Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

“Bắt” kiến nhả dịch lấy trầm

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Trương Thanh Khoan bên sản phẩm trầm cảnh
17 năm lặn lội nơi rừng sâu, núi thẳm để tìm trầm, có những lúc phải cận kề với cái chết để rồi cuối cùng ông chiêm nghiệm ra được một lối đi. Đó là trầm không ở đâu xa mà ngay chính tại mảnh vườn nhà mình. Tự nghiên cứu, tìm hiểu công thức pha chế phẩm kết hợp với dịch từ kiến thải ra, ông Trương Thanh Khoan (ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) đã có được phương pháp tạo trầm hương trên thân cây dó vừa năng suất lại vừa đạt chất lượng cao.
Thời điểm năm 2000, cây dó dọc khắp các cánh rừng Đông Nam bộ, Tây Nguyên trở nên khan hiếm bởi tình trạng săn trầm bừa bãi khiến trầm không còn nhiều như những năm trước đó. Các phu trầm bấy giờ bắt đầu mở rộng sang các cánh rừng miền Trung, thậm chí sang Lào để tiếp tục tìm kiếm vận may đổi đời, thoát nghèo nhờ trầm. Ông Khoan cũng nằm trong hoàn cảnh ấy, nhưng nghĩ đến cảnh 17 năm cơm đùm cơm nắm, lội suối bám rừng hết ngày này sang tháng khác, ốm đau, bệnh tật chưa kể gặp côn trùng độc, thú dữ… hết sức nguy hiểm mà trầm kiếm được chỉ là vài miếng nho nhỏ, ông đành quay về góp nhặt số tiền ít ỏi bao năm mua dó về trồng để tự tạo trầm.
Gian nan không bất mãn
Đợi cây dó lớn độ 4 tuổi, ông khoan lỗ trên thân, sau đó trực tiếp bơm dung dịch axít H2SO4 kết hợp thuốc diệt cỏ Gamasol và một số loại hóa chất khác vào lỗ khoan. Cây dó sẽ tiết ra nhựa, bao quanh vết thương, theo đó các tế bào gỗ vừa tích tụ nhựa nhưng đồng thời bị phân hóa mất chất gỗ, lâu ngày sẽ tích tụ thành trầm hương, kỳ nam. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn áp dụng biện pháp này, lớp vỏ lụa, phần gỗ của cây bị ăn mòn, dần phân hủy, trầm không được tạo ra, ngược lại cây suy yếu, chết hàng loạt. Riêng cây còn sống, trầm khai thác mới chỉ ở dạng tóc, giá trị không cao, mùi hương không thơm, tỏa ra mùi hắc khó chịu do ảnh hưởng của dư lượng hóa chất chưa phân hủy hết. Nghĩ đến cảnh trước đây lên rừng tìm trầm thất bại, nay tạo trầm nhân tạo cũng không thành, ông vô cùng thất vọng.

 

Quyết tâm không bỏ ngang, ông cho rằng phải có cách gì đó. Thiết nghĩ, trầm được tạo ra từ các vết thương, dưới kích thích của các hóa chất. Tuy nhiên do hóa chất độc hại nhiều khiến cây chết, vậy tại sao mình không thử bằng những chất khác, không độc hại. Trả lời câu hỏi ấy, ông mạnh dạn loại bỏ dung dịch axít, thuốc diệt cỏ thay vào đó là phương pháp vi sinh lên men, cộng với một số chủng vi khuẩn, một số chất hữu cơ, chất kích thích tăng trưởng, chất điều hòa sinh trưởng… và thử nghiệm ngay trên vườn dó nhà mình. Chế phẩm vi sinh an toàn khiến cây không chết, có tác động đến sự hình thành, tạo trầm. Cứ tưởng thành công nhưng ngặt nỗi, trầm tạo ra lại không còn nhiều mùi thơm, trong khi đó mùi thơm lại là cái quý nhất của trầm. Suy đi tính lại, nhiều đêm trằn trọc mà ông vẫn chưa tìm được biện pháp cải thiện.
Trong hoàn cảnh này, ông đã nghĩ đến nước từ bỏ. Nhưng nếu bỏ thì công sức, tiền bạc bao năm xem như đổ hết xuống sông biển… khiến ông chần chừ. Bất chợt một hôm rong ruổi trong vườn, ông phát hiện thân một cây dó bị kiến làm tổ, trong tổ kiến tiết ra một thứ dịch giống mật mía, có mùi thơm. Đặc biệt các đường vân gỗ quanh tổ có dầu trầm, đen bóng. Ông nhanh tay nạo thử mảnh nhỏ đem đốt thì nghe mùi hương trầm ngào ngạt. Phỏng đoán dịch kiến là yếu tố góp phần tạo trầm, ông quyết định lội ngược vào rừng bắt kiến về nuôi, dẫu trước đó ông từng nghĩ chẳng bao giờ đặt chân lên rừng lần nữa. Một số người nghe tin thì cười, không tin vào khả năng của kiến, chê ông dở hơi nhưng ông vẫn làm.
Gần 1 tuần ở lì trong rừng chỉ để quan sát đường đi nước bước và thức ăn của kiến, ông Khoan nắm bắt được cuộc sống của chúng và quyết định bắt thử vài tổ về nuôi chỉ để lấy dịch. Ông chia sẻ, dịch kiến được trộn vào chế phẩm vi sinh sau cùng giúp cây dó tạo trầm khá nhanh, đặc biệt có mùi hương như trầm tự nhiên. Trước thành công do kiến đem lại, ông bắt đầu nhân rộng đàn kiến lên đến hàng triệu con.
Tỷ phú trầm từ nuôi kiến

