Không chỉ đất đặc khu, đất ở TP.HCM, Hà Nội hay các đô thị lớn… mà đất vùng ven, vùng sâu, thậm chí ở những nơi hẻo lánh cũng tăng giá một cách không thể hiểu nổi.
Tờ rơi rao bán đất dán đầy các cột điện trên đường vào dự án sân bay Long Thành. ẢNH: LÊ LÂM
Nhiều người ví cơn sốt đất hiện nay như "sóng thần" quét khắp các tỉnh, thành… rủi ro rất lớn cho người lao vào sau.
Sốt đến cả vùng sâu – xa
Sáng 5.5 tại một quán cà phê ở Q.1 (TP.HCM), chị H. mở màn hình điện thoại với các lô đất được đánh số thứ tự, diện tích từ 1.000 – 2.000 m2 giới thiệu: "Đường vào thì chưa có đâu nhưng cách Mũi Né chỉ khoảng 10 km, cách sân bay Phan Thiết đang xây dựng khoảng 3 km thôi. Giá 300 triệu đồng/công… Dân Hà Nội đổ vào mua sỉ nên cũng gần hết rồi". 3 người bạn chị H. chấm 3 lô, mỗi lô 2.000 m2 mà không hỏi đất ở xã nào, huyện nào; chủ đất là ai; loại đất gì. Tấm bản đồ (thực chất chỉ là một miếng giấy kẻ ngang – dọc thành các ô hình chữ nhật được đánh theo số thứ tự) điền chi chít tên người mua. Sau khi báo cho chủ nhân ở Phan Thiết lô đất đã chọn, họ chuyển tiền đặt cọc 20 triệu đồng/nền và nhận lịch hẹn nửa tháng sau xuống Phan Thiết làm thủ tục sang tên sổ đỏ. Đến ngày 9.5, thông báo hết đất đã được đưa lên. Tấm bản đồ hiển thị số lớn nhất là 31. Nghĩa là chỉ trong 4 ngày, 31 lô đất đã có chủ. Đáng nói, mức giá "chốt" trong 4 ngày đó đã cao gấp đôi giá bán đợt 1 trước đó không lâu.
Tại khu vực xã Thiện Nghiệp, P.Mũi Né, Phú Hài (TP.Phan Thiết), xã Hồng Phong, Hòa Thắng (H.Bắc Bình, Bình Thuận) giá đất đang lên vùn vụt với dự án sân bay Phan Thiết (rộng 542 ha, nằm ở xã Thiện Nghiệp). Theo một số "cò" đất ở Thiện Nghiệp, giá đất mặt đường vào sân bay hiện nay khoảng 1,4 đến 1,6 tỉ đồng/sào (1.000 m2). Còn khu vực phía sau giá thấp nhất cũng phải 800 triệu đồng/sào. Toàn bộ là đất của người dân xã Thiện Nghiệp trồng điều (đất trồng cây lâu năm). Ông Trần Tú Minh, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Thiện Nghiệp, cho biết đa số người dân đã bán đất cho những người ở nơi khác đến từ một hai năm trước với giá rất rẻ. Các giao dịch chuyển nhượng hiện nay chủ yếu là các đầu nậu từ nơi khác đến.
An Viễn, một xã vùng sâu của H.Trảng Bom (Đồng Nai) giá đất tăng đến chóng mặt. Đoạn đường trung tâm xã An Viễn xưa nay đìu hiu giờ mọc lên cả trăm văn phòng giao dịch mua bán nhà đất. Giới thiệu với chúng tôi khu đất nông nghiệp trong quy hoạch khu dân cư có diện tích 5 sào (5.000 m2) nằm ngay đối diện nhà, Thắng, một môi giới, cho biết chủ đất đang kêu bán với giá 20 tỉ đồng, đã có khách trả giá 18 tỉ đồng mà chưa bán. "Đây là khu vực nằm sát KCN Giang Điền, vừa cách sân bay Long Thành chưa đến 20 km nên giá cao", Thắng lý giải. Khu đất này 2 năm trước trồng cây tràm, cũng chính "cò" Thắng dắt khách từ TP.HCM đến mua với giá không đầy 500 triệu đồng. Một năm sau, Thắng giới thiệu bán khu đất cho một khách khác cũng từ TP.HCM đến mua với giá 13 tỉ đồng và chỉ vài tháng, cũng khu đất này đã "đẩy" lên 20 tỉ đồng. Giá đất tại các xã vùng sâu của H.Cẩm Mỹ như Sông Nhạn, Thừa Ðức, Long Giao cũng tăng từ 30 – 60%. Ngoài việc gần sân bay Long Thành, thì thông tin H.Cẩm Mỹ sẽ làm KCN đã khiến giá đất ở đây tăng cao khi có nhiều nhà đầu tư về mua đất kiếm lời.
