"Đường vắng, xe ít nhưng tại các ngã tư đèn tín hiệu giao thông chỉ cho phép lưu thông 1 chiều, 3 chiều còn lại chờ, cứ như ở các nước châu Âu vậy. Cũng không nghe còi inh ỏi – cũng không thấy vượt đèn đỏ dù vắng xe" |
Phổ biến nhất là xe đạp, xe gắn máy và đi bộ. Từ sáng sớm tinh mơ, từng đoàn nhà sư rồng rắn tỏa đi khắp các nẻo đường khất thực, màu áo vàng nâu ẩn hiện giữa sương mù như đang gọi bình minh đến và báo hiệu ngày mới. Buổi sáng thật dễ chịu khi đi bộ khám phá thác Kuang Si giữa rừng nguyên sinh kỳ bí hay viếng mộ Henri Mouhot – nhà thám hiểm người Pháp – người phát hiện ra quần thể Angkor vào năm 1859 sau hơn 400 năm quên lãng. Mộ phần ông giản dị bình yên bên dòng Nậm Thai xanh mát. Buổi chiều viếng chùa Mai, chùa Xieng Thong và lên núi viếng chùa Phousi, xem mặt trời lặn xuống dòng Mekong hư ảo; rồi xuống phố thăm thú chợ đêm HMông… Các lữ khách rất khoái lang thang trên những cánh đồng Chum bạt ngàn bí ẩn – cả ngàn năm vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, thách thức nắng mưa và đánh đố trí tuệ loài người về nguồn gốc, công dụng của chúng. Ai cũng đi chậm, vừa để nghĩ suy vừa chờ hoàng hôn lặn xuống trên cánh đồng Chum huyền hoặc. Cạnh những chum đá khổng lồ, có cái nặng gần 3 tấn, là vô số những hố bom B52 – chứng tích cuộc chiến tàn khốc giữa nước Mỹ và Đông Dương. Kham Pheng – hướng dẫn viên của Lào – tuổi đời hơn phân nửa tuổi của những hố bom, chậm rãi tâm tình: “Trong chiến tranh, người Mỹ đã “tặng” mỗi người dân Lào gần 1 tấn bom nhưng vẫn không làm gì được. Chúng tôi vẫn sống như đã sống…”. Chuyện nhẹ tênh mà sâu sắc. Ở Xieng Khouang – bom điếc, đạn pháo và mìn lép, súng hư… trở thành những vật trang trí độc đáo của ngành du lịch, từ khách sạn, nhà hàng, quán cà phê… Những vũ khí và quân dụng – nỗi ám ảnh chết người một thời giờ bình yên lặng lẽ như chứng nhân lịch sử nhắc mọi người biết yêu quý cuộc sống hòa bình hiện tại. Chẳng đâu có phà vượt sông Mekong ngộ nghĩnh như ở Pakse. Mùa hè, sông mênh mông, xanh mướt; mùa lũ cuồn cuộn phù sa. Phà tự chế được ghép bởi 3 chiếc thuyền tôn sắt làm phao nổi. Sàn bằng ván gỗ ghép sơ sài, không có lan can hay tay vịn. Vậy mà vẫn chở được cả ô tô 30 chỗ ngon ơ. Đi lần đầu hú vía, mấy lần sau thành quen. Đó là con đường độc đạo để vào tham quan Wat Phou – di sản văn hóa thế giới của Lào, được xây dựng từ thời tiền Angkor. Nhà vệ sinh ở Lào chủ yếu vẫn là “cầu xổm” chưa đẹp nhưng lại rất sạch, trái ngược với vẻ tuềnh toàng của các bản làng. Rất nhiều nhà ở Lào được làm bằng nứa hay gỗ – cả vách lẫn mái. Vách thì thấy nhiều nơi nhưng ngói nứa – ngói gỗ thì ở Lào nhiều hơn cả. Cạnh những ngôi nhà xinh xắn bình dị là những chảo ăng-ten parabol to đùng, có khi đường kính vài ba mét. Sự chân quê và hiện đại cùng song hành khắp nơi.
Bình luận (0)