Sáng 13-12, Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM và Tổ chức UNICEP đã công bố kết quả Báo cáo phân tích tình hình trẻ em tại TP.HCM. Tại đây, bà Yoshimi Nishino, Trưởng Chương trình chính sách xã hội và quản trị (UNICEP) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến môi trường sống không an toàn cho trẻ. Đáng ngại nhất là những nguyên nhân hạn chế về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang là yếu tố tạo nên sự bất bình đẳng về quyền sống còn của trẻ em TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh đang phát biểu |
Trẻ nhập cư chịu nhiều thiệt thòi
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, số trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/ AIDS tăng theo từng năm, cụ thể năm 2013: 3.341 trẻ; 2014: 3.388 trẻ; năm 2015: 3.417. Trong số các quận thuộc khu vực nội thành hiện hữu, Q.8 có số trẻ em nhiễm HIV cao nhất. Tương tự, Q.Thủ Đức có số trẻ em nhiễm HIV cao hơn các quận nội thành mới hình thành, còn huyện Củ Chi lại chiếm vị trí số một ở các huyện ngoại thành.
Số trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS chủ yếu sống với cha mẹ, thành viên trong gia đình hoặc người giám hộ có HIV, trẻ mồ côi. Đây là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần được quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ, không chỉ về y tế mà còn các vấn đề xã hội.
Trẻ em bị nhiễm HIV là nhóm trẻ dễ bị tổn thương vẫn bị cộng đồng kỳ thị. Vì vậy, không chỉ cần chăm sóc sức khỏe mà còn chăm sóc về tinh thần, trang bị kiến thức về kỹ năng sống, cũng như sự tự tin trong cuộc sống. Trong số đó, nhiều trẻ em chưa được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, đặc biệt là các em thuộc hộ gia đình nhập cư. Một mặt do không có hộ khẩu, nhiều em không được rà soát và khám bệnh thường xuyên.
Báo cáo phân tích tình hình trẻ em TP.HCM cho thấy, tất cả trẻ em tham gia chương trình nghiên cứu đều cảm thấy không an toàn khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Các em cho rằng, đi xe buýt gặp phiền toái như tình trạng ăn cắp, móc túi. Trong số 45 trẻ thuộc các quận Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Nhà Bè, hầu hết nêu lên mối lo vì bị xâm hại, kể cả nam sinh cũng đã bị sờ mông; Nguy cơ lạm dụng có thể xảy ra trên xe buýt; Ra nơi công cộng có thể khiến mình tham gia vào các cuộc gây gổ, đánh nhau vì bị người khác kích động hoặc chính mình bị bạo hành; Lo ngại dù đi bộ, xe đạp hay xe máy cũng có thể bị tai nạn.
Việc có thể xâm hại về thể chất, bị bắt nạt, bị chọc ghẹo cũng được trẻ đưa ra trong thảo luận, nhất là các em ở ngoại thành. Các em (huyện Nhà Bè) tham gia nhóm nghiên cứu chia sẻ rằng, chính mình cũng từng rơi vào hoàn cảnh bị bắt nạt và chọc ghẹo, thậm chí là bị quấy rối tình dục ở bất cứ thời gian nào trong ngày. Một nạn nhân của bắt cóc còn cảm giác sợ hãi mỗi khi ra đường. Các đại biểu cho rằng, sự bất an này làm cản trở sự phát triển của trẻ em về mọi mặt.
Theo kết quả phân tích, dù thảo luận về việc di chuyển hay tham gia vào các hoạt động công cộng, trẻ em đều thể hiện sự lo lắng, bất an. Điều này không những ảnh hưởng tới hoạt động học tập, vui chơi, phát triển trí lực, trí tuệ mà còn ảnh hưởng đến tâm lý. Quyền được sống trong môi trường an toàn của các em vô hình trung đã bị giới hạn.
Tăng đầu tư để giảm bất bình đẳng
Các đại biểu cũng bức xúc về tình hình giao thông hỗn loạn tại các giao lộ, nơi có trường học; Nhà vệ sinh cho trẻ chưa đạt chất lượng; HS nghiên cứu khoa học chưa được đầu tư để phát huy tài năng; Nhóm trẻ gia đình phát triển ngày một nhiều nhưng chất lượng chăm sóc, giữ trẻ có vấn đề; Môi trường sống thiếu lành mạnh…
Từ thực tế của nghiên cứu, báo cáo có đề xuất lắp đặt và duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng, mở rộng phạm vi chiếu sáng tới tất cả các đường phố, ngõ ngách, công viên, khu dân cư, trạm chờ các phương tiện giao thông công cộng cũng như trường học và bệnh viện. TP.HCM cần tăng cường và cải thiện chất lượng hệ thống phương tiện giao thông công cộng, ưu tiên những tuyến đường tới vùng ngoại ô và các khu dân cư nghèo. Thiết lập ngay các đường dây nóng để trẻ em có thể khai báo về hành vi bạo lực và yêu cầu cơ quan chức năng có hành động can thiệp.
Cũng theo báo cáo này, TP.HCM có đến 10.000 trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ, cần được bảo vệ đặc biệt. Ngoài ra có 2 triệu người nhập cư, con em của họ không được bảo vệ, nuôi dưỡng và chăm sóc… Phụ nữ và trẻ em gái nghèo còn phải đối diện với nhiều rủi ro hơn. Việc thiếu hoặc không đảm bảo các dịch vụ công cơ bản như giáo dục, an ninh, giao thông, hệ thống chiếu sáng nhà vệ sinh công cộng làm tăng thêm sự yếu thế của họ.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh (Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ điện Ree) cho rằng, để trẻ có đầy đủ sức khỏe, TP.HCM cần quan tâm hơn nữa đến việc sản xuất thực phẩm phải có sử dụng muối i-ốt với một thành phần nhất định. Bên cạnh đó cần có giải pháp chống suy dinh dưỡng, thiếu ăn, đảm bảo nước sạch. Chăm lo người nhập cư, đặc biệt là con cái của họ phải được tiếp cận dịch vụ cơ bản như bao đứa trẻ khác.
Bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em thành phố quan tâm đến nhiều vấn đề, trong đó bà đề nghị TP.HCM tăng cường giáo dục kỹ năng sống, ngăn chặn bạo hành trẻ em và giám sát bữa ăn trường học bán trú giảm nguy cơ ung thư về sau.
Riêng giấy tờ tùy thân cho trẻ, bà Thuận đề xuất thành phố cần nghiên cứu một loại giấy chứng nhận thay thế giấy tùy thân cho những nhóm người kém may mắn.
Đại diện Tổ chức UNICEP cho rằng, những phát hiện từ nghiên cứu cho thấy TP.HCM cần đầu tư hơn nữa các loại nguồn lực khác nhau, đặc biệt giảm thiểu sự bất bình đẳng về cơ hội sống còn và môi trường sống an toàn cho trẻ em giữa các khu vực khác nhau và tầng lớp khác nhau cũng như tạo cơ hội cho trẻ em nhập cư được bình đẳng về quyền lợi về quyền trẻ em. Có như vậy, TP.HCM mới là thành phố sống tốt, một thành phố văn minh, hiện đại và nghĩa tình, một thành phố thân thiện với trẻ em.
T.Anh
Bình luận (0)