Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bất động sản: Giảm giá là nhu cầu tăng mạnh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

“Chỉ cần giá giảm nhẹ sẽ khiến lượng khách hàng tiềm năng tăng mạnh” – Tổng giám đốc CBRE Marc Townsend nhận định về thị trường BĐS hiện nay. Bên cạnh đó, yếu tố về kinh tế vĩ mô có tác động mạnh hơn là nguồn cung tăng nhanh trên thị trường.

Theo khảo sát của CBRE, quý 2/2011 ghi nhận lượng cung mới dồi dào với 7.500 căn hộ, tương đương gần một nửa nguồn cung mới của cả năm 2010. Trong đó, dự án Times City của tập đoàn Vincom cung cấp hơn 1/3 nguồn cung mới trong quý này.
Thị trường trầm lắng buộc các chủ đầu tư tiến hành nhiều biện pháp đẩy mạnh bán hàng. Một số chủ đầu tư lớn, sở hữu nguồn cung tương lai dồi dào, đã đưa ra các hình thức ưu đãi với không chỉ người mua tiềm năng mà cả khách hàng đã mua căn hộ.
Điển hình là việc hủy bỏ điều chỉnh giá căn hộ theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và giảm giá căn hộ. Nhiều chủ đầu tư còn giảm mức giá kỳ vọng đối với căn hộ khoảng 20%, điều này đặc biệt thấy rõ nét đối với phân khúc căn hộ.
Tình hình thị trường BĐS "đóng băng" như hiện nay, đã có nhiều ý kiến cho rằng bắt nguồn từ việc nguồn cung tăng mạnh khiến bão hòa, giao dịch chậm. Tuy nhiên, theo ông Marc Townsend – Tổng giám đốc CBRE nguyên nhân chính khiến thị trường bi đát lại là do những ảnh hưởng từ nền kinh tế vĩ mô.
Thị trường "đóng băng" là do đâu? (Ảnh minh họa)
Với hai lần điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn đến mức 14% vào cuối quý, một lần điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu đến mức 13% và hai lần điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng thương mại. Tất cả những tín hiệu này thể hiện rõ mối quan ngại đối với tình hình kinh tế vĩ mô vào thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, CPI tăng mạnh 15,5% so với cùng kỳ năm trước khiến tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ suy giảm, chỉ đạt 6,6%, con số này thấp hơn hẳn so với mức 17,1% cùng kỳ năm 2010. “Điều đó cho thấy người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu.” – ông Marc Townsend nói.
 
Theo số liệu thống kê của Nielsen, chỉ 4% hộ gia đình ở Hà Nội có thu nhập hàng tháng trên 15 triệu đồng. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở của người dân ở Hà Nội  thì quá lớn.
Bởi vậy, “khả năng chi trả là một tiêu chí quan trọng và chỉ cần giá bán giảm nhẹ cũng sẽ khiến lượng hàng tiềm năng tăng mạnh.” – đại diện CBRE đưa ra nhận định.
Qua khảo sát của phóng viên, những căn hộ có giá trị khoảng trên 1 tỷ đồng là mối quan tâm của nhiều gia đình sống ở thủ đô hiện nay. Không ít người còn khẳng định, nếu giờ thị trường chào bán những căn hộ nằm ở vị trí có giao thông đi lại thuận tiện và giá cả phù hợp thì chắc chắn sẽ tranh nhau mua.
Hơn ai hết, những người đang khó khăn về nhà ở hiểu rằng cần mua nhà càng sớm càng tốt, nhất là trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, khoảng cách giữa mong muốn và thực hiện lại là vấn đề không nhỏ, khi mà ngân hàng thì thắt chặt tín dụng, giá cả sinh hoạt tăng vọt cộng với tiền thuê nhà, điện, nước… cũng leo thang.
Chính vì thế, bài toán để vực dậy thị trường BĐS không chỉ nằm ở những giải pháp mang tính chất chuyên biệt của ngành địa ốc mà chính phải bắt đầu từ việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát cùng với những chính sách điều hành tiền tệ phù hợp với sự phát triển của thị trường.
Theo Lan Hương
Dân trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)