Tòa soạnThư đi – tin lại

Bất cập từ một dự án

Tạp Chí Giáo Dục

Gia đình ông Lê Văn Nhánh

45 hộ gia đình nằm trong qui hoạch vùng kinh tế mới tại xã An Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đang sống trong tình trạng thiếu thốn mọi mặt: Không điện nước sinh hoạt, không có đất sản xuất, không công ăn việc làm…
45 hộ này thuộc diện gia đình chính sách nghèo hoặc diện 815 (giải tỏa trong thời tập đoàn và mất trắng đất sản xuất) hiện đang rất khó khăn về chỗ ở cũng như đời sống kinh tế. Họ là những gia đình được chọn từ các xã trong huyện Thạnh Phú của dự án “Di dân và phát triển vùng kinh tế mới xã An Điền với diện tích 146,89ha”. Theo dự án, mỗi hộ được cấp 300m2 đất thổ cư và mỗi nhân khẩu là 2.000m2 đất sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Dự án được UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt vào năm 2003. Nhưng đến năm 2011 thì dự án mới được tiến hành, 45 hộ dân khăn gói về đây cất nhà ở. Nhưng cho đến nay thì đất sản xuất vẫn chưa được cấp. Sau hơn một năm trôi qua, họ mòn mỏi đợi chờ nhận đất sản xuất, cũng như các nhu cầu thiết yếu khác điện, nước… nhưng đều vô vọng.
Cũng như các hộ khác trong dự án, nhà bà Lê Thị Hớn làm bằng tre, lá lụp xụp và hàng ngày phải đối mặt với khó khăn, thiếu hụt. Bà Hớn xót xa: “Lúc ở xã Giao Thạnh, tôi và đứa con tật nguyền hàng ngày kiếm được vài chục ngàn bằng việc giặt đồ mướn. Nhưng sang đây thì không còn làm được nữa, mẹ con tôi phải ki cóp với số tiền dành cho gia đình chính sách mới không phải đói khát. Gia đình tôi không biết sẽ ra sao nếu bệnh tật ốm đau…”. Gia đình ông Lê Văn Nhánh (thương binh 3/4, bị cụt một chân trong thời chiến) càng bi đát hơn vì cô con gái bị chồng ruồng rẫy khi con cô chưa tròn 1 tuổi, ông Nhánh luôn khao khát có việc gì đó để làm nhưng vốn liếng không có, tuổi già lại ngày càng heo hắt hơn. Khốn cùng hơn, bà Phạm Thị Ý gần 70 tuổi hàng ngày phải vất vả với xấp vé số để nuôi thân và đứa cháu ăn học.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Tiền – Chánh văn phòng UBND huyện Thạnh Phú cho biết đã ghi nhận những trường hợp trên, nhưng hiện vẫn đang tìm cách giải quyết. Dòng điện thì đã có giải pháp, vấn đề còn lại là thời gian, nhưng ông vẫn không cho biết cụ thể. Còn về đất sản xuất hiện đang chờ chỉ đạo của UBND tỉnh, phương pháp trước mắt mà huyện áp dụng là vận động và thỏa thuận với bà con.
146,89ha trong dự án này hiện vẫn còn 14/36 hộ chưa chấp thuận. Trên tinh thần thì họ cũng đã đồng ý giao đất, nhưng bất cập giữa hai bên là giá tiền đền bù 4 triệu đồng/ 1 công năm 2004 lại tiếp tục áp dụng cho năm 2012? Ông Lê Văn Nguyễn (1 trong 14 hộ chưa đồng ý nhận tiền đền bù) cho biết: Chúng tôi đã sinh sống trên mảnh đất này hơn 40 năm nay với biết bao cực khổ. Nay ít nhất cũng phải đền bù bằng 1/2 giá thị trường mới thỏa công lao”. Ông Nguyễn tâm sự thêm “Nhìn bà con di dân khổ cực, tôi cũng xót xa vô cùng”. Ông Võ Văn Tiền cũng đồng tình nhưng “kinh phí dự án lúc đưa ra và đến bây giờ vẫn như vậy, chúng tôi đâu thể làm khác hơn được”.
Địa bàn huyện Thạnh Phú hiện còn một dự án sau hơn 17 năm khơi lại vẫn đang bỏ ngỏ. Đó là dự án nạo vét lại kênh KT 5 (khai thông 5) trên địa bàn thuộc ấp 3 xã Giao Thạnh. Dự án này được tiến hành lần đầu vào năm 1994 trong sự phản đối mạnh mẽ của người dân. Năm 2011 UBND huyện Thạnh Phú làm lại vẫn vấp phải sự phản đối quyết liệt do người dân không công nhận tính khả thi của dự án. Ông Võ Văn Tiền cho biết “Dự án tạm thời ngưng do kinh phí đã hết, nhưng sẽ cố gắng hoàn thành dự án này trong năm 2012, kinh phí sẽ được trích trong ngân sách chi thường xuyên của huyện”.
Bài, ảnh: Mã Phương

Bình luận (0)