Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bất động sản kỳ vọng “ăn theo” chứng khoán

Tạp Chí Giáo Dục

Dòng tiền của thị trường chứng khoán và bất động sản đi theo quy luật "bình thông nhau" nên khi chứng khoán ấm lên thì bất động sản cũng có thể rục rịch sôi động trở lại…
Những tuần đầu tháng 8, thị trường chứng khoán đã có chuỗi phiên hồi phục liên tục khi VN-Index tăng từ dưới 1.200 điểm lên gần 1.275 điểm cùng giá trị giao dịch tăng gấp đôi tháng trước. Nhiều cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản, chứng khoán, ngân hàng đang tác động tích cực đến hoạt động giao dịch, môi giới trên thị trường bất động sản.
Tiến gần vùng 1.280 điểm
Đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán ngày 17-8, VN-Index tiếp tục giữ sắc xanh dù chỉ số tăng không đáng kể so với phiên trước đó. Thanh khoản vẫn ở mức cao, tổng giá trị giao dịch của 3 sàn HoSE, HNX-Index và UPCOM-Index vào khoảng 20.500 tỉ đồng, tăng mạnh hơn 20% so với phiên trước.
Nhìn chung nửa đầu tháng 8, thanh khoản trên thị trường có dấu hiệu tích cực rõ rệt với giá trị giao dịch trên 15.000 tỉ đồng/phiên, có phiên vượt 20.000 tỉ đồng. Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, giá trị giao dịch trung bình chỉ khoảng 11.000 tỉ đồng/phiên.
Bất động sản kỳ vọng ăn theo chứng khoán - Ảnh 1.
Sau thời gian sụt giảm mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực và có khả năng dẫn dắt thị trường bất động sản.

Thị trường giao dịch sôi động trong thời gian gần đây chủ yếu tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu tài chính – ngân hàng, bất động sản. Trong đó, không ít mã bất động sản nhà ở, bất động sản xây dựng và bất động sản hạ tầng đã "chạy" trong những tuần gần đây. Nhiều cổ phiếu tăng giá đến 15%-25% trong vài tuần. Đặc biệt, trong phiên ngày 17-8, bất chấp hàng loạt mã đỏ sàn như VIC, VRE, NLG, KDH, SCR…, cổ phiếu bất động sản vẫn giữ "phong độ".
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), nhìn nhận sau khi tăng mạnh nhiều phiên, thị trường có thể chốt lời ngắn hạn khi VN-Index tiến gần vùng 1.280 điểm. Đối với danh mục trung – dài hạn, nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục giữ tỉ trọng nhóm cổ phiếu ngân hàng, khu công nghiệp và xây dựng hạ tầng nhờ kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm tiếp tục khởi sắc trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các chương trình phục hồi kinh tế – xã hội sau dịch.
Lực kéo bất động sản
Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ thời gian ngắn sau khi nhóm cổ phiếu bất động sản nói riêng hồi phục và thị trường chứng khoán nói chung ấm dần lên, các dự án bất động sản, đất nền vùng ven cũng giao dịch nhộn nhịp hơn. Không chỉ số lượng giao dịch liên quan đến nhà phố, nhà ở khu dân cư, chung cư đã bàn giao không ngừng tăng mà giá cũng nhích lên. Số liệu của trang Batdongsan.com.vn cho thấy trong quý II/2022, mặt bằng giá đất nền tại miền Bắc và giá rao đất ở quận, huyện vùng ven tại miền Nam tăng mạnh. Trong đó, ở Hà Nội, đất nền huyện Đông Anh, Gia Lâm, Quốc Oai tăng lần lượt 31%, 27% và 20% so với trung bình năm 2021. Ở TP HCM, giá rao bán đất nền trong quý II/2022 ở TP Thủ Đức (khu vực quận 9 cũ) tăng 11%, huyện Củ Chi tăng 8% và Nhà Bè tăng 4% so với trung bình năm 2021.
Theo chuyên gia tài chính – chứng khoán Lê Quang Minh, số lượng công ty niêm yết thuộc lĩnh vực bất động sản chiếm tỉ trọng khá lớn trên sàn. Do vậy, khi thị trường chứng khoán ấm lên thì tất nhiên doanh nghiệp ngành bất động sản sẽ hưởng lợi nhờ những hoạt động liên quan đến huy động vốn, giao dịch, đầu tư cổ phiếu, phát hành thuận lợi hơn. Từ đó, thị trường bất động sản cũng sôi động theo.
TS Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nhận định tổng thể nền kinh tế Việt Nam 8 tháng qua tăng trưởng tốt, lạm phát được duy trì ổn định là yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán và bất động sản. Đặc biệt, 2 tháng qua, lo ngại về những yếu tố tác động lên khả năng nhập khẩu lạm phát của Việt Nam ngày càng giảm cũng phần nào giúp việc điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa không còn căng thẳng. Đó là những yếu tố căn bản làm giảm áp lực bán trên thị trường chứng khoán cũng như bất động sản.
Theo TS Lê Đạt Chí, chính sách tài chính thận trọng có khả năng sẽ được hạn chế bớt và có thể kỳ vọng một chính sách nới lỏng hơn, nhất là chính sách tài khóa. Những dự án đầu tư công đang giải ngân chậm cũng có thể được đẩy nhanh trong những tháng cuối năm khi thị trường tin tưởng lãi suất không tăng và điều hành tín dụng phần nào linh hoạt hơn. "Nhà đầu tư sẽ tìm kiếm lợi nhuận trên nhiều thị trường khác nhau. Chứng khoán và bất động sản vẫn sẽ đem đến cơ hội cho các nhà đầu tư. Hai thị trường này có mối liên hệ mật thiết nên nhà đầu tư nào có nguyên tắc đa dạng hóa đầu tư có thể chuyển một phần lợi nhuận từ thị trường này sang thị trường kia" – TS Lê Đạt Chí phân tích. 
Chứng khoán Việt Nam có nhiều lợi thế
Chuyên gia tài chính – chứng khoán Lê Quang Minh nhận định mức giá của VN-Index hấp dẫn hơn so với các thị trường khác do đang được giao dịch tại mức định giá thấp và có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận. Bên cạnh đó, sau khi giảm mạnh từ đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam có đà hồi phục nhờ tăng trưởng GDP trong quý II đạt trên 7,7%, ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) đạt trên 15% và tăng trưởng EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) khoảng 17%. VN-Index được dự báo vận động trong vùng cân bằng 1.225 – 1.350 điểm.
 
SƠN NHUNG (theo NLĐ)

Bình luận (0)