Y tế - Văn hóaThư giãn

Bất lực trước sai phạm?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sai phạm của Lưu Thị Diễm Hương – Hoa hậu Thế giới người Việt (HHTGNV) 2010 – khi khai man lý lịch để qua mặt cơ quan chức năng cấp phép cho mình đi thi Hoa hậu Hoàn vũ 2012 đã quá rõ.

Thế nhưng, đến nay, cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn đơn vị tổ chức cuộc thi HHTGNV 2010, những nơi có quyền hạn và trách nhiệm xử lý, đang đùn đẩy cho nhau.
Khi vụ việc bị phanh phui trên công luận, với tư cách là đơn vị tổ chức cuộc thi HHTGNV 2010, Công ty Cổ phần Vinpearl cho rằng hành vi không trung thực của bà Lưu Thị Diễm Hương đã vi phạm quy định Quy chế Tổ chức thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp ban hành kèm theo Quyết định 87/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30-12-2008 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL)  cũng như quy chế của cuộc thi HHTGNV 2010, làm ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu của cuộc thi này.
 
Dù không bị tước, danh hiệu hoa hậu của Diễm Hương không còn giá trị với công chúng. (nguồn: Tư Liệu)
Với quan điểm công bằng, nghiêm túc và nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, Công ty Cổ phần Vinpearl cho rằng cần phải có những biện pháp xử lý từ ban tổ chức (BTC) cuộc thi HHTGNV 2010 đối với sai phạm của bà Lưu Thị Diễm Hương. Vì thế, công ty đã sớm có công văn gửi Cục Nghệ thuật Biểu diễn xin hướng dẫn chỉ đạo xử lý vi phạm của HHTGNV 2010 Lưu Thị Diễm Hương vào ngày 21-3. Công ty Cổ phần Vinpearl viện dẫn Quy chế 87 đã bị hủy bỏ bởi Nghị định 79/2012/NĐ-CP (NĐ 79), cũng như các văn bản hiện hành không có quy định, hướng dẫn cụ thể nào về trình tự thủ tục tước danh hiệu của thí sinh đoạt giải tại cuộc thi hoa hậu như HHTGNV nên chưa có cơ sở pháp lý cụ thể để xử lý đối với hành vi vi phạm của bà Lưu Thị Diễm Hương.
Ngày 26-3, Cục Nghệ thuật Biểu diễn có công văn phúc đáp, hướng dẫn Công ty Cổ phần Vinpearl chiếu theo quy định về nhiệm vụ của BTC cuộc thi HHTGNV 2010 tại đề án tổ chức cuộc thi đã được Bộ VH-TT-DL thông qua ngày 14-4-2010: “BTC cuộc thi có trách nhiệm đề xuất xin ý kiến cơ quan cấp phép trước khi xử lý vi phạm của thí sinh đoạt giải”. Vì vậy, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đề nghị Công ty Cổ phần Vinpearl và BTC cuộc thi này “đề xuất hình thức xử lý nghiêm khắc đối với bà Lưu Thị Diễm Hương theo đúng thẩm quyền”.
Sau khi nhận được công văn này, đơn vị tổ chức cuộc thi HHTGNV 2010 lại có Công văn 40/CT/2014 gửi Cục Nghệ thuật Biểu diễn nêu rõ: “Trong đề án cuộc thi lại không có quy định cụ thể các hình thức kỷ luật mà BTC cuộc thi được quyền áp dụng khi có thí sinh vi phạm”. Vì vậy, đơn vị tổ chức cuộc thi này lại phải “xin ý kiến và hướng dẫn cụ thể về các biện pháp xử lý cũng như thủ tục thực hiện liên quan đến vi phạm của hoa hậu Diễm Hương để giúp BTC cuộc thi có thể áp dụng nhằm bảo đảm đúng pháp luật”, theo công văn.
Trước đây, Quy chế Tổ chức thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp ban hành kèm theo Quyết định 87/2008/QĐ-BVHTTDL quy định trách nhiệm, quyền hạn của Bộ VH-TT-DL tại các khoản 4 và 5, điều 11: “Đình chỉ, thu hồi quyết định cho phép tổ chức cuộc thi hoa hậu khi đơn vị tổ chức vi phạm quy định của quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan, gây hậu quả xấu”; “Tước danh hiệu hoa hậu của thí sinh đạt giải khi thí sinh vi phạm quy định của quy chế này và các quy định của pháp luật khác có liên quan, gây hậu quả xấu”.
Nhưng đáng tiếc, khi NĐ 79 của Chính phủ (về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu; lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu) ban hành đã quy định bãi bỏ Quyết định 87. Trong khi đó, nghị định này lại không quy định biện pháp xử lý trường hợp sai phạm như từng quy định trong quy chế bị bãi bỏ.
Lỗ hổng trong văn bản pháp luật đã khiến cơ quan quản lý là Bộ VH-TT-DL, Cục Nghệ thuật Biểu diễn lúng túng trong xử lý sai phạm, cụ thể là vụ hoa hậu Diễm Hương.
Quả bóng trách nhiệm xử lý hoa hậu Diễm Hương sẽ cứ đá qua đá lại, chẳng biết rồi sẽ đá vào đâu khi cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn đơn vị tổ chức cuộc thi đều không có cơ sở pháp lý để căn cứ xem xét xử lý.
Dù chiếc vương miện của Diễm Hương không bị cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị tổ chức cuộc thi tước nhưng danh hiệu hoa hậu ấy cũng không còn giá trị gì đối với công chúng. Vấn đề đáng nói ở đây là lỗ hổng thể hiện sự yếu kém về mặt quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Lần đầu tiên, cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị tổ chức cuộc thi đành bất lực trước “sai phạm nghiêm trọng” – như đánh giá của ông cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn – của một đương kim hoa hậu.
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)