Cầu Rạch Đĩa 1 dài hơn 100m, rộng 3m vừa bị sà lan tải trọng 500 tấn đâm gây ảnh hưởng nghiêm trọng (hình chụp ngày 6-7) |
Ngày 5-7, một sà lan chở cát tải trọng khoảng 500 tấn đâm thẳng vào cầu Rạch Đỉa 1 (đường Lê Văn Lương, nối quận 7 và huyện Nhà Bè). Không thiệt hại về người nhưng cú đâm làm cho ống nước chạy song song trên cầu bị vỡ, dầm cầu bị hư hỏng, nước chảy tràn vào lòng khiến sà lan bị chìm xuống sông. Sự cố đã làm người dân địa bàn lại tiếp tục lo lắng, bất an khi lưu thông qua những cây cầu sắt trên tuyến đường này.
Cầu Long Kiển dài 105m, rộng 3m là nơi thường xuyên xảy ra kẹt xe (hình chụp ngày 6-7) |
Ông Trịnh Văn Cấn, người dân khu vực cầu Rạch Đỉa 1 chia sẻ, cách đây hơn 1 năm, cũng trên tuyến đường này, tại cầu Rạch Dơi, một sà lan đã đâm gầm cầu làm kết cấu cầu bị ảnh hưởng. Ngay sau sự cố, cơ quan chức năng đã không cho xe có tải trọng 3 tấn lưu thông, thay vào đó chỉ còn xe 1 tấn được lưu thông. Tương tự, vào khoảng tháng 9-2015, tại cầu Long Kiểng, một sà lan tải trọng 360 tấn chở cát đâm vào gầm cầu cũng làm gầm cầu hư hỏng nặng. Gối cầu nhịp thông thuyền bị lệch, bộ giằng gió bị đứt, ảnh hưởng không nhỏ đến các phương tiện đang lưu thông.
Cầu Rạch Tôm dài 70m, rộng 3m đã xuống cấp (hình chụp ngày 6-7) |
Theo ông Cấn, hầu hết các cây cầu sắt trên đường Lê Văn Lương được xây dựng cách đây vài chục năm, bị xuống cấp trầm trọng, không còn phù hợp với tình hình giao thông hiện tại nhưng chưa được sửa chữa, xây mới. Tại mỗi đầu cầu đều có trạm canh gác nhằm đảm bảo sự an toàn, nhưng đối với những người dân khu vực, mỗi ngày đi qua luôn là một nỗi lo.
Cầu Rạch Dơi dài khoảng 100m: chỉ cần 1 xe gắn máy lưu thông là bề mặt cầu rung lắc mạnh khiến người điều khiển phương tiện bất an, đặc biệt vào mùa mưa, mặt cầu luôn trơn trượt (hình chụp ngày 6-7, trong hình công nhân đang hàn xì các thanh sắt bị hỏng) |
“Cầu yếu, bề ngang chỉ 3m, phương tiện lưu thông nhiều nên thường xuyên xảy ra ùn ứ vào giờ cao điểm. Chỉ cần 1 xe gắn máy lưu thông, toàn bộ mặt cầu rung lắc mạnh chứ chưa nói đến nhiều ba gác, taxi, xe buýt 12 chỗ lưu thông hàng ngày. Còn xét về độ cao giữa mặt nước sông với mặt cầu thì không đảm bảo để các thuyền, sà lan lưu thông qua gầm cầu. Đặc biệt vào mùa mưa, nước thường xuyên dâng cao, sự việc sà lan va chạm với cầu rất dễ xảy ra”, ông Cấn cho biết.
Lê Văn Lương là tuyến đường nối dài quận 7 về huyện Nhà Bè và huyện Cần Giuộc tỉnh Long An. Ngoài cầu Rạch Đỉa 1, dọc tuyến đường còn có các cầu Long Kiển, Rạch Tôm, Rạch Dơi. Cả 4 cây cầu là xây dựng từ trước năm 1975. Qua quan sát của chúng tôi, các cây cầu đều đã có dấu hiệu hư hỏng, nhiều bộ phận như ốc vít, thanh sắt bị hoen gỉ thậm chí bị mục. Ngoài phục vụ việc đi lại của người dân, các cây cầu này còn gánh cả hệ thống dây cáp viễn thông và đường ống nước sạch.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) nhận định, cả 4 cây cầu sắt trên đường Lê Văn Lương bị liệt vào cây cầu xuống cấp, yếu, mất an toàn, không đảm bảo cho xe cơ giới lưu thông. Để đảm bảo an toàn giao thông, Sở GTVT đã có phương án thi công đồng bộ cả 4 cây cầu. Cụ thể đã có 2/4 cầu xong phương án thiết kế, 2 cây còn lại tiếp tục nghiên cứu, sớm xin ý kiến của UBND TP.HCM.
Ngoài 4 cây cầu trên, hiện thành phố còn hơn 20 cầu yếu, trong đó một số cầu đang thi công sửa chữa, khoảng 10 cây cầu chưa có kế hoạch tu bổ và vẫn đang khai thác. Tại các cầu yếu chưa triển khai sửa chữa, Sở GTVT đang tăng cường giám sát. Cụ thể trang bị thêm cột chống va, phao neo, lực lượng tuần tra, trực gác 24/24 đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông đường bộ lẫn đường thủy.
Bài, ảnh: N.Trinh
Bình luận (0)