Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Bất ngờ với chùa Dạm

Tạp Chí Giáo Dục

Tại cuộc hội thảo vào cuối tuần qua, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử, văn hóa đã thật sự bất ngờ về những kết quả cũng như một số giả định đã thu được qua đợt thám sát khai quật khảo cổ học đầu tiên trên bốn cấp nền ở chùa Dạm (xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh).
Phát lộ dấu tích chân móng tháp đá nằm đối xứng với cột đá chùa Dạm – Ảnh: Yên Tùng
Phát lộ tháp đá từ thời Lý
Theo TS Lê Đình Phụng – chủ trì nhóm thám sát, khi khai quật gò đất nằm đối xứng với cột đá chùa Dạm (cấp nền thứ hai), nhóm khai quật đã làm phát lộ toàn bộ móng tháp đá. Tháp đá này có bình đồ vuông 8,4×8,4m, cửa mở hướng đông. Phần cao nhất là 1,56m với các lớp đá xếp chồng lên nhau có trang trí hoa văn thủy ba (sóng nước), kỹ thuật ghép đá mộng đuôi cá, đổ chì liên kết vững chắc. Cũng tại hố thám sát này, khi mở rộng đã tìm thấy gạch bó nền có niên đại thời Lý.
TS Phụng cho biết đây chính là kiến trúc tháp đá, trên đó có khả năng dựng một tượng Phật nhằm đối xứng với cột đá chùa Dạm bởi phía cột đá chùa Dạm có đôi rồng chầu sang để tạo nên sự cân xứng. Theo sử liệu, tháp đá này được xây dựng trong thời gian năm năm sáu tháng mới xong. Nhìn vào mặt bằng khai quật, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu bước đầu cũng cho rằng đây có khả năng lớn là tháp đá được xây dựng từ thời Lý chứ không phải là gò đất như trước nay vẫn đoán định.
Hàng trăm hiện vật thời Lý – Trần – Lê
Thư tịch cổ có ghi chùa Dạm có tên Thần Quang tự, được xây dựng ven sườn núi phía nam thuộc dãy núi Lãm Sơn. Chùa được khởi dựng năm 1086 thời Lý Nhân Tông và đến năm 1094 thì hoàn thành và được ban tên là Cảnh Lam đồng khánh.
Thời Trần, chùa vẫn được duy trì với 12 tòa nhà (nhị thập lâu đài) mang tên Thần Quang tự. Đến thời Lê, chùa được trùng tu quy mô lớn với trên 100 gian.
Trên cấp nền ba, nhóm thám sát đã khai quật gần 100m2 và kết quả cho thấy trong lòng đất xuất lộ sáu trụ sỏi móng chịu lực của công trình, xuất hiện nhiều dấu vết kiến trúc xếp gạch thời Lê, các chân tảng đá thời Lý cùng nhiều hiện vật các thời đại có liên quan đến quá trình xây dựng và tu bổ chùa.
Tại cấp nền thứ tư, nhóm thám sát cũng đã tìm thấy dấu trụ sỏi cùng dải gạch bó nền, gạch lát nền, ngói mũi sen. Đặc biệt, cũng tại cấp nền này đã tìm được trụ sỏi hình tròn có đường kính lớn 1,7m (móng trụ sỏi tìm thấy ở hoàng thành Thăng Long lớn nhất cũng chỉ 1,4m) cùng hệ thống trụ sỏi hình vuông.
Ngoài những dấu tích kiến trúc, nhóm thám sát khai quật cũng đã phát hiện hàng trăm hiện vật thuộc nhiều chất liệu như gạch, đá, gốm sứ, sành của nhiều thời đại khác nhau Lý – Trần – Lê, trong số đó có những di vật như gạch, ngói mũi sen thời Lý chiếm đa số.
Một quần thể kiến trúc quy mô
Từ kết quả thám sát và sự nghiên cứu bước đầu (vỏn vẹn 300m2), nhóm thám sát đi đến nhận định chùa Dạm được xây dựng là một quần thể kiến trúc gồm bốn lớp xây cao dần vươn lên theo độ cao sườn núi Lãm Sơn. Các kiến trúc tháp đá, cột đá nằm trong tổng thể chung của khu di tích.
Dấu tích các trụ sỏi cho thấy quy mô ngôi chùa được xây dựng to lớn trên mặt bằng hơn 7.500m2. Cũng qua đây, nhóm thám sát khẳng định ba cấp dưới là kiến trúc chùa, cấp cao nhất là kiến trúc đền thờ Linh Nhân hoàng hậu, mẹ vua Lý Nhân Tông, người xướng xuất xây dựng chùa. Mặt bằng chùa thuộc loại hình kiến trúc “tiền Phật hậu thánh”.
“Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy mặt bằng tổng thể chùa Dạm có niên đại từ thời Lý còn nguyên vẹn nhất so với nhiều ngôi chùa có cùng niên đại. Thứ nữa, với kết quả thám sát và đoán định bước đầu chúng ta có thể cho rằng chùa Dạm được xây dựng với quy mô đúng như thư tịch cổ ghi chép” – TS Tống Trung Tín, viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho biết.
Cùng chung nhận định này, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho biết trước nay chúng ta chỉ mới quan tâm đến cột đá chùa Dạm – một trong những biểu tượng mỹ thuật truyền thống Việt – chứ chưa thật sự quan tâm đến mặt bằng tổng thể của ngôi chùa.
Qua đợt thám sát nghiên cứu này đã cho thấy nhiều nét độc đáo từ mặt bằng cho đến quy mô kiến trúc. “Còn một số giả định như trục thần đạo hay cây tháp đá… thì cần tiếp tục nghiên cứu. Cần phải tiếp tục khai quật trên diện rộng thì mới có thể đưa ra được đánh giá khoa học một cách đầy đủ” – GS Tiêu đề nghị.
Theo YÊN TÙNG
(TT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)