Không ai có thể tưởng tượng, đất ở các "xã" giờ đây cũng lên tới hàng chục tỉ đồng. 1 ha đất tại xã Đá Bạc (H.Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) có nơi giá trên 10 tỉ đồng; 1 ha đất ở Tóc Tiên (H.Tân Thành) có giá từ 10 – 15 tỉ đồng. Nhiều "cò" đất cho hay, người đến mua đất ở các huyện Châu Đức và Tân Thành chủ yếu là dân Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM.
Tại TP.Bà Rịa, giá đất phân lô tại xã Hòa Long, Long Tâm (khu vực gần Bệnh viện Bà Rịa) trong tháng qua cũng tăng chóng mặt. Nhiều dự án chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng đã có cả một lực lượng hùng hậu đứng ngoài đường kêu gọi khách đến xem, ký hợp đồng mua bán đất lô. Còn tại xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu), khi dự án lọc hóa dầu Long Sơn triển khai, giá đất tại xã đảo này cũng tăng đột biến. Thành ủy Vũng Tàu đã phải ra thông báo khuyến nghị người dân trong và ngoài địa phương có sự thận trọng cần thiết trong giao dịch chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại xã Long Sơn.
"Bỏng tay" với đất vùng ven
Từ 5 năm trở lại đây, TP.Hội An (Quảng Nam) là nơi chứng kiến giá đất tăng hằng ngày, đặc biệt đối với các khu vực ven biển và gần phố cổ – nơi thu hút lượng lớn du khách nước ngoài đến du lịch, nghỉ dưỡng. Khi dịch vụ lưu trú, chủ yếu là homestay bùng phát mạnh mẽ cũng là lúc giá đất tại khu vực biển An Bàng, Tân Thành (P.Cẩm An), biển Cửa Đại (P.Cửa Đại) tăng chóng mặt. Tại biển An Bàng nơi thuận tiện kinh doanh homestay với view hướng biển, hiện giá đất nhảy vọt lên 65 triệu đồng/m2. Xa phố cổ Hội An một chút, khu vực biển Tân Thành cũng được “hét giá” từ 22 – 25 triệu đồng/m2. Ở các dự án khu đô thị ven sông Cổ Cò (đoạn qua Cẩm An, TP.Hội An), những lô đất đã hoàn chỉnh hạ tầng, view hướng thẳng ra sông có giá từ 40 – 45 triệu đồng/m2, còn những lô đất vừa xa biển vừa xa sông nhưng qua tay các chuyên gia nhà đất được ví như nằm giữa “một bên sông một bên biển” có giá từ 24 – 25 triệu đồng/m2. Tại dự án Trảng Kèo (P.Cẩm Hà, TP.Hội An), giá đất xê dịch từ 20 – 25 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tại xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) nơi có rừng dừa nước Bảy Mẫu xanh mướt, giá đất chuyển nhượng cũng ào ạt tăng từ 7 – 10 triệu đồng/m2 lên 15 – 17 triệu đồng/m2.
Vòng xoáy giá đất cũng lan rộng đến các vùng ven, nơi mà trước nay giá đất vốn không ai để ý tới. Nói về giá đất các dự án bất động sản ở P.Điện Dương (TX.Điện Bàn), anh Nguyễn Tâm, một chuyên gia môi giới ở P.Điện Dương dùng từ “động vào phỏng tay” để nói về mức độ nóng của khu vực này. Như ở biển Hà My, giá 45 – 50 triệu đồng/m2; các lô đất dọc theo tuyến đường ven biển Đà Nẵng – Hội An thuộc địa phận P.Điện Dương cũng tăng từ 10 triệu lên 25 triệu đồng. Nhiều dự án đang trong giai đoạn san nền, nhưng “cò” đã tập trung hô hét giá lên trời.
