Sự kiện giáo dụcTin tức

Bắt đền!

Tạp Chí Giáo Dục

Khi hiện tượng người nông dân nổi dậy trong mấy ngày qua, đã gần như kết thúc những show diễn của Vedan về bài ca “mặc cả” đối với những thiệt hại mà người nông dân phải gánh chịu trong thời gian qua và cả trong những ngày sắp tới.
Thủ tục khởi kiện đã được tiến hành, các chuyên gia pháp lý khẩn trương xắn tay áo cùng nông dân xông ra “mặt trận” chưa có tiền lệ này. Các cấp chính quyền đang tỏ ra quyết liệt chứng minh tư cách là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Bên cạnh đó, như một sự động viên cho chuyến ra quân chắc thắng này khi có thêm ý kiến khẳng định của Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên: Có đầy đủ cơ sở pháp lý để kiện Vedan và chắc chắn thắng.
Xem ra, việc thương thuyết để chín bỏ làm mười đã không có hồi kết tại các “phiên điều trần” giữa Vedan với người dân bị thiệt hại. Chính sách “hỗ trợ” mà Vedan đưa ra đã bị các chuyên gia pháp lý Việt Nam bẻ khóa chuyển hướng sang triển khai phương án “bắt đền” (được hiểu là bồi thường). Thật ra, không phải ngẫu nhiên trong văn nói Việt Nam phổ biến câu chữ này. Dù từ ngữ rất giản dị, bình dân nhưng ai cũng phải thừa nhận sự rõ ràng của nó về mối quan hệ nhân quả giữa người gây ra thiệt hại và người bị thiệt hại. Sự vi phạm đến gây thiệt hại của Vedan chưa được thiện chí thừa nhận mà thay vào đó là sự “hỗ trợ”. Điều đó, cho thấy không chỉ dừng lại ở tính bảo thủ của Vedan mà còn thể hiện sự thiếu ý thức trong chấp hành pháp luật. Một người nông dân ở Cần Giờ – TP.HCM bức xúc nói: “Gây thiệt hại thì phải bồi thường cứ hỗ trợ, hỗ trợ… làm như ban phát!”. Vì thế, đã đến lúc phải “bắt” đền chứ không thể thương lượng “yêu cầu” bồi thường thiệt hại. Sự thương lượng chỉ có thể diễn ra khi cả hai phía cùng có thiện chí và hợp tác hỗ trợ lẫn nhau.
Thực tế cho thấy, đã có những nỗ lực từ phía một số chính quyền và các cấp quản lý trong việc “nương tay” cho Vedan trong thời gian qua, dù có những lời ra tiếng vào từ dư luận xã hội. Thế nhưng, chủ trương này không đạt kết quả như mong muốn. Chúng ta hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trật tự trên cơ sở hệ thống pháp luật văn minh và chúng ta cũng cần phải thanh lọc những hành vi vi phạm pháp luật và gây hại đến đời sống xã hội. Hiện tượng người tiêu dùng đang hướng đến việc tẩy chay sản phẩm Vedan sẽ là một tác động không nhỏ đối với Vedan.
Vedan cần phải thể hiện thiện chí của mình ở mức tối đa nhất để người nông dân Việt Nam không phải dùng luật để thay thế từ “hỗ trợ” của Vedan thành từ phải nói cho chính xác hơn là “bắt đền!”.
LS. Trần Thị Phụng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)