Hội nhậpThế giới 24h

Bất ngờ Trung Quốc gặp thuận lợi nhờ biến đổi khí hậu

Tạp Chí Giáo Dục

Biến đổi khí hậu gây mưa nhiều và băng tan, giúp phân nửa diện tích hồ ở Trung Quốc giảm độ mặn và tạo điều kiện thuận lợi về nguồn nước ngọt, đa dạng thủy sinh học.

Tờ South China Morning Post ngày 16.8 dẫn một nghiên cứu mới công bố cho thấy phân nửa trong tổng diện tích mặt hồ tại Trung Quốc trở nên thuận lợi hơn đối với đa dạng sinh học nhờ tác động của biến đổi khí hậu.

Cụ thể, các hồ ở cao nguyên Tây Tạng đã giảm độ mặn trong 2 thập niên qua nhờ lượng nước tăng. Những hồ này chiếm phân nửa trong tổng diện tích mặt hồ ở Trung Quốc, và sự thay đổi độ mặn còn có thể tạo thuận lợi về nguồn nước ngọt trong khu vực, theo các chuyên gia tại Viện Khoa học Trung Quốc (CAS).

Trong nghiên cứu đăng trên chuyên san International Journal of Digital Earth, các nhà khoa học đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với độ mặn ở các hồ nước trên cao nguyên Tây Tạng.

Chuyên gia Chu Lợi Bình tại Viện Nghiên cứu cao nguyên Tây Tạng thuộc CAS cho biết lượng nước ở các hồ trên cao nguyên này đã tăng thêm 17% trong 3 thập niên qua, lên mức 960 tỉ khối.

Nhìn chung, nhóm nghiên cứu nhận thấy tình trạng giảm độ mặn đáng kể, với độ mặn trung bình năm 2000 là 27,5 psu và giảm xuống còn 19,3 psu vào năm 2019. Điều này xảy ra do sự gia tăng lượng mưa và băng tan do tác động của biến đổi khí hậu.

"Độ mặn của hồ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái thủy sinh và nguồn nước ngọt sẵn có. Xu hướng giảm độ mặn của hồ trên cao nguyên Tây Tạng chắc chắn có lợi cho đa dạng thủy sinh học", theo ông Chu.

Xu hướng giảm độ mặn còn giúp cung cấp thêm nguồn nước ngọt trong khu vực.

"Độ mặn trong các hồ giảm đồng nghĩa với việc giảm độ mặn trong toàn vùng. Ở một số nơi, nước ngầm bơm lên có thể uống được. Nước hồ có thể được sử dụng để tưới cho đất nông nghiệp ở những vùng đất cao gần hồ Dương Trác Ung Thác", ông Chu cho biết, đề cập một trong 3 hồ lớn nhất ở Khu tự trị Tây Tạng.

Có hơn 1.400 hồ có diện tích lớn hơn 1 km2 tại cao nguyên Tây Tạng, hầu hết nằm ở độ cao hơn 4.000 m.

Theo Khánh An/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)