Phụ huynh không nên cho trẻ mang đồ vật có giá trị lớn đến trường (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: N.Quế |
Một học sinh (HS) lớp 2 đi học mang theo iPad (giá trị hơn 20 triệu đồng), vào tiết học cuối của ngày, em phát hiện mình bị mất iPad nên báo cho giáo viên chủ nhiệm.
Ngay sau đó, thầy chủ nhiệm lập tức kiểm tra toàn bộ cặp sách của HS trong lớp nhưng không thấy. Sau khi HS ra về, thầy lên báo hiệu trưởng. Do thầy báo trễ nên bộ phận bảo vệ không kịp kiểm tra cặp sách của tất cả HS trước khi ra về.
Gần 5 giờ chiều, phụ huynh đó đến trường làm lớn chuyện, gặp thầy hiệu trưởng yêu cầu nhà trường phải giúp tìm ra chiếc iPad và họ cho rằng an ninh trong trường không tốt, không đảm bảo việc quản lý tài sản cho HS. Trước tình thế đó, vì để chứng minh sự tin cậy đối với giáo viên và nhân viên toàn trường, trước mặt phụ huynh đó và một số phụ huynh khác đến đón con trễ cùng chứng kiến, hiệu trưởng đã yêu cầu bảo vệ kiểm tra túi xách của từng giáo viên, nhân viên ngay tại cổng trường. Không tìm thấy iPad, đổi lại hiệu trưởng bị sự chỉ trích gay gắt từ phía giáo viên và nhân viên toàn trường. Hôm sau, toàn bộ giáo viên đã bày tỏ sự bất bình về sự việc trên trong cuộc họp. Như vậy, với cách xử lý tình huống như trên, người hiệu trưởng không những không tìm thấy món đồ bị mất mà còn đánh mất đi sự tôn trọng và tình cảm của giáo viên, gây nên sự khó chịu và bực tức cho toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên trong trường.
Phân tích
Trong tình huống trên, cách xử lý của hiệu trưởng cũng có mặt ưu và hạn chế.
Ưu điểm: Hiệu trưởng yêu cầu kiểm tra túi xách giáo viên và nhân viên trước sự chứng kiến của phụ huynh đã chứng minh được sự trong sạch cho đội ngũ này, rằng phụ huynh có thể đặt niềm tin tuyệt đối vào giáo viên và nhân viên nhà trường trong việc đảm bảo an toàn, an ninh về tài sản cho HS. Qua đó phần nào xoa dịu được sự tức giận của phụ huynh ngay tại thời điểm đó.
Hạn chế: Người hiệu trưởng chưa nắm vững các nguyên tắc quản lý trong trường học. Thứ nhất: Chưa vận dụng tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Vì không phải mọi quyết định của hiệu trưởng đều đúng. Trong quản lý đòi hỏi năng lực và bản lĩnh rất cao, nhất là đối với những tình huống phát sinh bất ngờ. Tình huống trên, hiệu trưởng đã nhanh chóng đưa ra phương án giải quyết và yêu cầu mọi người thực hiện mà chưa tham mưu ý kiến của phó hiệu trưởng hoặc các giáo viên khác để có sự đóng góp ý kiến, cân nhắc, lựa chọn cách thức xử lý hiệu quả. Bên cạnh đó, hiệu trưởng cũng chưa khéo léo trong việc giải thích cách làm của mình, dẫn đến sự bức xúc trong giáo viên và nhân viên vì họ không hiểu tại sao HS bị mất iPad mà mình lại bị kiểm tra túi xách. Thứ hai, chưa đảm bảo tính khoa học: Hiệu trưởng chưa phân tích rõ bản chất vấn đề, nóng vội trong cách giải quyết, chưa xác định được mục tiêu cụ thể cần phải giải quyết dẫn đến việc lựa chọn phương pháp và hình thức giải quyết chưa phù hợp. Thiếu tính hợp lý, tính hệ thống trong giải quyết vấn đề dẫn đến kết quả đem lại thiếu chính xác và hiệu quả. Theo đó, hiệu trưởng cần phải nhận thức, phân tích một cách rõ ràng và cụ thể bản chất của tình huống để đề ra các mục tiêu, biện pháp và hình thức giải quyết thích hợp, cụ thể như sau: Xoa dịu sự tức giận của phụ huynh (giúp phụ huynh hiểu sự việc xảy ra có một phần lỗi từ phía phụ huynh và HS là: Vi phạm nội quy nhà trường là đem tài sản có giá trị đến trường). Tìm lại chiếc iPad bị mất (nếu có thể) bằng cách huy động sự giúp đỡ từ phía HS và giáo viên… Thứ ba, việc em đó mang tài sản có giá trị đến lớp thì chỉ có HS và giáo viên lớp đó biết. Nên việc các giáo viên lớp khác biết em đó mang theo đồ vật có giá trị đến lớp trong ngày hôm đó là không có cơ sở khoa học (vì mỗi giáo viên dạy một lớp). Vì vậy, hiệu trưởng xét túi xách của giáo viên và nhân viên toàn trường trước giờ về là không có cơ sở, dẫn đến sự phẫn nộ, bức xúc từ đội ngũ này là không thể tránh khỏi. Thứ tư, chưa chú trọng đến yếu tố con người: Hiệu trưởng chưa chú ý đến tâm lý của nhân viên. Khi bị bộ phận bảo vệ kiểm tra túi xách trước mặt nhiều phụ huynh sẽ khiến giáo viên có cảm giác bị tổn thương danh dự, bị xúc phạm nhân phẩm, tư cách giáo viên. Phần lớn đều tỏ thái độ khó chịu, bất bình. Do đó, để xoa dịu sự tức giận của phụ huynh thay cho cách xử lý trên, người hiệu trưởng có thể sử dụng khả năng thuyết phục, phân tích, giải thích vấn đề của mình để giúp phụ huynh hiểu trong sự việc có phần lỗi của phụ huynh và sự việc xảy ra là sự cố đáng tiếc nhà trường không mong muốn, nhà trường sẽ cố gắng giúp phụ huynh tìm lại đồ vật bị mất…
Tóm lại: Trong việc quản lý trường tiểu học, đòi hỏi bản lĩnh và tài năng của người hiệu trưởng nhất là đối với những tình huống phát sinh bất ngờ. Người hiệu trưởng cần biết vận dụng một cách thích hợp các nguyên tắc vào những tình huống và đối tượng cụ thể, nắm vững các nguyên tắc quản lý, am hiểu sâu sắc đối tượng quản lý; chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng các nguyên tắc quản lý cũng như sử dụng các hình thức, biện pháp quản lý thích hợp nhằm đạt được mục tiêu và các kế hoạch đã đề ra một cách toàn diện, có hiệu quả.
Vũ Thị Thanh Lan (Học viên Khoa QLGD, ĐH Sài Gòn)
Bình luận (0)