Sau 9, 10 tháng bơm chế phẩm vào lỗ khoan, trầm có thể được thu hoạch

Tạo chế phẩm vi sinh trộn với dịch kiến để kích thích cây dó cho ra trầm hương là cái cách riêng của ông. Song biện pháp kỹ thuật tạo trầm trên thân cây của ông cũng khoa học không kém. Lấy chế phẩm tổng hợp bơm đầy vào các mũi khoan trên thân cây (mũi khoan cách lõi từ 5-8cm, tùy vào cây to nhỏ), sau đó ông để thoáng các mũi khoan giúp các bào tử của vi sinh phát tán mọc kín lỗ khoan. Cũng trong thời gian này, ông tuyệt đối không bón phân đạm để cây bị ức chế sinh trưởng, cành lá không phát triển, từ đó tất cả dầu trầm tập trung tích tụ bao quanh vết thương tạo trầm hiệu quả. Dó khi được tác động tạo trầm nhưng vẫn xanh tốt, không có hiện tượng rụng lá, ông tiếp tục bơm thêm thuốc lần 2 sau lần 1 khoảng 15 ngày. Đợi 9-10 tháng, dầu trầm đã tích tụ, ông tiến hành sủi trầm. “Phương pháp này giúp trầm được tạo ra từ dưới gốc lên đến các cành cây, mang đến số lượng nhiều, chất lượng cao bởi nhiều tinh dầu và có mùi thơm”, ông Khoan cho biết.
Ông bật mí thêm, muốn chất lượng trầm cao thì kéo dài thời gian tạo trầm, nên tạo trầm vào mùa nắng, khô ráo.
Nhiều lần phía Thái Lan, Trung Quốc thuyết phục ông Khoan bán lại công thức tạo chế phẩm với giá hàng triệu USD nhưng ông Khoan quyết định giữ riêng cho mình như một bí quyết.
Trầm hương vốn có giá trị về mặt y học, về phong thủy, trang sức mỹ nghệ… Kể từ khi tạo trầm nhân tạo thành công với những phương pháp kỹ thuật riêng, không độc hại, chất lượng cao, khách mua đến từ Bắc chí Nam, thậm chí khách ở nước ngoài như Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản cũng tìm đến đặt mua. Hiện tại gia đình ông có 7 héc ta dó với khoảng 3.000 cây đang ở độ tuổi thu hoạch, mang về hàng tỷ đồng mỗi năm. Ngoài cách khai thác thông thường là sủi bỏ gỗ, thu lại từng miếng trầm ông Khoan còn tạo dáng cây trầm kiểng. Loại này dùng làm cảnh, trưng bày theo phong thủy nên nhiều người thích thú, giá vài triệu đến vài chục triệu đồng, tùy vào hình dáng, điểm tích tụ trầm và màu sắc, hương thơm trầm. Riêng đối với những thớ gỗ dó tạo trầm kém chất lượng, ông bỏ vào máy xay nhỏ, ngâm ủ, chưng cất lấy tinh dầu để làm dược liệu chữa bệnh, phục vụ công nghiệp mỹ phẩm.
Ngọc Trinh
Chế phẩm kích thích tạo trầm trên thân cây dó ông Khoan tạo ra đã giúp ông đạt giải nhất giải pháp Chế phẩm vi sinh kích thích cây dó để tạo trầm hương của Hội đồng Kỹ thuật Đồng Nai và được UBND tỉnh Đồng Nai khen tặng vào năm 2012. Năm 2013, ông đạt chứng nhận nhà sáng chế, giấy chứng nhận sản phẩm tin cậy của Trung ương Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Tháng 6-2014, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học Công nghệ đã công nhận bằng độc quyền sáng chế cho ông.
 
 

Bình luận (0)