Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bất an với hàng giả, hàng dỏm

Tạp Chí Giáo Dục

Lực lượng chức năng bắt quả tang, tịch thu tang vật một vụ san chiết bột ngọt trôi nổi của Trung Quốc thành bột ngọt có thương hiệu, đưa ra thị trường Việt Nam tiêu thụ
Nhiều vụ sản xuất hàng giả, nhái quy mô lớn, phương thức sản xuất tinh vi, y hệt hàng thật khiến người tiêu dùng (NTD), ngay cả tiểu thương bán hàng cũng “bó tay” không thể phát hiện để “né”. Đặc biệt, các sản phẩm phục vụ ngành giáo dục bị nhái, giả khiến học sinh phải trả giá.
Tràn lan hàng dỏm
Một mặt hàng đang bị làm giả tràn lan và rất tinh vi khiến doanh nghiệp “khóc”, NTD “ôm hận” là máy tính Casio. Đại diện Công ty Bitex – nhà phân phối độc quyền máy tính Casio tại Việt Nam, cho biết quản lý thị trường TP.HCM liên tục phát hiện các điểm kinh doanh máy tính Casio giả, tạm giữ hàng ngàn sản phẩm. Mỗi năm Công ty Bitex phối hợp lực lượng chức năng cả nước kiểm tra, phát hiện hàng trăm vụ kinh doanh máy tính giả, tiêu hủy rất nhiều, tuy nhiên trên thị trường vẫn còn rất nhiều máy tính Casio giả, kém chất lượng. “Hầu hết máy tính Casio giả đều có xuất xứ từ Trung Quốc, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ”, đại diện Công ty Bitex cho biết.  Cũng theo đại diện Bitex, gần đây, các điểm kinh doanh máy tính Casio giả có thêm “thủ thuật” mới để đối phó. Thông thường họ chỉ trưng bày 1-2 máy hoặc vỏ hộp, khi khách có nhu cầu mới giới thiệu đây là hàng xách tay, hàng chính hãng loại 2 để đánh lừa NTD.
Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, qua kiểm tra các đội vẫn liên tục phát hiện các vụ vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng nhái. Các mặt hàng vi phạm như giày dép, đồ chơi trẻ em, mũ bảo hiểm, nữ trang, dụng cụ học tập, đồ điện tử… Mới đây, Đội quản lý thị trường 12B – Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM phối hợp lực lượng chức năng phát hiện vụ vận chuyển trái phép lô hàng đồ chơi trẻ em Trung Quốc không hóa đơn chứng từ. Số lượng sản phẩm bị tạm giữ lên đến hàng chục ngàn. Điều đáng lo ngại, rất nhiều sản phẩm đồ chơi này học sinh dùng để hít gây nghiện, độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, trí não, có thể khiến lệch lạc trong hình thành nhân cách trẻ em. Một mặt hàng cũng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhái giả nhiều khiến nhà sản xuất đau đầu là hàng điện tử. Cụ thể, các sản phẩm loa, micro, đĩa CD nhãn hiệu Arirang bị làm nhái giả trắng trợn. Các loại túi xách, cặp học sinh cũng bị nhái, giả tràn lan. Hầu hết hàng dỏm này từ Trung Quốc tuồn vào thị trường Việt Nam.
Hàng giả, hậu quả thật
Theo ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP.HCM thì NTD chỉ là “người trần mắt thịt”, hàng giả lại rất tinh vi, ngay cả nhân viên công ty còn khó phân biệt thì NTD không phân biệt được. Câu hỏi NTD đặt ra, là cơ quan chức năng làm gì để bảo vệ quyền lợi của họ.
Theo một cán bộ cảnh sát kinh tế, rất khó để phân biệt bột ngọt thật – giả. Một điểm khác nhau nhỏ rất khó nhận ra, là miệng gói bột ngọt chính hãng đóng gói bằng máy tự động nên bằng phẳng, ngược lại miệng gói bột ngọt giả sẽ không bằng phẳng, không “láng mịn”.
