Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bất cập ở các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập – Bài 1: “Ốc mượn hồn”

Tạp Chí Giáo Dục

“Trường xấu quá, thua trường của em ở dưới quê!”. Nhiều học sinh (HS) ngỡ ngàng khi lỡ đăng ký vào trường học, bởi hầu hết các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập (TCCN NCL) đều cải tạo từ nhà ở, chật hẹp, không có sân chơi. Qua phút ban đầu thất vọng đó, các em còn tiếp tục “sốc” ở “hiệp hai”, trường không có phòng thực hành nên phải qua trường khác… thực tập.

Lối vào trường trung cấp Kinh tế -công nghệ Gia Định
  • “Kiếp tầm gửi”
Trưa mùa hạ, một nhóm HS của Trường Trung cấp Kinh tế – Công nghệ Gia Định trốn cái nắng chói chang nên chưa muốn về nhà. Bộ đồng phục màu xanh các HS mặc nổi bật trên nền gạch xám xịt của khu nhà được trưng dụng thành trường học. Chúng tôi hỏi: “Các bạn có hài lòng về chất lượng đào tạo của trường không?”. T., HS ngành kế toán nhập học năm 2008 nói: “Có giáo viên (GV) dạy dễ hiểu, nhưng cũng có người dạy không hiểu gì hết. GV đến từ nhiều trường lắm nên em cũng không biết rõ thầy cô”.
Phòng dơ, hành lang bẩn, “chắc cả tuần mới dọn”, nhóm HS cùng đưa nhận xét. Quả thật, lên lầu 2 của trường là một đống vỏ chai nước ngọt còn để bừa trên ghế. Sự bừa bộn, mất vệ sinh này có nguyên do đây là cơ sở của trường thuê, nhưng bị tận dụng “4 trong 1”, khi có 4 đơn vị cùng hoạt động trong căn nhà phố cũ kỹ, chật hẹp.
 “Chúng tôi có đi kiểm tra phòng học của các trường TCCN NCL, phần lớn các phòng học đều không đạt yêu cầu độ sáng, các trường chỉ có 150-220 lux, trong khi đó quy định phải đạt 300 lux. Trong các đợt thanh tra trường TCCN, đi đến đâu là chúng tôi thấy sai phạm đến đó, học ghép lớp tại hội trường với số lượng hàng trăm học sinh, dạy không đúng theo chương trình, kế hoạch đưa ra. Đặc biệt, nhiều trường thiếu giáo viên cơ hữu nên thời khóa biểu không ổn định. GV không chỉ dạy không đủ số tiết mà nội dung không đúng theo chương trình. Nhiều GV chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kể cả GV có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, một số GV không có hợp đồng lao động.” (Thanh tra Sở GD-ĐT TPHCM)
Thuê mướn nhà phố làm trường học, thậm chí chịu cảnh “sống chung” với nơi ký hợp đồng hoặc tận dụng để cho… thuê lại chính là nét tương đồng và đặc thù của hầu hết trường TCCN NCL. Ở Trường Trung cấp tư thục (TCTT) Kinh tế Kỹ thuật Tân Việt, mặt tiền của trường chia đôi với một nửa là cửa hàng bán đồng hồ. Một chiếc xe tải nhỏ chễm chệ đậu trong sân, nên nhìn vào, rất khó nhận biết đây là trường học. Tại cơ sở 1 của Trường TCTT Tin học – Kinh tế Sài Gòn ở đường Nguyễn An Ninh, quận Bình Thạnh, các phòng rộng nhất của ngôi nhà được ưu tiên làm phòng làm việc của ban giám hiệu và GV.
Vài phòng còn lại tận dụng làm phòng học nhưng rất chật chội. Phòng máy của trường có diện tích khoảng 40m2, song kê đến 3 dãy với hơn 40 máy vi tính xếp san sát nhau. HS ngồi thực tập trong cảnh chen chúc, tay HS này kế tay HS khác, chỉ cần sơ suất là đụng cả vào nhau. Dù được các quạt trần, quạt treo tường hoạt động hết công suất nhưng mồ hôi vẫn đổ ròng ròng trên trán các em. “Mỗi lần vào “lò bát quái” này là phải chịu cực hình thôi”, HS của trường cho biết. Tính cả cơ sở thuê của Trường TCTT Tin học – Kinh tế Sài Gòn ở đường Nguyễn Huy Lượng, quận Bình Thạnh cũng chỉ có thêm khoảng 7 phòng học và thực hành. Nơi đây, chỗ để xe cho HS cũng không có, các em phải gởi xe ở ngoài và bị “chém” đến 3.000 đồng/xe.
Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Âu Việt hoạt động đã 3 năm nay, với hơn 4.000 HS, 6 ngành đào tạo đặt tại 3 cơ sở nhưng tất cả đều là thuê mướn. Cơ sở 1 của trường tại địa chỉ 50E-50D Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh chật hẹp, cũ kỹ. Nhà xe ở ngay dưới cầu thang lên xuống, vừa chật chội, vừa tăng nguy cơ cháy nổ, khiến không ít lần phòng cháy chữa cháy của quận nhắc nhở về nguy cơ hỏa hoạn rình rập.
Cơ sở 2 mướn tại số 372 Nguyễn Kiệm phường 3 quận Gò Vấp học chung với Trường Trung học Biên Phòng. Một HS ngành kế toán của trường than thở: “Lúc đăng ký xét tuyển vào học, trường có nói các phòng thực tập máy vi tính, phòng thí nghiệm đều có máy lạnh nhưng hệ thống máy lạnh của trường không bao giờ… hoạt động”.
  • Giáo viên cơ hữu: Bỗng dưng “biến mất”
T., ngành kế toán, Trung cấp Kinh tế – Công nghệ Gia Định than: Nỗi ám ảnh lớn nhất của HS chính là thời khóa biểu. Các tiết học thay đổi xoành xoạch, mỗi tuần thay một lần, nếu lịch học giữ đến tuần thứ 2 là đạt… kỷ lục. Đưa tay chỉ một nhóm HS đang chen chúc trước bảng thông báo của trường, T. nói: “Cuối tuần là tụi em phải đến đây coi thời khóa biểu thay đổi như thế nào”. Để kiểm chứng lần nữa, chúng tôi hỏi tiếp L., HS mới nhập học tháng 9-2008, thì L. cũng khẳng định lịch học của mình thay đổi mỗi tuần.
Một cán bộ phụ trách ngành học giáo dục chuyên nghiệp bức xúc: Khi xin thành lập trường, nhiều trường đưa đề án có đầy đủ GV theo quy định, trong đó GV cơ hữu phải chiếm 30%. Nhưng lúc bắt đầu hoạt động, GV cơ hữu bỗng dưng “biến mất”.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, chỉ vài trường có GV cơ hữu dưới chuẩn quy định là THTT Kinh tế kỹ thuật nghiệp vụ Tây Sài Gòn: 9,52%; THTT Kinh tế kỹ thuật Tây Nam Á: 12,8%, TCTT Tài chính tin học Ánh Sáng: 15,8%; TCTT Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn: 27,1%. Ngoài những trường trên, báo cáo của các trường gửi lên Sở GD-ĐT hết sức lạc quan với tỷ lệ GV cơ hữu chiếm hơn 40%, song sự thật chỉ được sáng tỏ qua thanh, kiểm tra (trong hội nghị giao ban công tác giáo dục chuyên nghiệp lần 1 năm học 2008-2009, Sở GD-ĐT đã phê bình “báo cáo của nhiều trường vừa chậm, vừa không đầy đủ, thiếu chính xác”).
Mới đây, đoàn thanh tra của Sở GD-ĐT phát hiện trường TCTT Kinh tế Kỹ thuật Tân Việt không có ký hợp đồng lao động với GV, không có GV cơ hữu. Trường TC dân lập Kinh tế Kỹ thuật Phương Đông chỉ có 17% GV cơ hữu. Thực tế trên thật khác xa với báo cáo trên giấy của các trường gửi cho Sở GD-ĐT: TCTT Kinh tế Kỹ thuật Tân Việt có 52 GV cơ hữu (chiếm 43,6%), Trường Phương Đông có 21 GV cơ hữu (36,8%) (?!). Mỗi năm, Sở GD-ĐT chỉ có thanh, kiểm tra được vài trường, chính vì vậy những trường “có tật” ngoài danh sách bị kiểm tra có thể yên tâm với báo cáo “ảo”.
Cơ sở nghèo nàn:
  • Do cơ chế hay không chịu đầu tư?
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, sau 5 năm kể từ ngày đăng ký hoạt động, các trường TCCN NCL phải tạo cho mình một cơ sở riêng. Nhưng chỉ riêng tại TPHCM, mặc dù đã hoạt động từ nhiều năm qua, hầu hết 24 trường TCCN NCL trong tổng số 31 trường TCCN chỉ có vài trường có cơ sở riêng và tương đối rộng rãi, số còn lại đang phải đi thuê những cơ sở dạng nhà phố chật hẹp để hoạt động. Trong khi mức học phí trung bình ở các trường luôn ở mức từ 3-8 triệu đồng/học kỳ, gấp 2 – 4 lần mức thu của trường công.
Có nhiều nguyên nhân để các trường trì hoãn đầu tư cơ sở vật chất, trong đó có 2 lý do chính là: không muốn đầu tư và do cơ chế. Hiệu trưởng một trường TCTT ở Gò Vấp thú thật: Nếu di dời ra khu quy hoạch đất cho GD-ĐT ở ngoại thành thì trường sẽ không có HS, đặc biệt các lớp học ban đêm. Cho nên, trường kiên trì bám trụ ở nội thành.
Hồng Liên – Lê Linh (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)