Dừng sai vạch, một trong những lỗi thường gặp bởi người tham gia giao thông |
Năm nay, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai thi công cải tạo hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông, do đó tình hình giao thông trở nên phức tạp. Dự báo sắp tới đây, người dân khi ra đường sẽ phải lưu thông với tốc độ của người đi bộ và các hành vi vi phạm giao thông có khả năng gia tăng. Đây là nhận định của nhóm tác giả đề tài Nghiên cứu hành vi ứng xử trong an toàn giao thông đường bộ thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa qua.
Chủ yếu là lỗi hành vi
Kết quả nghiên cứu cho thấy, 65% lỗi vi phạm thuộc về lỗi hành vi. Trong đó, dẫn đầu vi phạm là lỗi lưu thông không đúng phần đường. Kế đến là lỗi đậu dừng không đúng quy định; lỗi lưu thông ngược chiều, vượt đèn đỏ và lỗi lưu thông vào đường cấm, giờ cấm. Tỷ lệ vi phạm bình quân của nam giới là 2,2 lần/năm, gấp đôi nữ giới (1,1 lần/năm). Những người trẻ tuổi thường vi phạm nhiều hơn người lớn tuổi. Lỗi do đi nhanh, đi tắt gây vi phạm giao thông chiếm nhiều nhất. Thói quen lấn tuyến, chở nhiều người và nguyên nhân biển báo bị che khuất tầm nhìn cũng chiếm đáng kể.
Công an TP.HCM thống kê các nguyên nhân gây vi phạm giao thông thường do thói quen “chen lấn” khi tham gia giao thông (chiếm đến gần 92% tổng số vụ vi phạm); hạ tầng kỹ thuật đường sá xuống cấp, nhiều ổ gà, lồi lõm phải tránh; lòng đường chật hẹp, mật độ lưu thông quá lớn. Hiện TP.HCM quỹ đất dành cho giao thông vẫn còn quá thấp (chỉ 6%) trong khi nhu cầu thực tế cần khoảng 20%. Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường phổ biến ở nhiều quận nội thành, quận 1 (39 điểm), quận 3 (đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Thông…), quận 5 (đường Nguyễn Văn Cừ, Trần Phú…). Nhiều bãi giữ xe tư nhân dựng ngay trên lề đường vẫn chưa thể dẹp, xe gắn máy chiếm lối đi của người đi bộ. Hàng trăm khu đô thị mới được xây dựng trong thời gian qua, thu hút hàng nghìn hộ gia đình đến sinh sống nhưng chủ đầu tư hầu như ít quan tâm đến hạ tầng cơ sở (đường giao thông, hệ thống cấp – thoát nước bên ngoài khu đô thị) là mối lo gây ách tắc giao thông.
Cần xây dựng “văn hóa giao thông”
Thượng tá Võ Văn Vân (Phó trưởng phòng CSGT TP.HCM) nhấn mạnh việc tập trung xây dựng “văn hóa giao thông” như một trong những hướng giảm thiểu vi phạm. Ông Vân cũng nhận định, tuy số vụ ùn tắc và vi phạm giao thông thường tập trung ở những nơi “vắng” cảnh sát giao thông nhưng không phải cứ căn cứ trên số lượng xe đông mà tăng cường số lượng cảnh sát giao thông cho tương ứng. Vì TP.HCM tăng khoảng 1.000 xe/ngày, thời gian đào tạo một cảnh sát giao thông cũng không dưới hai năm. Thay vào đó, tăng cường sử dụng khoa học kỹ thuật hỗ trợ (đặt camera quan sát) và phân nhóm cảnh sát giao thông hoạt động cho hiệu quả.
Phó chủ tịch UBMTTQ TP.HCM Lê Hiếu Đằng đề nghị bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, nên chú trọng hình thức phạt giữ phương tiện người vi phạm vì phạt kiểu này hiệu quả hơn phạt hành chính. Đại diện Liên đoàn Lao động TP.HCM cũng nhìn nhận rằng việc tuyên truyền luật lệ giao thông bằng hình thức phát tờ rơi, tờ bướm thời gian qua không tạo được hiệu quả thiết thực và không nhận được hưởng ứng từ giới công nhân. Ông Trần Quốc Hùng (Ban ATGT) cùng nhận định: “Các giải pháp tuyên truyền hiện nay còn nặng kiểu “trích luật”, chưa bình dân lắm khiến người dân khó hiểu, khó nhớ. Dự kiến trong thời gian tới sẽ tiến hành thí điểm việc thay băng-rôn treo ngoài đường và hình thức phát tờ rơi, tờ bướm bằng đĩa VCD. Đĩa này dựa trên 5 nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông để tạo nên những tình huống tuyên truyền giáo dục người dân. Kế hoạch này sắp tới được trình lên UBND TP.
M.T
Bình luận (0)