Tại một hội chợ, nhân viên Công ty Arirang đặt hai sản phẩm thật – giả cạnh nhau và hướng dẫn cho khách nhận diện hàng thật – giả. Nhân viên này thừa nhận: “Nếu không có hàng thật đối chứng, đến người của công ty cũng rất khó phân biệt, khách càng khó phân biệt hàng thật, giả”. Tương tự, nhân viên nhà sản xuất túi xách, cặp học sinh M. cũng thừa nhận khi có hàng thật đối chiếu mới nhận biết được hàng giả. Nếu chỉ riêng hàng giả bán ở thị trường, nhân viên công ty cũng… “bó tay”! Tại gian hàng trưng bày hàng giả – hàng thật trong một hội chợ ở TP.HCM, nhiều NTD dù cầm trên tay gói bột ngọt, hộp phấn, chiếc cọ trang điểm, chiếc đĩa CD, chiếc micro, chiếc kính mát… toàn bộ hàng giả nhưng vẫn không biết có phải hàng giả hay không! “Hàng giả như vậy, giống hệt hàng thật làm sao phân biệt được”, một phụ nữ trung niên cầm hộp phấn giả cho biết.
Hậu quả nghiêm trọng hơn, theo đại diện Công ty Bitex, hàng giả khiến nhiều khách hàng “chết” và công ty cũng vạ lây. Ông Lý Thành Công, bộ phận bảo hành của Bitex cho biết gần đây Bitex đã tiếp nhận trường hợp khách đến bảo hành máy tính Casio nhưng phát hiện đều là hàng giả. Trong đó, phụ huynh em Nguyễn Bảo Khang (Trường THCS Phan Sào Nam, quận 3, TP.HCM) mang một chiếc máy tính Casio fx-570ES đến bảo hành, bị phát hiện hàng giả. Phụ huynh em Nguyễn Trang Thi (Trường THCS Bàn Cờ, TP.HCM) mua máy tính Casio, em Thi dùng được 1,5 tháng gặp sự cố, không khắc phục được, cũng là hàng giả. Cũng theo Công ty Bitex, đã từng bị phản ánh vì thí sinh mua máy tính Casio mới, khi vào phòng thi đại học máy trở chứng, không dùng được, ảnh hưởng đến kết quả thi. Tuy nhiên, qua kiểm tra phát hiện máy dỏm. Ông Công cho biết hàng giả rất tinh vi, có tem nhái giống hệt tem chống giả Casio. Tuy nhiên, bên trong máy bo mạch rất thô sơ.
Bài, ảnh: Vũ Việt Giang
Phát hiện 326 vụ buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả
Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, trong tháng 5-2014 đã kiểm tra chuyên đề thuốc lá, phát hiện 60 vụ vi phạm. Trong đó, 28 công ty, hộ kinh doanh đã kinh doanh thuốc lá nhập lậu; 9 vụ không có giấy phép bán lẻ thuốc lá; 6 vụ không treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; 7 vụ không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; 2 vụ bán thuốc lá do Việt Nam sản xuất không có chứng từ… Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, các đội quản lý thị trường TP.HCM lập biên bản 26 vụ buôn bán thực phẩm ngoại nhập lậu, tạm giữ các mặt hàng bia Heineken, nước tăng lực, chai rượu ngoại, sữa nước, bột ngọt Trung Quốc, đường cát Thái Lan, nấm đông cô Trung Quốc. Trong đó 5 cơ sở buôn bán chế biến thực phẩm không có chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, 4 cơ sở không công bố hợp quy, 4 vụ kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng, số vụ còn lại vi phạm không niêm yết giá, đăng ký kinh doanh, sử dụng giấy xác nhận đủ sức khỏe đã quá thời hạn… Kiểm tra việc kinh doanh mũ bảo hiểm, các đội đã phát hiện 4 vụ buôn bán gần 6.000 mũ, vỏ mũ bảo hiểm không có chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các đội đã đề xuất tiêu hủy số mũ, vỏ mũ trên. Tổng cộng trong tháng 5-2014, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM phát hiện 326 vụ buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả và vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại; đã xử phạt 257 vụ, thu hơn 8,6 tỷ đồng, hàng tịch thu chờ bán ước trị giá 33 tỷ đồng.
 

Bình luận (0)