Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bắt đầu từ nhận thức đúng của thầy cô

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy trò trao đổi trong giờ học môn sử tại Trường THPT Đa Phước (TP.HCM). Ảnh: A.Khôi

“Lương sư hưng quốc” là quan điểm khẳng định vai trò người thầy trong tiến trình phát triển đất nước của cha ông chúng ta. Tuy nhiên, hiện nay, phải thẳng thắn mà nhìn nhận, sự nghiệp GD-ĐT đang chưa đáp ứng được vai trò “hưng quốc” của mình…
PGS.TS Nguyễn Văn Nở, Phó trưởng khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ – chiếc nôi đào tạo nhân lực ngành GD cho khu vực ĐBSCL – cho rằng: Sự nghiệp GD, đào tạo của nước ta đang đứng trước những thử thách lớn lao và nhiệm vụ có tính lịch sử. Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trở thành một trong những mục tiêu, động lực quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước. Thực hiện sự nghiệp này, cần phải huy động nhiều nguồn lực nhưng có thể nói, nguồn lực quan trọng nhất vẫn là đội ngũ các thầy cô giáo, các nhà sư phạm. Đội ngũ này có vai trò quyết định đối với việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của nước nhà vì chất lượng GD, nói cho cùng gắn liền với chất lượng đội ngũ. Chính vì thế, việc nhận thức đúng vai trò của nhà giáo và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo có ý nghĩa quyết định. Xã hội nhìn nhận đúng và thầy cô giáo các cấp ý thức được vai trò đó của mình thì mới có thể tạo nên một tổng lực mạnh mẽ thực hiện thành công việc chấn hưng GD.
PV: Theo đánh giá của các chuyên gia GD quốc tế, tại các quốc gia công nghiệp, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò gần như mang tính quyết định trong thành công của sự nghiệp GD-ĐT. PGS nghĩ sao về nhận định này?
– PGS.TS Nguyễn Văn Nở: Ở nước ta, ngay từ thế kỉ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn, đã nêu lên nhận định sâu sắc: Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt và phi trí bất hưng. Vì thế, không chỉ ở các quốc gia công nghiệp, không chỉ giai đoạn hiện nay mà vấn đề này, theo tôi quốc gia nào, thời nào cũng thế. Nếu GD-ĐT kém thì đất nước khó hưng thịnh. Đất nước ta đang trong thời kì đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế thì GD-ĐT càng phải tiên phong. Trước những đòi hỏi đó, vai trò của nhà giáo càng có ý nghĩa quan trọng, quyết định. Nhận định của các chuyên gia quốc tế là xác đáng, không có gì bàn cãi.
Nếu đem yếu tố này đối chiếu với GD Việt Nam, nhà giáo của chúng ta còn những mặt hạn chế gì và nguyên nhân cơ bản của những hạn chế đó?
– Để trả lời chính xác câu hỏi này cần phải có sự khảo sát, điều tra nghiêm túc. Với cái nhìn của người trong cuộc, tôi xin chỉ nói đôi điều suy nghĩ mang tính chủ quan. Theo tôi, nhà giáo ngoài kiến thức, kĩ năng, phương pháp dạy học còn cần có cái tâm và cả cái tình. Tài yếu, tâm thiếu mà lại vô tình thì chỉ có thể bám nghề mà không làm trọn nghiệp. Hiện lắm GV có tâm huyết, làm “trọn nghiệp” nhưng cũng có người chỉ như đang “bám nghề”. Họ thiếu động lực tự học và đổi mới; chưa bắt kịp yêu cầu của đổi mới GD. Chưa kể những tác động của cơ chế thị trường đã khiến cho một số GV không giữ được phẩm chất, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người thầy. Điều đó cũng góp phần làm hạn chế việc thực hiện vai trò đào tạo nguồn nhân lực của đội ngũ nhà giáo và là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thực trạng chất lượng đào tạo chưa thực sự đáp ứng được mục tiêu đặt ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế này như: Chính sách tiền lương, môi trường GD, cơ chế quản lí, công tác đào tạo và bồi dưỡng GV…

