Họp hành nhiều lần và nhiều ngày liền, gặp gỡ ở cả cấp cao lẫn cấp thấp, thương thảo giữa tất cả các thành viên và trong các nhóm thành viên mà Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa đạt được sự nhất trí về thỏa thuận mới nhằm giải quyết vấn đề người tị nạn và di cư.
Thủ tướng Malta Robert Abela (giữa) phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh 9 quốc gia Nam Âu ở Malta ngày 29.9.2023, kêu gọi EU hoàn tất thỏa thuận di cư và tị nạn mới trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào năm tới.
Áp lực phải nhanh chóng tìm kiếm được giải pháp dứt điểm lâu bền cho vấn đề này hiện không những chỉ rất lớn mà còn ngày càng tăng đối với EU.
Theo số liệu của Tổ chức tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR), chỉ riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã có hơn 186.000 người từ châu Phi vượt Địa Trung Hải di cư và tị nạn vào châu Âu, và có ít nhất 2.500 người đã thiệt mạng và mất tích.
Năm 2016, EU ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và năm ngoái ký kết thỏa thuận tương tự với Tunisia về hợp tác ngăn cản dòng người vượt Địa Trung Hải tị nạn và di cư vào châu Âu nhưng cả hai thoả thuận này đều đã không đưa lại cho EU kết quả như EU mong đợi và kỳ vọng.
EU nhận thức được rằng, cần phải cải tổ cơ bản và triệt để toàn bộ chính sách về thị thực nhập cảnh, tị nạn và di cư. Hơn nữa, EU lại còn phải chạy đua với thời gian trong chuyện này bởi chỉ mấy tháng nữa thôi thì trong EU sẽ có cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Nếu công cuộc cải tổ chính sách thị thực, tị nạn và di cư không được Nghị viện châu Âu hiện tại thông qua thì sẽ do Nghị viện châu Âu mới với cục diện và tương quan quyền lực mới quyết định. Trong trường hợp này, EU không những chỉ mất thêm rất nhiều thời gian mà còn không dám chắc Nghị viện châu Âu mới sẽ thông qua định hướng cải cách hiện tại của EU hay không.
Những vấn đề đặt ra hiện tại cho EU trong chuyện này không hề mới: Chặn dòng người tị nạn và di cư ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ EU, tăng cường bảo vệ biên giới ngoài cùng của EU, sàng lọc người tị nạn và di cư để đẩy ngay những người không được EU chấp nhận về nơi họ đã ra đi, xúc tiến quá trình xem xét chấp nhận người tị nạn và di cư, phân bổ hạn ngạch giữa các thành viên EU về chấp nhận người tị nạn và di cư…
Vấn đề đối với EU còn là không phải tất cả mọi thành viên EU đều bị ảnh hưởng tiêu cực như nhau bởi vấn đề tị nạn và di cư. Italy là thành viên EU bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Những thành viên bị ảnh hưởng ít không sẵn sàng đóng góp tài chính nhiều và nhận về nhiều người tị nạn và di cư. Họ cũng còn thấy vấn đề này không cần gấp gáp được giải quyết như Italy chẳng hạn.
Trong EU lại có không ít thành viên không muốn những thành viên bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều bởi vấn đề tị nạn và di cư hiện tại tự ý đơn phương giải quyết vấn đề này, hay tự ý hạ thấp những tiêu chuẩn, tiêu chí và nguyên tắc áp dụng trong vấn đề tị nạn và di cư.
EU bất đồng quan điểm trong nội bộ như thế thì tình trạng bế tắc ý tưởng giải pháp cho vấn đề là điều không còn có thể tránh khỏi.
Trước mắt, EU tập trung mọi ưu tiên chính trị cho việc thông qua cái gọi là "Cơ chế xử lý khủng hoảng", tức là EU sẽ hành động và ứng phó như thế nào trong trường hợp có thành viên – như Italy hiện tại – bị quá tải bởi dòng người tị nạn và di cư.
Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên EU đã họp nhưng không đạt kết quả gì, bởi Ba Lan và Hungary phản đối quyết liệt. Italy đã họp với 8 thành viên EU ven bờ Địa Trung Hải để thống nhất quan điểm và phối hợp hành động nhưng rồi đâu vẫn đấy. Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisia lại dùng chính vấn đề này để ép EU mở hầu bao chi thêm cho họ.
Tình cảnh hiện tại của EU càng thêm bế tắc khi cả chuyện EU hậu thuẫn Ukraina trong cuộc xung đột với Nga cũng không được thuận lợi. Thật sự phía trước là thời kỳ khó khăn đối với EU.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)