Có bóng dáng dòng tiền ngoại ?
Quan sát và nghiên cứu rất kỹ thị trường bất động sản tại một số địa phương như Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong, chuyên gia bất động sản Huỳnh Phước Nghĩa nhận xét đất ở những khu vực này lên cơn sốt vì tiền đổ vào quá nhiều. Các nhà đầu tư, người dân mua đất như mua rau, mua vô tội vạ, giá nào cũng mua, hễ có đất là mua. “Người mua không sợ tăng giá, mua bất chấp, không biết được tiền từ đâu. Điều này đã ảnh hưởng giá kinh khủng khiếp đến các địa phương khác lân cận, thậm chí lan tỏa trên cả nước”, ông Nghĩa cho hay.
Một điều nữa liên quan đến “kỹ thuật” khi nhiều nhóm môi giới, các nhà đầu tư làm giá thông qua nhiều kênh, dẫn đến thị trường cứ chào giá tăng, chủ đất cũng chỉ chào giá bán tăng, làm cho thị trường sốt nóng. Thông tin giao dịch không minh bạch làm mọi người không biết được đâu là giá trị thật. “Đất tăng giá được phải có kết nối với các vùng phát triển như vùng kinh tế trọng điểm phía nam, khu vực Hà Nội hay những nơi được đầu tư hạ tầng tốt. Chứ hiện nay chỗ nào cũng tăng là rất vô lý. Những nơi không có cơ hội cũng ăn theo, tăng giá, tăng vô cùng khủng khiếp”, ông Nghĩa đặt vấn đề.
TS Bùi Quang Tín phân tích, thị trường bất động sản VN vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tâm lý, hùa nhau và đặc biệt là chịu chi phối nhiều bởi các chính sách hành chính. Liên quan đến tình trạng đất đai sốt nóng “vô tội vạ” khắp nơi, ông Tín cho rằng có bóng dáng của người Trung Quốc, nhất là ở các địa phương ráp ranh với Trung Quốc, những tỉnh có biển như Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc và những nơi gắn liền với các hoạt động du lịch. Họ vào VN du lịch, ở lại làm ăn mở khách sạn, các cửa hàng, nhà hàng… tạo thành các chuỗi liên kết giá trị chứ không phải mua đất mua nhà đơn thuần như người VN là làm của để dành. “Tôi cho rằng nguồn tiền từ Trung Quốc đổ vào VN quá nhiều. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm cho đất đai lên cơn sốt. Ngoài ra lượng vốn FDI chảy vào bất động sản rất lớn thời gian qua đã tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản phát triển”, ông Tín nói.
Đất Phú Quốc vẫn chưa hạ sốt dù đã có quyết định thanh tra
Theo ghi nhận, tại các dự án phân lô bán nền thuộc các ấp Bến Tràm, Cây Thông Ngoài, Cây Thông Trong (xã Cửa Dương, H.Phú Quốc) và một số dự án khác, lượng người môi giới đất đai không còn nườm nượp như trước. Một số bàn giao dịch “dã chiến” bên lề đường cũng đã dẹp bỏ, một số dự án cũng gỡ bỏ bảng hiệu.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Thanh Niên ngày 11.5, ông Võ Văn Lên, Giám đốc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai H.Phú Quốc (Kiên Giang), cho biết đất Phú Quốc vẫn chưa hạ sốt, chi nhánh vẫn tiếp nhận số lượng hồ sơ bình thường, không có dấu hiệu giảm so với trước đó.
Trong khi đó, ông Phí Quang Lưu, Phó trưởng phòng Công chứng số 2 (Phú Quốc), cho biết mỗi ngày phòng tiếp nhận khoảng 160 bộ hồ sơ công chứng đất đai, chẳng những không giảm mà còn tăng so với trước khi Phú Quốc có quyết định thanh tra của Chính phủ.
Nguyễn Trung
|
Theo Thanh Niên
Bình luận (0)