Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Bật mí” bốn cách giúp bạn đưa ra các quyết định gây ảnh hưởng

Tạp Chí Giáo Dục

Chúng ta nên thừa nhận rằng không ai có thể nhìn thế giới một cách hoàn hảo. Bạn muốn đưa ra quyết định chính xác hơn và gây ảnh hưởng tới nhiều người hơn?

Trang Inc.com gợi ý 4 cách mà bạn có thể áp dụng.

1. Theo dõi những người chia sẻ quan điểm khác biệt trên mạng xã hội

Thông thường, nhiều người hay hủy kết bạn với những người bất đồng chính kiến với mình, nhưng chúng ta nên làm ngược lại.

Để mở rộng tầm nhìn, hãy tiếp nhận cả những quan điểm khác biệt. Thậm chí, chúng ta nên cố gắng hiểu người tranh luận với mình. Điều đó không có nghĩa là thay đổi quan điểm của mình, mà ngược lại, việc này sẽ giúp củng cố quan điểm của chúng ta.

Góc nhìn của bạn sẽ trở nên phong phú hơn khi chúng ta hiểu vì sao những người khác lại đưa ra quan điểm đối lập. Thậm chí, nếu bạn không đồng ý, khả năng liên hệ và gây ảnh hưởng tới người khác cũng sẽ tăng lên khi bạn chấp nhận sự khác biệt.

2. Cảm thông với người khác

Phản ứng đầu tiên của chúng ta nghe thấy những ý kiến trái chiều với mình là phản đối ngay lập tức hoặc thách thức lại. Tuy nhiên, khả năng ảnh hưởng tới những người khác không chỉ dựa trên việc bạn thắng hay thua trong một cuộc tranh luận, mà còn phụ thuộc vào việc đối phương có tin tưởng chúng ta đã hiểu quan điểm của họ hay không.

Mỗi người mà bạn tiếp xúc đều có những quan điểm riêng, dựa trên kinh nghiệm và cảm xúc khác nhau, và thông thường, hành vi của mỗi người bị dẫn dắt bởi những điều họ tin tưởng hơn là bởi logic.

Trước khi phản ứng, hãy tự hỏi bản thân: "Tại sao người này lại khăng khăng ý kiến đó?." Nên tiếp cận với mọi người từ góc độ cảm thông và thấu cảm tại sao họ suy nghĩ và hành động như vậy.

Sau khi tìm ra những điều bạn và họ có cùng quan điểm, bạn có thể bắt đầu gây ảnh hưởng tới người khác, dẫn tới sự hiểu biết sâu sắc hơn.

3. Tìm kiếm phản hồi từ những người có quan điểm khác biệt

Khi bạn nghĩ đến các quan điểm, cách tiếp cận và sự thay đổi trong tổ chức, hãy để ý đến những người có kinh nghiệm, nền tảng và quan điểm khác biệt. Hãy kiểm tra quan điểm của bạn bằng việc giải thích cách tiếp cận của bạn cho những người khác, rồi xem họ phản ứng ra sao.

Hãy chia sẻ quan điểm với đồng nghiệp, cấp dưới và đặc biệt là các chuyên gia trong từng lĩnh vực. Bạn sẽ không bị "mất" quan điểm khi bạn chia sẻ, ngược lại bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ và đồng tình.

Hãy cởi mởi với việc thay đổi quan điểm khi bạn nhận được những lời góp ý.

Các ý tưởng tuyệt vời không phải lúc nào cũng là những ý tưởng tốt nhất hay có tính đột phá nhất. Ý tưởng tuyệt vời thường chỉ là ý kiến phổ biến nhất. Ý kiến của bạn sẽ nhận được sự ủng hộ của đa số nếu như bạn lắng nghe những phản hồi tích cực. Mọi người sẽ dễ chấp nhận ý tưởng của bạn hơn nếu như bạn cho họ cơ hội để cân nhắc điều đó trước.

4. Cởi mở với việc điều chỉnh hợp lý quan điểm và suy nghĩ của mình

"Cái tôi" quá lớn có thể khiến chúng ta không tiếp thu quan điểm của người khác hoặc khiến chúng ta lúng túng khi gặp trở ngại. Chúng ta nghĩ khi mình sai, trông mình thật ngớ ngẩn, và cảm thấy khó chịu vì điều đó.

Tuy nhiên, những bộ óc vĩ đại trong lịch sử lại thường mắc sai lầm. Nhà bác học Einstein phải mất rất nhiều năm mới chấp nhận cơ học lượng tử cho dù có rất nhiều bằng chứng chứng minh điều đó. Steve Jobs không nghĩ Pixar phù hợp với hoạt hình cho đến khi bị John Lasseter thuyết phục.

Đừng để những thành kiến ăn sâu vào suy nghĩ ngăn cản bước tiến của bạn. Thay đổi ý kiến, quan điểm không khiến bạn trở nên sai lầm, mà thường giúp bạn đi đúng hướng hơn bởi vì bạn đã nhận được sự góp ý. Điều chỉnh ý kiến một cách linh hoạt sẽ khiến cho ý kiến đó dễ được đa số chấp nhận hơn.

 

Theo Thông tấn xã Việt Nam

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)