khi ngâm trong nước cũng không hề vỡ. Không có mùi thơm chua chua đặc trưng của đậu phụ. Còn không chứa thạch cao thì ngược lại, miếng đậu rất mềm, rất dễ vỡ, có màu trắng trong, mùi vị chua chua thơm thơm đặc trưng.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Sữa đậu nành… cũng có thạch cao
Đi cùng đậu phụ thạch cao là sữa đậu nành… thạch cao. Thậm chí còn là sữa đậu nành… hóa chất. Những loại sữa đậu nành không rõ nguồn gốc, xuất xứ, rẻ như cho này được bày bán tràn lan khắp các vỉa hè, đường phố TP.HCM.
Đến chợ Kim Biên, chợ hóa chất lớn nhất và duy nhất ở Sài Gòn, chỉ cần hỏi là có ngay loại chất bột màu trắng bên ngoài ghi là đậu nành, với giá từ 70-80 ngàn đồng/bịch/kg, hóa chất nước pha sẵn thì loại 5kg có giá 200 ngàn đồng. Đi cùng với đó là hương tạo mùi đậu nành, đường hóa học. Một người bán hàng không ngần ngại chỉ dẫn cách làm sữa đậu nành từ hóa chất mà không hề phải tốn đến một hạt đậu nành nào. “Đun sôi nước, bán nhiều thì đun nhiều nước, sau đó cho vào nước vài muỗng bột đậu nành hoặc nước đậu nành, khuấy đều. Cho vào thêm vài giọt tạo hương đậu nành, cùng với vài giọt đường hóa học. Đơn giản như thế là đã có loại sữa đậu nành thơm ngon”. Thường thì 1kg bột hóa chất này cho ra từ 200-250 ly sữa đậu nành, tùy loãng hay đặc, loại 5 ngàn đồng/ly bán tràn lan khắp vỉa hè.
BS. Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết, qua kiểm tra thì có tới 90% các loại sữa không nhãn mác, nhập nhằng nguồn gốc được bán ở vỉa hè chứa các loại vi khuẩn Ecoli, Coliform rất có hại cho đường tiêu hóa. Đặc biệt là đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ, gây tiêu chảy.
Theo BS. Ngọc Diệp, khi các loại sữa “hóa chất” này đi vào cơ thể thì cơ thể khó mà loại trừ được hết những chất độc hại, chúng sẽ bị tích tụ trong cơ thể, trong gan, thận. Dẫn đến ngộ độc cấp thực phẩm, hại gan, thận, rối loạn tiêu hóa mãn tính, gây hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn.
BS. Ngọc Diệp khuyến cáo rằng, người tiêu dùng, đặc biệt là các ông bố, bà mẹ, không nên sử dụng những loại sữa vỉa hè cho trẻ vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện hết, sẽ rất dễ bị bội nhiễm. Chỉ nên mua những loại sữa đậu nành có nguồn gốc xuất xứ, của các nhà sản xuất uy tín. Hoặc phụ huynh cũng có thể bỏ chút thời gian làm sữa đậu nành tại nhà, rất dễ dàng.
Y.Hoa
|
Bình luận (0)