Nạn 'cát tặc' vẫn đang diễn biến phức tạp tại ĐBSCL dù chưa bao giờ việc kiểm tra khai thác cát trái phép lại được siết chặt như thời gian qua.
Sau những vụ sạt lở liên tục, lực lượng chức năng các tỉnh, thành ở ĐBSCL đồng loạt ra quân truy quét "cát tặc".
Kết quả là hàng trăm vụ vi phạm liên quan đến khai thác, vận chuyển cát trái phép tại Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre… đã bị xử lý. Tại Cần Thơ, trong hai tháng 4 – 5 thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý, Công an TP.Cần Thơ đã tổ chức 63 cuộc tuần tra kiểm soát trên sông Hậu, kiểm tra 122 trường hợp, phát hiện 55 trường hợp vi phạm, có 54 phương tiện với hơn 24.000 m3 cát đã bị lập biên bản tạm giữ. Trong đó, xử phạt hành chính 21 trường hợp với tổng số tiền trên 135 triệu đồng, tịch thu 1 phương tiện xáng cạp và hơn 5.000 m3 cát.
Tại Vĩnh Long, có thời gian chỉ trong 1 tuần, lực lượng chức năng đã bắt quả tang nhiều sà lan sắt có tải trọng “khủng” khai thác trái phép hàng trăm tấn cát trên các tuyến sông. Chỉ riêng thẩm quyền UBND tỉnh đã xử lý trên 50 trường hợp khai thác cát trái phép, có trường hợp phạt hành chính đến hàng trăm triệu đồng. Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long, tình hình vi phạm trong khai thác cát trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, chủ yếu trên sông Cổ Chiên, sông Tiền, sông Hậu. Ông Phạm Văn Tuấn, Chánh thanh tra Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Việc khai thác cát trái phép đã làm thất thoát nguồn tài nguyên, tác động xấu đến môi trường, gây sạt lở, ảnh hưởng đến đê kè các công trình ven sông và đời sống sinh hoạt của nhân dân”.
Tương tự ở Bến Tre, đại tá Phạm Văn Ngót, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Bến Tre, cho biết trong đợt cao điểm xử lý cát tặc từ ngày 21.4 đến nay, lực lượng chức năng đã truy bắt, xử phạt 190 vụ với số tiền hơn 1,7 tỉ đồng, tịch thu 4 phương tiện khai thác trái phép.
Theo ông Lâm Quang Thi, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trước dư luận bức xúc tình trạng khai thác cát gây sạt lở, UBND tỉnh đang xem xét đưa công nghệ vào ứng dụng theo dõi các phương tiện khai thác cát. Theo đó, các phương tiện khai thác trên địa bàn sẽ được gắn thiết bị định vị trong phạm vi được khai thác, phương tiện nào vi phạm đi khai thác ngoài luồng bị xử lý hay tịch thu; ngoài ra gắn camera trên các phương tiện khai thác giám sát hoạt động khai thác cát, thời gian hoạt động phải tuân thủ đúng từ 6 – 18 giờ trong ngày. “Với ứng dụng này, tỉnh vừa quản lý được khai thác cát, vừa kiểm tra được lượng cát khai thác không để nguồn cát bị thất thu”, ông Thi nói.
Ông Trần Hoàng Tựu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Trước tình hình khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp như hiện nay, tôi đã ký ban hành văn bản về việc tăng cường quản lý nhà nước và phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông. Trong đó có phân công công việc rõ ràng đến từng cơ quan. Địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm".
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)