Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bất hợp lý trong việc phân công chuyên môn

Tạp Chí Giáo Dục

Theo nhiều giáo viên, việc phân công chuyên môn như hiện nay sẽ không tránh khỏi chất lượng dạy – học bộ môn ngữ văn được đảm bảo, ảnh hưởng đến tâm thế của người dạy. Ảnh: A.K

So với tất cả các môn học ở bậc THCS hiện nay, thì môn ngữ văn có số tiết nhiều nhất, lại nhiều phân môn nhất. Cụ thể, từ lớp 6 đến lớp 8 một tuần học 4 tiết, riêng lớp 9 một tuần học 5 tiết.

Môn ngữ văn có 3 phân môn là Tập làm văn, Tiếng Việt và Văn học. Mỗi tiết dạy giáo viên phải soạn một thiết kế bài giảng (giáo án). Một giáo viên dạy một khối lớp thì một tuần phải soạn 4 thiết kế bài giảng, nếu dạy hai khối lớp thì phải soạn 8 thiết kế bài giảng, nếu dạy khối lớp 9 thì soạn thêm 1 thiết kế bài giảng nữa.

Một thực tế không thể phủ nhận và rất khó cho giáo viên dạy bộ môn ngữ văn theo chương trình đổi mới hiện nay là phải thay đổi theo cách soạn và cách dạy, thứ hai là chương trình thay sách có phần nội dung kiến thức mới đòi hỏi người dạy phải cập nhật. Mặt khác tính liên thông theo chu kỳ đồng tâm, mở rộng đòi hỏi giáo viên phải nắm toàn bộ chương trình của một bậc học nên cần có thời gian nghiên cứu, học hỏi, đọc sách giáo khoa, sách giáo viên, sách tham khảo, sách thiết kế bài dạy trong toàn bậc học nhằm tìm tòi để cập nhật kiến thức, do đó đòi hỏi giáo viên phải có quỹ thời gian nhất định. Thế nhưng hiện nay việc phân công chuyên môn bộ môn ngữ văn ở không ít trường chưa chú trọng đến việc tạo điều kiện thời gian cho giáo viên đầu tư dạy tốt. Đó là phân công giáo viên dạy cả hai khối lớp. Hiện nay, soạn giảng 1 tiết dạy, nếu giáo viên nhiệt tình lắm, đọc sách, nghiên cứu, định hướng, hình thành dàn ý rồi tạo lập văn bản bài giảng phải mất một buổi mới có 1 thiết kế bài giảng được gọi là tạm ổn nên giáo viên dạy hai khối lớp thì thời gian đâu soạn giảng 8 đến 9 thiết kế bài giảng trong 1 tuần. Ấy là chưa kể giáo viên đã dạy hai khối rồi mà còn dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, dạy tự chọn, dạy cả môn giáo dục công dân thì phải thêm nhiều thiết kế bài giảng nữa. Đó là chưa kể có khi phải kiêm nhiệm các công tác khác như nhóm trưởng, tổ trưởng… thì thời gian, sức lực đâu họ soạn giảng chất lượng được, chưa kể việc chấm bài và trả bài nữa. Trong khi đó theo nhu cầu dạy học bằng công nghệ thông tin hiện nay thì giáo viên phải dạy học giáo án điện tử mà việc soạn giáo án điện tử rất phức tạp, tốn rất nhiều thời gian nên việc phân công dạy hai khối lớp ở bộ môn ngữ văn khó tránh khỏi chất lượng soạn giảng không được đảm bảo, vì họ không đủ thời gian, đầu óc nghĩ ra cách soạn bài tốt và cách dạy tốt được. Đã phân công như thế rồi mà có khi ban giám hiệu phân công họ dạy cả ngày thì hỏi làm sao giáo viên bộ môn dạy tốt được.

Nên chăng ngành chủ quản cần có hướng chỉ đạo các trường học nên phân công giáo viên dạy bộ môn ngữ văn chỉ dạy một khối lớp nhằm giúp họ có điều kiện tìm hiểu chuyên sâu hơn để mà dạy tốt hơn. Nếu không thì việc phân công chuyên môn như hiện nay sẽ không tránh khỏi chất lượng dạy – học, giáo dục bộ môn ngữ văn không đảm bảo, ảnh hưởng đến tâm thế của người dạy. Từ đó việc đổi mới ở bộ môn ngữ văn khó đạt hiệu quả như mong muốn của ngành, của toàn xã hội.

Nguyễn Văn Tú

Bình luận (0)