Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bất cập 3 trong 1 tại các tập đoàn kinh tế nhà nước

Tạp Chí Giáo Dục

Tại Hội thảo khoa học Đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trương định hướng XHCN ở Việt Nam, tổ chức ngày 22-6 tại Hà Nội, thêm một lần nữa yếu kém, mặt trái của mô hình tập đoàn được mổ xẻ.
Theo các chuyên gia, việc quản lý kiểu 3 trong 1 hiện nay của ngành điện dẫn đến những xung đột về lợi ích nhóm.
 Như trong câu chuyện giá điện, Bộ Công Thương là chủ sở hữu EVN đồng thời là người ban hành chính sách, là người kiểm soát thị trường. Hoạt động 3 trong 1 như vậy rõ ràng dẫn tới việc xung đột lợi ích nhóm khá rõ”.  
GS Chu Văn Cấp nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh

GS Chu Văn Cấp, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, hiện văn bản của nhà nước về quản lý giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có hàng trăm văn bản khác nhau nhưng việc quản lý hoạt động lại không hiệu quả.

Bản thân DNNN không minh bạch về thông tin, không minh bạch về vấn đề pháp luật cũng như chế độ báo cáo công khai không tốt… Điều này dẫn đến việc bưng bít thông tin nên khi có sự việc xảy ra thì thông tin tiêu cực ào ạt xuất hiện.
Ngoài ra, việc giám sát nội bộ của các tập đoàn, tổng công ty có vấn đề, từ giám sát đầu tư cho đến phân tích mục tiêu: Chỉ tập trung vào hoạt động giám sát về tài chính, mà giám sát này ở các tập đoàn, tổng công ty chỉ mang tính chất hành chính.
Nghĩa là chỉ giám sát cái ngọn còn gốc thì bỏ qua. Thực tiễn của những trường hợp như vụ Vinashin, Vinalines cũng cho thấy vai trò của ban kiểm soát ở các tập đoàn, tổng công ty lớn làm không hiệu quả, không thực chất, nặng tính hình thức.
“Khi thành lập ban kiểm soát, có những vị là lãnh đạo tổng công ty, lãnh đạo tập đoàn kiêm chức thành viên, phó ban kiểm soát. Ban kiểm soát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải là các thực thể độc lập, có quyền lực nhất định để cân bằng với quyền lực của HĐQT”- Ông nói.
Cũng theo GS Cấp, muốn đổi mới và phát triển vai trò của các DNNN thì phải xem xét việc không nên đặt mục tiêu thành lập các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Từ trước đến nay, quan điểm của chúng ta là chạy theo số lượng mà không chú ý chất lượng. Hiện chúng ta có 13 tập đoàn kinh tế và các tập đoàn này được thành lập theo quyết định hành chính và được giao nhiều đặc quyền.
Vì vậy mới có chuyện Thứ trưởng một bộ đến làm việc tại một tập đoàn nhưng không được tiếp. Tình trạng 3 trong một vẫn còn. Cần giảm số lượng các tập đoàn kinh tế nhà nước xuống.
“Như trong câu chuyện giá điện, Bộ Công Thương là chủ sở hữu EVN đồng thời là người ban hành chính sách, là người kiểm soát thị trường. Hoạt động 3 trong 1 như vậy rõ ràng dẫn tới việc xung đột lợi ích nhóm khá rõ”- ông nói.
GS Đỗ Thế Tùng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc đặt nhiệm vụ các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải nắm những lĩnh vực sản xuất then chốt, phải đi đầu trong nghiên cứu khoa học như hiện nay dẫn đến tình trạng bao cấp tràn lan. Ở các nước thời kỳ đầu nào cũng có các DNNN. Như ở Mỹ cũng có nhiều DNNN nhưng sau đó họ tự loại bớt đi.
“Với mục tiêu kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, theo tôi, không nhất thiết là phải có nhiều DNNN” – Ông nói.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an cho rằng, có nghịch lý trong hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay là chúng ta đang áp dụng cơ chế bao cấp cho một số ngành nhưng lại bắt họ thực hiện hoạt động theo cơ chế thị trường. Như vậy không khác gì bắt một cầu thủ dự bị ngồi trên sân nhưng phải ghi bàn.
“Có một số tập đoàn kinh tế nhà nước thời gian qua thua lỗ nhiều dù có nhiều cơ quan chủ quản nhưng rốt cuộc khi xảy ra thua lỗ lại không có ai chịu trách nhiệm. Ngay như Tổng Cty kinh doanh vốn nhà nước mang vốn nhà nước đi kinh doanh nhưng cũng bị lỗ nên xác định vai trò chủ sở hữu và kinh doanh vốn phải rõ”- Phó GS Nguyễn Cúc, nguyên Giám đốc Học viện khu vực I, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh nói.

Phạm Tuyên  (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)