Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Bắt bệnh” dạy thêm, học thêm ở đâu?

Tạp Chí Giáo Dục

Đối với học sinh tiểu học, học sinh học 2 buổi/ngày thì không được dạy thêm. Quy định là thế nhưng các giáo viên vẫn tìm cách “lách”.
Phụ huynh – giáo viên “bắt tay”
Sau khi giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh lôi nhau lên kiện thì hiệu trưởng một trường THCS (quận Cầu Giầy, Hà Nội) mới ngã ngửa khi biết phụ huynh và giáo viên “bắt tay nhau” để tổ chức dạy thêm hè cho học sinh ở nhà. Đầu đuôi sự việc là vào hè, ban phụ huynh của lớp đứng lên tổ chức lớp dạy thêm cho cô giáo chủ nhiệm. Lớp được chia thành các nhóm có lực học tương đương. Sự việc diễn ra êm thấm cho đến khi giáo viên thay đổi lịch dạy khiến phụ huynh không kịp trở tay sắp lịch học cho con ở các môn học thêm khác. Thế là phải đưa nhau đến hiệu trưởng để phân giải. Chưa biết ai phải ai trái nhưng vị hiệu trưởng đã yêu cầu “hai bên” phải viết bản tường trình vì sao tổ chức dạy thêm. Ban đầu phụ huynh còn “cãi”: Em tưởng được tổ chức nhưng sau khi được hiệu trưởng đọc cho nghe thông tư 17 ban hành quy định dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT, cả giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh đều “im re”. Phân bua về vấn đề này, vị hiệu trưởng cho biết: May mà có thông tư này để xử lý chứ nếu không, không có cơ sở pháp lý, giáo viên kiện lại ngay. Thực tế cho thấy, rất nhiều giáo viên tổ chức dạy thêm ở nhà mà không xin phép hiệu trưởng (theo quy định). Bằng cách này hay cách khác, họ có rất nhiều “chiêu” để lách như tổ chức dạy thêm ở nhà hoặc thuê địa điểm. Trong bản kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT về đợt kiểm tra một số trường ở Hà Nội cũng cho thấy ở các trường được kiểm tra đều có hiện tượng này. Bằng hình thức phát phiếu cho học sinh, Thanh tra bộ đã “lần” được tên giáo viên tổ chức dạy thêm chứ không cần hỏi trường. Bình thường, nếu chỉ xuống trường nghe báo cáo, chắc chắn sẽ không có số liệu nào được ghi nhận. Nhưng khi hỏi học sinh mới “lòi” ra cô nào dạy thêm ở đâu, dạy ca mấy giờ. Ở Trường Tiểu học Láng Thượng (quận Đống Đa) là cô Lan, cô Hà, cô Hương dạy thêm ngoài nhà trường. Học sinh không bao giờ nói dối, chỉ sợ người lớn “bao che” cho nhau để không nói thật.
Tại Trường Tiểu học V.Đ (huyện Thanh Trì, Hà Nội), chúng tôi được phụ huynh phản ánh là nhà trường tổ chức dạy thêm ngày thứ bảy (có ăn bán trú) tại trường. Dù là tự nguyện nhưng gần như 100% học sinh đều tham gia. Khi chúng tôi hỏi cô Hiệu trưởng, cô nói trường tổ chức học các môn năng khiếu, thể dục. Tuy nhiên, khi hỏi học sinh, từ lớp 1 các em đều nói học tiếng Việt và toán. Bí thế, cô Hiệu trưởng biện minh do trường nghỉ mấy hôm nên tổ chức học bù!?
Ai kiểm tra chất lượng dạy thêm?
Không cần hỏi cũng biết, hầu như trường nào cũng có giáo viên tổ chức dạy thêm dù thông tư 17 của bộ quy định rất rõ trường tiểu học, trường học 2 buổi/ngày đều không được tổ chức dạy thêm. Dạy thêm trở thành “nồi cơm” của các giáo viên. Cấm chỗ này thì phình chỗ khác. Không thể triệt tiêu dạy thêm, bởi ngay trong thông tư 17 của bộ cũng cho phép một số hình thức học thêm, dạy thêm được tồn tại. Nhưng vấn đề ở chỗ, quản lý chất lượng dạy thêm như thế nào? Đối với các trung tâm, bộ chỉ quy định trách nhiệm, điều kiện của người đứng ra thành lập nhưng còn chất lượng, ai kiểm tra?
Cô M.L, Hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội đưa ra ví dụ: Nếu tôi nghỉ hưu, tôi có đầy đủ điều kiện để mở trung tâm dạy thêm, học thêm. Nhưng chuyên môn của tôi là môn toán, tôi có thể kiểm tra được giáo viên dạy môn này. Thế còn những môn khác, làm sao tôi có đủ năng lực để đánh giá giáo viên của mình? Đó là chưa kể đến học phí. Bà Nguyễn Thị Hường, Chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Từ Liêm, Hà Nội cho rằng thu nhập từ dạy thêm của các giáo sư, tiến sĩ cũng bị khống chế bởi các quy định, trong khi các giáo viên tiểu học thu tiền dạy thêm thì không ai quy định. Thực tế, có giáo viên tiểu học dạy thêm trong dịp hè thu cả trăm triệu đồng. Thu mỗi học sinh 100.000 đồng, mỗi lớp chỉ cần 30 học sinh là cô đã có 3 triệu đồng/ buổi học.
Trong thông tư 17, Bộ GD-ĐT chỉ quy định các trường hợp được dạy thêm, học thêm hoặc cấm, bộ không nói đến vấn đề chất lượng. Vậy cuối cùng, sản phẩm của dạy thêm, học thêm là chất lượng giáo dục sẽ được đánh giá như thế nào? Chế tài nào để xử lý nếu giáo viên tìm mọi cách “ép” học sinh học thêm hoặc để bảo vệ học sinh, phụ huynh “quay lưng lại với học thêm, dạy thêm”?
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)