Những ngày ở thủ đô của Vương quốc Moroco – thành phố Rabat nằm ven bờ Đại Tây Dương và là cửa ngõ của châu Phi này thật sự là những ngày khám phá hết sức thú vị và đáng kinh ngạc, vì Rabat không ngừng làm cho du khách đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Miền gái đẹp với nét duyên thầm
Cái bất ngờ đầu tiên là người dân ở đây. Cứ tưởng tất cả người châu Phi đều có nước da đen nhưng dân Moroco thuộc tộc người Berbère có một làn da trắng tuyệt đẹp. Thiếu nữ hay nam thanh niên gặp ngoài chợ, trên đường phố hay trong trường đại học, phần lớn đều cao lớn, tươi tắn, nhanh nhẹn và uyển chuyển. Tuy là xứ sở Hồi giáo nhưng phụ nữ Moroco không bị bắt buộc phải trùm khăn hay che mặt, lại còn được ăn mặc hết sức thoải mái, tha hồ diện váy dài váy ngắn, đi giày gót nhọn, để lộ những đôi chân dài nõn nà. Không khăn, không mạng che nên các cô gái có thể phô diễn làn da mịn màng, chiếc mũi cao thanh tú, mái tóc đen dày đầy sức sống. Nhưng ấn tượng nhất là đôi mắt. Đôi mắt huyền mở to, sâu thăm thẳm với hàng mi cong dày, mỗi cái chớp mắt lại làm cho lòng người liêu xiêu. Du khách như thể lạc vào “miền gái đẹp”, không khéo có thể quên cả đường về…
Bất ngờ thứ hai là sân bay quốc tế Salé của thủ đô. Rabat được xem là một trong các thủ đô quan trọng của cả châu lục đen nhưng sân bay thì lại bé nhỏ và cũ kỹ đến mức còn không thể sánh được với sân bay Cỏ Ống ở Côn Đảo. Taxi của sân bay chiếc nào trông cũng ọp ẹp, tồi tàn, nhưng lại chạy rất êm.
Khách sạn tôi ở nằm gần khu phố cổ, phòng ngủ bé tí và chật chội, đường sá trong khu phố nhỏ hẹp, các cửa hàng thì cũ và tối, ánh sáng từ bóng đèn huỳnh quang hắt ra mờ ảo càng làm cho hàng quán trông cứ nghèo nàn và tồi tội thế nào! Tôi đi loanh quanh và tự hỏi một thủ đô được xếp vào hàng quan trọng của châu Phi đây sao?
Nhưng chỉ sau một ngày, tôi biết mình đã lầm. Cái mà tôi tưởng đã quá cũ kỹ và lỗi thời chính là cái mà người ta cố tình gìn giữ từ bao đời nay, nhằm mục đích bảo tồn và thu hút du khách. Những khu phố mới của Rabat cũng hiện đại và rực rỡ không thua kém thủ đô các nước khác, lại còn mang cái… duyên thầm, càng nhìn lâu càng cảm nhận những nét yêu kiều. Nơi đây, người ta dễ dàng bắt gặp những di tích cổ xưa, những thành quách màu nâu đỏ nằm trầm mặc bên cạnh những tòa nhà, những công trình mới toanh sơn tuyền một màu trắng toát. Kiến trúc kiểu Pháp thời thuộc địa hài hòa với những khu nhà kiểu bản địa, những cái cũ và mới, cổ xưa và hiện đại không loại trừ nhau mà lại tôn giá trị của nhau lên làm cho kiến trúc tổng thể trở nên duyên dáng lạ.
Màu xanh ngọc bích và thành cổ Oudayas
Tuy là thủ đô với hai triệu dân nhưng khó mà bắt gặp những tòa nhà chọc trời, cao nghễu nghện đến hỗn xược. Tuyệt đại đa số các công trình đều thấp tầng, cao nhất cũng chỉ sáu, bảy tầng. Rất ít nhà phố riêng lẻ nhưng có nét đặc trưng là trước nhà nào cũng trồng đầy hoa, nhất là hoa dâm bụt và hoa giấy, đủ loại, đủ màu, tràn từ nhà ra ngõ, đến tận công viên và quảng trường. Thủ đô của xứ sở có khí hậu được xếp là khô hạn và bán khô hạn còn làm cho du khách thật bất ngờ khi màu xanh ngự trị khắp nơi. Màu xanh của những bãi cỏ tô điểm dưới chân thành cổ, của những khu rừng thưa nằm chen lẫn và trải rộng, thành phố đầy những cây cổ thụ thân to đến hai người ôm không trọn, với tàn lá được xén tỉa công phu thành hình khối tròn trịa hoặc vuông vức. Nếu biết ở Moroco, nước là thứ tài nguyên quý hiếm, ta mới cảm nhận được màu xanh ấy thật sang trọng và trân quý. Một thứ màu xanh của ngọc bích.
