Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

“Bắt bệnh” đất trời ở sông Thu

Tạp Chí Giáo Dục

Chơi vơi và heo hút về phía thượng nguồn dòng sông Thu Bồn – con sông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn vắt ngang qua các bãi biền, làng mạc trước khi đổ ra biển Đông, ít ai nghĩ rằng Trạm thủy văn Hiệp Đức (thị trấn Tân An, Hiệp Đức, Quảng Nam) lại là nơi làm việc của những người phụ nữ chân yếu tay mềm. Gần 17 năm gắn với nơi này, chị Trịnh Thị Thu Hà (SN 1977) trạm trưởng vẫn lặng lẽ với công việc đo gió, đếm mưa…

Chị Hà đo nước bên dòng sông Thu

“Đạo sĩ bắt bệnh của trời đất”

 Tôi lặng lẽ theo chân chị ra mép sông. Sông Thu giữa đông, se sắt mưa bụi nhưng mực nước vẫn thất thường, khi vơi cạn, lúc chực dâng cao. Chị Hà bảo: “Mấy năm nay thời tiết thất thường lắm. Bão lũ ít, mừng mà lo. Lỡ mưa lũ bất ngờ không kịp trở tay”. Vừa nói, chị vừa cầm chắc cây thước chuyên dụng, lần từng bước chân ra dòng sông, đo đo đếm đếm rồi ghi tốc kí vào cuốn sổ tay. Chị cười: “Việc ni không nặng nhọc nhưng phải tỉ mẩn, chính xác và kịp thời. Suốt ngày mình và đồng nghiệp rất bận rộn, cứ lên xuống sông dò mực nước, làm báo cáo nhanh gửi về trung tâm, rồi lúc nghỉ tay thì lại nhìn trời mây, quan sát đổi thay của những cây cỏ xung quanh để dự đoán tình hình thời tiết”. Chị đưa tay chỉ lên từng khóm mây bay lơ lửng trên trời, bảo: “Kia là đám mây Cu Med, trời sắp có mưa”. “Nếu em nhìn thấy mây trắng có hình tròn tựa như chiếc nón gọi là mây Cu, thì đó là dấu hiệu tiết trời nắng đẹp. Mây màu trắng xóa, chân mây hơi đen, dạng hình vuông gọi là mây Cu Med thì trời nắng, có thể chuyển mưa. Đám mây màu trắng giống đầu tóc rối là mây Cu Para – trời nắng đẹp…”. Tôi ngước nhìn trời, theo hướng tay của chị, chỉ thấy những mảng mây bay lửng lơ. Có lẽ đó là điểm đặc biệt để người dân vùng núi Hiệp Đức này phong cho chị làm “đạo sĩ bắt bệnh của trời đất” chăng! Cơn mưa theo dự đoán của chị đến nhanh. Thoáng chốc, dòng nước sông Thu đục ngầu bắt đầu chuyển động với cường suất mạnh hơn cuốn theo lá cây khô xoáy vòng, trôi xuôi. Chị Hà bê vội cái thùng tôn cũ và cây thước. Chị bấm từng bước chân xuống các bậc thềm tam cấp đá đầy bùn trơn trượt. 150 bậc tam cấp mỗi lúc lại bị nước “nuốt” chìm đi vài bậc. Chị quyết định nhờ một người dân chèo thuyền ra giữa lòng sông để đo cường suất nước. “Đấy mới chỉ một trận mưa nhẹ thôi, mùa lũ lớn thì phải cắt lũ mà đi để có thông số chính xác, ngồi trên bờ không thể dự báo chính xác được. Tin cảnh báo lũ ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của hàng trăm ngàn bà con dọc theo dòng sông này về xuôi”, chị Hà nói, lật đật lên thuyền và không quên đưa tay cản bước chân khách, từ chối việc cùng chị ra sông để tránh nguy hiểm bất ngờ. “Ở đây heo hút, mưa lũ cực lắm. Có khi nửa đêm, chị em phải múc nước dội sạch bùn trên cột báo lũ mới đọc được số, làm báo cáo trong đèn dầu”. Còn nhớ những đận lũ 2006, 2009, 2011… nhiều lần đi đo nước, chị trượt chân ngã dúi dụi xuống sông. Cũng may gặp người dân kéo chị lên để tiếp tục công việc.

