Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bất mãn vì sự độc đoán

Tạp Chí Giáo Dục

Môi trường sư phạm cần được tôn trọng, giữ gìn và tạo ra một hình ảnh đẹp (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: H.Triều

1. Năm học 2013-2014, hiệu trưởng trường tôi chuyển công tác về đơn vị khác, phó hiệu trưởng được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Năm học đó Sở GD-ĐT tổ chức thi giáo viên (GV) giỏi cấp thành phố. Trường tôi có hai GV là cô N. và cô H. đủ tiêu chuẩn để đi thi nhưng chỉ được chọn một trong 2. Cô N. là một GV trẻ, năng động, 5 năm công tác trong ngành. Cô H. là một GV kinh nghiệm lâu năm, hơn 15 năm trong ngành. Hiệu trưởng tổ chức cho hai cô lên tiết, tập thể GV cùng dự, nhận xét và bình chọn một người đi thi cấp thành phố. Khi hai cô lên tiết xong, tập thể GV nhận xét như sau: Cô N. vận dụng được các phương pháp kích thích tính tích cực của học sinh, đặt ra nhiều câu hỏi kích thích các em tư duy, sáng tạo. Tuy nhiên do đặt câu hỏi cho học sinh tư duy trả lời nên đôi lúc không đúng trọng tâm bài học làm cho GV phải tốn nhiều thời gian để giải quyết. Còn cô H. vận dụng phương pháp chủ đạo là truyền thụ kiến thức cho học sinh. Nội dung bài học được cung cấp đầy đủ, đúng tiến trình. Bài giảng không bị dàn trải. Qua nhận xét đánh giá, mọi người thống nhất chọn cô H. Nhưng sau đó hiệu trưởng lại quyết định chọn cô N. tham dự cuộc thi GV giỏi cấp thành phố. Vì năm học đó tiêu chí của cuộc thi là GV phải vận dụng được các phương pháp kích thích tính tư duy tích cực, sáng tạo của học sinh. Cô H. là một GV giỏi lâu năm, nhiều kinh nghiệm được đồng nghiệp tín nhiệm song không được hiệu trưởng chọn nên cảm thấy bất mãn và một thời gian không lâu sau đó, cô đã chuyển công tác qua trường khác.
2. Xét về góc độ quản lý trong tình huống trên, thứ nhất hiệu trưởng chưa đảm bảo nguyên tắc chú trọng đến yếu tố con người. Hiệu trưởng giải quyết công việc chỉ biết đến mục tiêu trước mắt là chọn được đúng người mà chẳng để ý đến tâm lý của người khác. Ở đây, cô H. là một GV giỏi lâu năm, nhiệt tình trong công tác, thế nhưng qua cách xử lý của hiệu trưởng đã biến cô H. trở nên thụ động, hết nhiệt huyết và bất mãn với cách làm việc của hiệu trưởng. Thứ hai, hiệu trưởng là người có phong cách độc đoán, quan liêu. Mặc dù hiệu trưởng đã tổ chức cho hai cô lên tiết thi với nhau và yêu cầu hội đồng sư phạm nhà trường dự, góp ý, chọn ra người tốt hơn. Song khi kết quả chọn không như ý, hiệu trưởng đã tự ra quyết định chọn cô N. là thiếu khách quan, chưa đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Hiệu trưởng muốn đảm bảo sự chỉ huy thống nhất nhưng cách xử lý như trên lại không đúng đắn, thiếu dân chủ dẫn đến hậu quả không tốt trong mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới; từ đó dẫn đến sự bất mãn của GV, gây mất đoàn kết trong nội bộ nhà trường. Thứ ba, hiệu trưởng cũng chưa đảm bảo nguyên tắc khoa học khi giải quyết công việc. Việc tự ra quyết định chọn cô N. cho thấy ngay từ đầu hiệu trưởng đã không vạch ra được mục tiêu rõ ràng và cụ thể, vì hiệu trưởng không đưa ra tiêu chí của cuộc thi trước khi hai cô lên tiết và trước khi hội đồng sư phạm dự giờ để chọn ra người thích hợp. Thứ tư, hiệu trưởng cũng chưa vận dụng tốt quan điểm phát triển, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt: Đưa cô N. đi thi sẽ phù hợp với tiêu chí cuộc thi và sẽ có cơ hội đạt giải cao, đem tiếng thơm về cho trường. Song việc chọn cô N. cũng làm cho cô H. bất mãn, tập thể GV cảm thấy không được tôn trọng, từ đó dẫn đến việc nội bộ nhà trường mất đoàn kết, GV giỏi lâu năm không gắn bó với trường nữa.
3. Để giải quyết tình huống trên một cách có hiệu quả thì hiệu trưởng cần giải quyết theo trình tự như sau: Trong hội đồng sư phạm nhà trường, hiệu trưởng cần thông báo cho tập thể biết về nội dung, tiêu chí chọn GV giỏi tham gia cuộc thi. Sau đó mới yêu cầu hai GV đủ điều kiện tham gia cuộc thi lên tiết theo tiêu chí đã thông báo và yêu cầu tập thể GV dự giờ nhận xét, chọn ra người phù hợp theo tiêu chí trên. Làm như vậy hiệu trưởng sẽ đảm bảo nguyên tắc chú trọng đến yếu tố con người và nguyên tắc tập trung dân chủ. Tiếp theo, trong buổi họp hội đồng sư phạm gần nhất, hiệu trưởng cho GV nhận xét, góp ý hai tiết dạy của cô N. và cô H. Sau đó cho bỏ phiếu chọn GV lên tiết có phần tốt hơn đi thi, GV được đa số phiếu chọn sẽ tham gia cuộc thi GV giỏi cấp thành phố. Bằng những trình tự giải quyết sự việc như thế, hiệu trưởng sẽ đảm bảo tính khoa học và dân chủ.
Xét cho cùng, quyết định của nhà quản lý giáo dục không được độc đoán, quan liêu. Nên nhìn nhận môi trường sư phạm là một môi trường cần tạo được sự tôn trọng, gìn giữ và tạo ra một hình ảnh đẹp. Các hiện tượng trù dập, bất công hay bất kỳ biểu hiện tiêu cực nào khác có thể là bình thường khi xảy ra ở môi trường khác nhưng không thể xem là bình thường ở môi trường giáo dục. Do đó, với các nhà quản lý cần gương mẫu, công bằng, công khai, dân chủ và cố gắng không để xảy ra các hiện tượng gây bất mãn và mất đoàn kết nội bộ làm ảnh hưởng xấu đến danh dự của nhà trường.
Nghiêm Ý – Bùi Thị Hường

Bình luận (0)