Tục ngữ có câu: “Có thực mới vực được đạo”. Thầy cô giáo sống quá kham khổ trong “cơn bão” cơ chế thị trường thì khó mà yên tâm làm trọn nghiệp, khó mà có động lực tự học và cố gắng đổi mới để nâng cao năng lực chuyên môn. Hiện nay, chế độ chính sách, tiền lương, phụ cấp đối với ngành GD đã được quan tâm và có những thay đổi cụ thể, thiết thực nhưng xem ra vẫn chưa đảm bảo GV sống có chất lượng bằng lương và đủ sức hấp dẫn người giỏi vào ngành sư phạm. Trong khi nghề giáo, đặc biệt là GV phổ thông ngày nay thật cực nhọc và chịu áp lực từ nhiều phía. Ngoài việc dạy học, thầy cô còn bị ràng buộc bởi những quy định về chuyên môn, sổ sách, giấy tờ, làm công tác chủ nhiệm và là cầu nối giữa nhà trường với phụ huynh…
GD chúng ta đã có nhiều cuộc cải cách nhưng rõ ràng là chưa như mong muốn, chưa đáp ứng đòi hỏi của xã hội. Những đợt chỉnh lí, cải cách, đổi mới sách giáo khoa; những kì tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn đã tốn khá nhiều thời gian, công sức, tiền của mà không như ý đã phần nào tạo ra tâm lí nghi ngại, e dè, lo lắng, mệt mỏi, ngao ngán và cả đối phó… Nay ta chuẩn bị đổi mới GD căn bản, toàn diện. Đợt đổi mới này chắc chắn sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc đến toàn bộ đội ngũ GV. Tôi nghĩ có làm tốt công tác tư tưởng, tác động đến tình cảm nghề nghiệp… để GV thấy được nghĩa vụ, quyền lợi cũng như sứ mệnh của mình trong công cuộc này thì mới có thể tạo động lực nơi GV và khơi nguồn sáng tạo của họ. Vì tất cả những sự đổi mới này cuối cùng sẽ tìm đến đôi vai gầy của thầy cô giáo các cấp, đội ngũ có vai trò rất quan trọng như đã nói. Có được niềm tin cùng sự đồng tình thì mới phối hợp tốt, nỗ lực cao, huy động được mọi nguồn lực trong xã hội.
Như vậy, để đội ngũ nhà giáo đảm đương tốt trách nhiệm của mình trước yêu cầu của một nền GD tiên tiến, hiện đại mà Việt Nam đang cố gắng đạt được, với cương vị cũng như kinh nghiệm của một cán bộ nhiều năm quản lý công tác đào tạo GV, theo PGS chúng ta cần phải bổ sung những điều kiện gì trong chính sách cũng như trong thực tiễn đào tạo?
– Điều đầu tiên tôi muốn đề cập vẫn là chuyện chính sách đãi ngộ đối với GV. Giải quyết được căn bản vấn đề này thì mới có thể phát huy được sức mạnh, vai trò của đội ngũ nhà giáo. Cần tiếp tục sửa đổi chính sách về tiền lương và phụ cấp, bảo đảm để nhà giáo đang giảng dạy và cả nghỉ hưu có mức sống đàng hoàng, tử tế. Phụ cấp thâm niên nhà giáo vừa qua chẳng khác nào như bù vào trượt giá, nhất là khi tiền lương tối thiểu dự báo không tăng trong năm 2014. Hơn nữa, nó cũng chẳng tác động gì nhiều với những thầy cô trẻ khi hệ số lương không cao, thâm niên chưa nhiều. Do đó, nghề giáo khó có sức hấp dẫn để thu hút được nhiều người giỏi. Cho dù đã có chính sách khuyến khích như miễn học phí cho sinh viên học ngành sư phạm nhưng điều đó rõ ràng vẫn chưa đủ. Và như vậy, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ. Bên cạnh đó là cải thiện điều kiện ăn ở và môi trường làm việc cho nhà giáo, nhất là GV vùng sâu, vùng xa. Có như vậy, họ mới toàn tâm, toàn ý với nghề, chủ động, sáng tạo gắn bó hết mình với công việc. Cần phải ưu tiên đầu tư, nâng cấp trường lớp, các phương tiện giảng dạy… nhất là ở những nơi khó khăn. Xem phóng sự về việc dạy và học ở những nơi ấy thật không khỏi chạnh lòng. Có lẽ những nơi này, việc duy trì trường lớp, bảo đảm sĩ số học sinh và giữ chân GV là mục tiêu hàng đầu!
Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ GV cần phải đi vào thực chất, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa hơn nữa và có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các trường sư phạm, các sở GD-ĐT cùng với các trường phổ thông. Công tác đào tạo GV cũng phải bắt kịp với yêu cầu mới. Cần có sự gắn kết giữa các trường ĐH sư phạm với các trường phổ thông trong đào tạo GV. Thực tế, mối quan hệ này trước đây chưa chặt chẽ. Hệ quả là có độ chênh nhất định giữa đào tạo và thực tiễn. Bộ GD-ĐT đã thấy sự bất cập đó nên thời gian gần đây đã có những quy định cụ thể về việc phối hợp này và nhất là yêu cầu các trường ĐH tham gia trực tiếp, gắn kết với GD phổ thông trong việc xây dựng, phát triển chương trình SGK đổi mới sau 2015. Không chỉ thế, để nâng cao chất lượng GD thì việc đổi mới công tác đào tạo GV phải đi đôi với đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí đội ngũ nhà giáo. Bố trí, sử dụng hợp lý, đúng khả năng chuyên môn là điều kiện thuận lợi để đội ngũ nhà giáo đạt hiệu quả lao động cao và phát huy được tính tích cực, sáng tạo trong quá trình thực hiện vai trò của mình…
Xin cảm ơn PGS.
Đan Phượng (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)