17 năm những nỗi niềm

Chị Trịnh Thị Thu Hà với công việc thường nhật

Sự hy sinh thầm lặng

Chiều ở thượng nguồn sông Thu xuống nhanh. Trạm thủy văn Hiệp Đức nằm cheo leo bên vách đồi, day ra sông Thu. Chị Hà vẫn tỉ mẩn với từng con số để truyền đi. Gần 17 năm qua, chị vẫn làm công việc ấy, lặng lẽ mà bền bỉ. Nhìn chị đứng giữa trời chiều nhìn nắng, ngắm mây, trông bụi tre… để giải đáp nỗi băn khoăn của bà con: “Cô Hà ơi năm ni có bão không cô? Lụt coi bộ có to không cô? Cỡ khi mô ra giống xuống đồng thì thuận?…” mới thấm thía hơn sự hy sinh của những người phụ nữ như chị nơi đầu nguồn con sông Thu bốn mùa cuồn cuộn nước này.

Xong việc đo lũ, theo chân chị Hà về trạm. Đập vào trước mắt chúng tôi, khung cảnh về cơ sở vật chất khá cũ càng nằm lọt thỏm giữa bốn bề cây cối, hoang vắng. Nhà trạm nhỏ tầm chưa tới 50m2. Phòng làm việc của chị và đồng nghiệp có treo một tấm bảng to, ghi những công việc cần làm, nhắc nhở và tác phong kỷ luật của cán bộ quan trắc. Bên dưới, là một máy đo mưa của Nhật, một điện thoại bàn, một máy tính để bàn đã cũ. Chị Hà nói, đó là những máy móc hiện đại nhất ở trạm. Những chiếc máy chỉ cần lấy nước nhỏ vào đó số liệu tự động cập nhật, rồi mình truyền đi. Theo quy trình thông thường, nếu thời tiết yên bình thì cứ 3 tiếng đồng hồ đo một lần. Mưa thì khoảng 2 tiếng. Còn ngày lũ lụt thì cứ 30 phút đo một lần. Không kể ngày đêm, cứ công việc thế mà làm thôi.

Chị là trạm trưởng, cùng một đồng nghiệp nữ sinh năm 1990 vừa được điều động công tác về sau khi chị Toàn – một nhân viên thủy văn ở đây nghỉ hưu từ năm 2011. Ngoài hai người phụ nữ với hai đứa trẻ con chị Hà, trạm chẳng còn ai. Có mặt ở trạm cách nay ngót nghét 17 năm, quãng thời gian ấy với chị là một câu chuyện dài. Dài hơn cả đời người. Quê ở tận Bình Lục (Hà Nam), học trung cấp khí tượng thủy văn Hà Nội, năm 1999 ra trường, chị vác ba lô vào Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ (đóng tại Đà Nẵng) xin việc. Chị được tuyển dụng và nhận công tác tại Trạm thủy văn Hiệp Đức. Nghề quan trắc thủy văn vốn phải dấn thân vào những chốn hoang vu, buồn tẻ. Nhiều người bỏ nghề. Ngày về nhận việc, chị Hà ở cùng một đồng nghiệp khác cũng là nữ – đó là chị Toàn. Hai người phụ nữ gắn với trạm trong thời gian dài cho tới năm 2011, chị Toàn nghỉ hưu. “Ở trạm buồn nhưng đã là công việc thì phải đam mê và gắn bó”. Nghiệp ấy vận vào thân khiến chị ở lại mãi cho tới bây giờ. Nhớ lại, chị kể, vào trạm một thời gian ngắn thì chị gặp và nên duyên với một kỹ sư xây dựng đang xây cầu Hiệp Đức nối đôi bờ sông Thu. Có với nhau hai mặt con. Ngày cây cầu hoàn thành, chị thành vọng phu ngóng người ra đi biền biệt. Chứng nhân vẫn hiện hữu nhưng chồng chị vẫn chưa trở lại. 

Bần thần một lát, chị Hà bảo: “Nghề nghiệp nó bắt mình gắn bó vậy thôi chứ ở đây buồn lắm. Buồn nhất là ngày mưa gió. Nhớ nhà, nhớ quê dữ lắm”. “Mười mấy năm ni vào nhận việc, rồi từ ngày đứa con đầu lòng cất tiếng khóc chào đời tới nay, bận con cái mình hiếm có dịp về thăm quê. Thi thoảng, ông bà ở quê nhớ con, lặn lội vào đây thăm con, trông cháu”.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên – Anh Vũ

 

Bình luận (0)