Màu xanh ngọc bích còn tràn vào thành cổ Oudayas, nằm tách biệt ở phía Bắc thủ đô. Khu thành cổ có diện tích 12 mẫu tây được xây dựng vào thế kỷ thứ 12, nguyên thủy là tu viện, nhưng là một tu viện không theo nghĩa thông thường, vì các vị tu sĩ ở đây là những người lính. Họ sử dụng tu viện làm nơi sinh sống và làm căn cứ để tiến hành các cuộc thánh chiến ở Tây Ban Nha. Do đặc điểm trên mà thành cổ được xây dựng như một pháo đài kiên cố để cố thủ và chống trả những cuộc tấn công của quân thù. Đó còn là kinh đô của vua Mohammed Ben Abdellah vào nửa cuối thế kỷ thứ 18. Vừa là công trình quân sự vừa là nơi ngự trị của nhà vua nên trong lòng Oudayas mang sự tối giản của một trại lính nhưng cũng phảng phất nét kiêu sa của một thời là cố đô. Hai đặc tính tưởng như trái ngược nhau nhưng lại pha trộn hòa quyện một cách đằm thắm đến tài tình.
Sau bao nhiêu cuộc bể dâu đi chinh phục và bị chinh phục, nơi đây giờ là một “ngôi làng” với khoảng 3.000 nhân khẩu, trong đó có 40 căn hộ của người nước ngoài, là những người có tiếng tăm ở Moroco, như lãnh sự, tùy viên các sứ quán, bác sĩ riêng của hoàng gia… Những con đường lát đá nhỏ hẹp dọc ngang như bàn cờ men theo những căn nhà cổ dẫn khách tham quan khám phá từ điều thú vị này đến điều ngỡ ngàng khác. Trong làng có đầy đủ các hàng quán bán thức ăn, cửa tiệm bán báo, tranh ảnh, đồ gốm, lò bánh mì, xưởng dệt và cả đền thờ Hồi giáo. Tất cả đều gợi nhớ đến kiến trúc vùng Andalousie. Dấu vết một thời hoàng kim của đế chế Tây Ban Nha hiển hiện khắp nơi. Trong cái không gian hết sức cũ kỹ, nhưng không có mùi ẩm mốc, không mùi hôi, không một cọng rác, du khách có cảm giác như đang sống ở một thế kỷ nào đó xa lắc xa lơ chứ không phải ở thì hiện tại của thế kỷ 21.
Thành phố của người chết
Cách trung tâm thành phố gần ba ki lô mét về phía Nam là khu nghĩa địa cổ Chellah, tọa lạc trên một ngọn đồi cao, soi mình xuống dòng Bouregreg, được bao bọc bởi những bức tường thành dày xây bằng đất lẫn dăm sạn và đá. Khác hẳn với thành Oudayas, Chellah sau khi bị phá hủy bởi trận động đất năm 1755 đã rơi vào cảnh hoang phế, hiện chỉ còn sàn, bậc thềm, vài bức tường cùng nhiều hàng cột đá còn sót lại của một đền thờ Hồi giáo xây hồi thế kỷ 13, cũng là trường dạy kinh Coran và là nơi lưu trú của người hành hương. Vẫn còn khá nhiều ngôi mộ cổ của các vị vua và vợ, có cái theo năm tháng còn đọc được trên bia mộ, cách nay gần 800 năm.
Giữa muôn trùng hoang tàn và đổ nát, khuất ở cuối khu mộ cổ, thật bất ngờ là một khu vườn trồng đầy cam và bưởi. Ai đó đã cố ý đặt ở cuối vườn, phía sát tường thành một chiếc ghế gỗ dài, cũ nhưng sạch. Du khách có thể ngồi tựa lưng vào tường thành, ngước nhìn hoàng hôn đang nhẹ nhàng phủ bóng tối lên những hàng cột đá và ráng chiều cũng từ từ rời khỏi những ngọn cam lúc lỉu quả vàng. Sự yên lặng bao trùm vạn vật cho một cảm giác bình yên lan tỏa và từ từ tràn ngập trong lòng. Lúc này, dường như quá khứ và hiện tại chỉ là một. Tôi đã một thoáng ngỡ rằng mình chính là “người của muôn năm cũ” nay được tái sinh, để suy tưởng và chiêm nghiệm. Thiên thu và vĩnh hằng ngự trị chốn này dường như cũng ngự trị ngay cả trong lòng người. Cảm giác huyền ảo này thật không dễ xảy ra, chỉ cần được trải nghiệm một lần đã là diễm phúc của một đời người.
Rời Chellah, khu đô thị mới Sinoussi chỉ cách đó vài trăm mét đã lên đèn, những dòng xe cộ chạy loang loáng trên xa lộ. Ngoái nhìn lại, ánh sáng từ những họng đèn dưới thảm cỏ hắt lên tường thành một màu vàng cam khiến cho khu di tích phủ đầy vẻ huyền bí, trông cô đơn nhưng cũng thật hùng vĩ. Bất giác trong tôi vang lên vần thơ ngậm ngùi: “Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Thành phố của người chết – Chellah đã không khiến cho ta kinh sợ mà tràn đầy sự ngưỡng mộ, dù đó chỉ là một nơi của hoang tàn, đổ nát.
(Theo TBKTSG)
Bình luận (0)