Những hoạt động ngoại khóa như thế này giúp cho học sinh hiểu biết thêm về cuộc sống xung quanh. Ảnh: N.Trinh
|
Hiện nay, lật bất cứ trang báo nào cũng đầy cảnh “đen tối” khiến những người lương thiện luôn cảm thấy nơm nớp lo sợ cho sự an toàn của mình; và những người có lương tri luôn phải đặt câu hỏi: Vì sao như vậy?
Đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa, mức độ ngày càng hung hãn, tính chất phạm tội ngày càng nghiêm trọng. Vì sao trong khi điều kiện kinh tế đã khá hơn xưa thì đạo đức lại suy đồi hơn?
Theo tôi, nguyên nhân phần lớn là do giáo dục. Với nền giáo dục hiện nay chưa cho ra đời những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của đất nước và của thời đại. Vai trò của giáo dục là dạy cho con người biết “sống như một con người”, biết sống cho mình và cho cộng đồng, rèn luyện tính xã hội (tính người) để loại bỏ tính thú (tính con). Từ lâu cha ông ta đã nêu lên nhiệm vụ hàng đầu cho mỗi con người: “Tiên học lễ, hậu học văn” và giờ đây chúng ta muốn giáo dục phải “dạy làm người trước khi dạy chữ”.
Giáo dục ở đây bao gồm cả giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội. Về phần gia đình, thực ra ai cũng mong muốn con em mình thành đạt trong tương lai. Nhưng quan niệm việc thành đạt đó ở mỗi người một khác. Một số am hiểu rằng sự thành đạt trước hết là nhân cách, có ý thức sống và biết sống, từ đó kiến thức sẽ giúp cho sự thành đạt cao hơn, vững chắc hơn cho mình và cho cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, có thể nói những người hiểu biết rõ điều đó chưa phải là số đông! Mà rất tiếc, không ít bậc cha mẹ hoặc là không ý thức đầy đủ hoặc là không có điều kiện. Quan niệm của những người ấy, việc học chỉ là học kiến thức, học để có điểm cao, đậu vào trường điểm, thi vào các ngành “hot”, học để kiếm được nhiều tiền cho bản thân; thậm chí nhiều bậc cha mẹ chỉ mong muốn con mình có một địa vị xã hội dầu bằng bất cứ giá nào. Vì thế, họ cần tìm một mảnh bằng, dầu chỉ là một mảnh giấy không thực chất để tiến thân. Cho nên, họ không quan tâm đến việc học lễ, học làm người, rèn luyện nhân cách cho con em mình. Và họ cũng chẳng cần nghĩ đến con em mình sẽ hòa nhập và thế giới phát triển nay như thế nào nữa! Thực tế, những mong muốn sai lệch đó đã ảnh hưởng rất lớn đến hướng đi đến mục tiêu của giáo dục.
Để có thể thực hiện được hoàn hảo trách nhiệm làm thầy thì một điều kiện cần không thể thiếu được, đó là đảm bảo một đời sống tối thiểu để người thầy có thể yên tâm mà tập trung vào nghiệp làm thầy. Hãy thử nhìn xem, có ông thầy nào tận tâm với nghiệp chỉ sống bằng đồng lương mà cả đời có thể có một “túp lều” chui ra vào? Và hơn nữa, trong xã hội vị trí người thầy được đặt ở chỗ nào, đã đúng với mong muốn của dân tộc ta về tầm vóc của giáo dục chưa?
Ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, khối lượng kiến thức nhân loại thật mênh mông, không một ai trên trái đất này có thể nắm vững hết được khối lượng tri thức đó, ngay cả chỉ một chuyên ngành. Vì vậy, mục đích dạy học hiện nay là hướng dẫn cho người học cách tự học, tự suy nghĩ, tự nghiên cứu, biết tư duy và phản biện để tìm và chọn lọc được những kiến thức nào cần cho công việc của mình. Trách nhiệm của nhà trường là giáo dục cho người học thành người chủ có thể chủ động trong việc tự giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra. Điều đó có nghĩa là trường học phải trang bị cho người học “chiếc la bàn” để có thể định hướng đi trong “rừng tri thức”. Điều đó cũng có nghĩa là việc tổ chức giảng dạy và học tập của nhà trường phải thay đổi theo định hướng: “Người thầy giáo tồi là người chỉ biết đem kiến thức đến cho học sinh. Người thầy giáo giỏi là người hướng dẫn học sinh đi tìm kiến thức”. Tuy nhiên, như mọi người đều thấy, hầu hết trường học hiện nay đang thực hiện phương pháp dạy và học thế nào, nếu không nói là quá ư “truyền thống” nhồi nhét (nói cho cùng cũng vì thi cử cần thuộc lòng giáo trình hơn là cần mở rộng tư duy xã hội). Do đó, thay đổi phương pháp là yêu cầu cấp bách! Đó chính là việc xây dựng một đội ngũ thầy cô giáo vừa có khả năng hiện đại hóa giáo dục vừa có tâm huyết với nghề, những thầy cô giáo “vừa có tâm vừa có tầm”.
Hệ thống giáo dục chưa hoàn chỉnh, có quá nhiều trường nhưng thiếu kỷ cương. Giáo trình và phương pháp dạy-học bất cập, không giống ai vì nó quá lạc hậu, thì làm sao giúp cho người học biết cách tự học, tự nghiên cứu và học suốt đời?… Chương trình giảng dạy hiện nay nặng tính hàn lâm, khối lượng không phù hợp cho nhiều đối tượng học sinh ở các vùng miền khác nhau trên đất nước. Đặc biệt, việc thi cử, giảng dạy và học tập không coi trọng việc phát triển tính nhân văn cho học sinh, không chú tâm vào việc bồi dưỡng tâm hồn, theo đuổi đam mê, trau dồi những kỹ năng sống thiết thực…
PGS.TS Đoàn Văn Điện
(nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM)
Trách nhiệm của nhà trường là giáo dục cho người học thành người chủ có thể chủ động trong việc tự giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra. |
Bình luận (0)