Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bất động sản 6 tháng đầu năm 2017: Tiếp tục tăng trưởng ổn định

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc cho tình trạng sốt ảo và có khi đóng băng, theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực đất đai, trong 6 tháng đầu năm 2017 thị trường bất động sản (BĐS) theo chiều hướng tăng nhẹ đã có những chuyển biến tích cực không ảnh hưởng nhiều đến biến động thị trường.

Một hộ rao bán đất nền ở Q.Tân Bình

Thị trường BĐS tăng trưởng ổn định

Ông Nguyễn Mạnh Hà – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS nhận định, thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục tăng trưởng ổn định thể hiện qua các yếu tố: giá cả, số lượng giao dịch, lượng hàng tồn kho giảm, cơ cấu hàng hóa tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu đa dạng của thị trường.

Vì hoàn cảnh gia đình, nên cuối năm 2016 ông Ngô Thanh Hiệp, ngụ ở Q.Bình Thạnh kêu bán một căn hộ chung cư tại P.13, Q.Bình Thạnh với giá 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thị trường BĐS đang trong thời gian đóng băng nên dù có nhiều người đến xem nhà nhưng sau đó cứ rút lui trong lặng lẽ. Có miếng đất 60 mét vuông ở đường số 10, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, bà Lê Thị Nhung, quê ở Nha Trang kêu bán với giá 900 triệu nhưng nhiều người cứ chê đắt so với những chỗ khác. Đây là tình trạng chung của nhiều chủ sở hữu nhà ở, căn hộ và đất có nhu cầu sang nhượng trong thời gian trước Tết Đinh Dậu khi mà thị trường BĐS suốt trong năm 2016 có dấu hiệu đóng băng, giá cả nằm im một chỗ.

Tình hình BĐS bắt đầu khả quan ngay khi bước vào quý 1. Dù chưa có bước đột phá nhưng giá cả thị trường bắt đầu nhích nhẹ. Ông Hiệp kể: “Cũng không cần bán gấp và thấy chưa được giá nên căn hộ gia đình tôi vẫn không có ai trả giá cao hơn. Tuy nhiên, vào tháng 4-2017 khi biết giá cả thị trường lên nên nhiều người quay lại hỏi mua. Sau một thời gian giao dịch tôi đã bán được giá 1,4 tỷ một cách dễ dàng”. Cũng nhờ giá cả BĐS tăng mà miếng đất của bà Nhung nay đã có người trả trên 1 tỷ mà gia đình vẫn chưa ưng thuận. Không chỉ đối với người bán mà ngay cả người mua cũng lo lắng khi thấy giá cả nhà đất tăng dù chưa phải là cơn sốt. Cầm trong tay 1,7 tỷ để mua một căn hộ ở Q.2 nhưng đến nay anh Phước, ngụ ở Q.Phú Nhuận vẫn chưa tìm mua cho mình được một căn hộ vừa ý: “Sau khi bán miếng đất ở Q.12, tôi dự tính mua căn hộ ở P.Bình Trưng Đông, Q.2 ở gần nhà cha mẹ nhưng mấy tháng nay giá thị trường lên nên muốn có căn hộ vừa ý thì bỏ ra vài trăm triệu nữa mới được”.

Nắm bắt từng ngày thị trường BĐS tuy không nằm trong giới kinh doanh nhưng anh Võ Xuân Đ. cũng hùn tiền với người em gái ở Q.9 mua một miếng đất 2,3 tỷ. Sau 2 tháng thấy giá cả tăng, hai anh em quyết định sang nhượng với giá 2,8 tỷ. Trừ các khoản chi phí chạy giấy tờ mỗi người cũng kiếm được hơn 200 triệu. Theo anh Đ., mặc dù thị trường nhà đất đang có chiều hướng tăng giá mua vào bán ra đều có lời nhưng đôi khi đây chỉ là cơn sốt ảo nếu mua vào mà “ôm” lâu thì có thể lỗ vì sự cố đóng băng bất ngờ mà không phải ai cũng biết được. Vì thế biết là giá có thể lên sau vài tháng kiếm thêm được vài trăm triệu nhưng anh Đ. vẫn quyết định bán để đầu tư vào miếng đất khác. Theo giới kinh doanh nhà đất, cách làm của anh Đ. trong hoàn cảnh hiện nay là có thể chấp nhận được vì giá cả thị trường đôi khi chỉ tăng cục bộ nếu không tỉnh táo thì có thể bị lỗ nặng đến mức phá sản. Nếu ai đó vay tiền hoặc bỏ tất cả vốn liếng để kinh doanh thì cũng hãy dè chừng vì sự biến động không theo một chiều hướng nào như dự đoán.

Còn tồn tại nhiều hạn chế 

Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, tín dụng BĐS có mức tăng trưởng đạt 6,35%. Đây là mức tăng trưởng rất cao, nếu so với cùng kỳ năm 2016, với mức tăng trưởng chỉ đạt 5%. Mặc dù tín dụng tăng trưởng cao, nhưng lãi suất lại ổn định và khá hợp lý, trong đó, lãi suất vay mua nhà xã hội giữ ở mức 4,8%.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp BĐS thành lập mới tại TP.HCM tăng mạnh và chiếm tỷ lệ lớn trong số doanh nghiệp mới thành lập. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2017 có 18.000 doanh nghiệp được thành lập trên địa bàn thì 1/3 trong số đó là doanh nghiệp BĐS. Việc có rất nhiều doanh nghiệp BĐS mới thành lập cho thấy thị trường BĐS thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và khởi nghiệp xã hội.

Mặc dù thị trường BĐS TP.HCM vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định nhưng theo đánh giá của HoREA, thị trường vẫn đang tồn tại hàng loạt hạn chế cần phải giải quyết như: gánh nặng tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, hạn chế về chuyển nhượng dự án, chính sách tín dụng còn chưa phù hợp và thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài. Những hạn chế này trong thời gian qua, HoREA liên tục có những kiến nghị tháo gỡ đến nhiều cấp chính quyền. Tuy nhiên đến nay, đa số “điểm nghẽn” vẫn tồn tại và cản trở sự phát triển của thị trường BĐS.

Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết thị trường BĐS trong thời gian tới sẽ có chiều hướng chuyển biến tốt và có cơ hội mạnh mẽ. Dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt 40% do nhu cầu về nhà ở trong giai đoạn đô thị hóa tăng cao. “Tính trung bình hàng năm chúng ta phải xây dựng 100 triệu mét vuông nhà ở để đáp ứng nhu cầu của người dân lao động, công nhân khu công nghiệp” – ông Hà dự đoán.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

Bình luận (0)