Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bát nháo đào tạo theo địa chỉ

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh và sinh viên nộp tiền học phí đầu năm học tại một trường đại học. Ảnh: N.H

Rất nhiều trường ĐH hiện nay đang tổ chức liên kết với các công ty để đào tạo dưới dạng theo địa chỉ sử dụng. Tuy nhiên, người học, thay vì được hỗ trợ tiền học phí như theo quy định thì họ đang phải đóng một mức phí cao hơn so với quy định học phí của các trường công lập. Như vậy, đây thực chất là hình thức liên kết đào tạo nhưng để hút người học, trường và doanh nghiệp đã “đổi tên”.

Từ Trà Vinh ra Hà Nội đào tạo
Trong vai một thí sinh, chúng tôi gọi điện đến số máy 04.3784… được cho là của Văn phòng Đông Đô CTM để tìm hiểu về việc Trường ĐH Trà Vinh (ĐH công lập) xét tuyển NV2 – đào tạo theo địa chỉ tại Hà Nội năm 2011. Nhân viên tư vấn cho biết Trường ĐH Trà Vinh, xét tuyển 200 chỉ tiêu ĐH chính quy đào tạo theo địa chỉ sử dụng của Công ty Viễn thông và Công nghệ thông tin điện lực miền Bắc. 200 chỉ tiêu này được chia đều cho bốn ngành kế toán, tài chính ngân hàng, luật, xây dựng. Hồ sơ xét tuyển của thí sinh được nộp tại Văn phòng Trường TC Công nghệ và Quản trị Đông Đô. Khi chúng tôi đặt vấn đề việc làm sau khi ra trường vì đây là đào tạo theo địa chỉ, chị nhân viên cho biết, sau khi có bằng tốt nghiệp, người học sẽ được trường giới thiệu đến công ty. Còn được tuyển hay không thì đấy là chuyện của nhà tuyển dụng và năng lực của người xin việc. Còn nếu không cần phải trường giới thiệu, người học có thể tự xin được việc thì cũng không vấn đề gì. Vậy nếu học sau bốn năm, Trường ĐH Trà Vinh vì một lý do nào đó không giới thiệu thì người học biết làm thế nào? (tôi đặt câu hỏi). Chị nhân viên lập tức cho biết Trường ĐH Trà Vinh và Công ty Viễn thông và Công nghệ thông tin điện lực miền Bắc đã có văn bản cam kết nên người học có thể yên tâm. Một điều nữa, dù Trường ĐH Trà Vinh là ĐH công lập nhưng vì “đào tạo theo địa chỉ” ngoài Hà Nội nên mức học phí người học phải bỏ ra cũng phải “theo địa chỉ”, tức là 6 triệu đồng/năm, cao gần gấp đôi sinh viên không học đào tạo theo địa chỉ.
Khi vào website của Trường ĐH Trà Vinh, www.tvu.edu.vn, tôi còn tìm thấy một hoạt động đào tạo theo địa chỉ khác của trường với Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang về xét tuyển 100 chỉ tiêu trung cấp chuyên nghiệp ngành trồng trọt chính quy. Nhà trường cũng cam kết 100% học viên sau khi tốt nghiệp được Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang phỏng vấn về kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp nếu đạt sẽ được tuyển dụng làm việc tại công ty theo chương trình “Cùng nông dân ra đồng” với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng/tháng và được hưởng đầy đủ các chính sách khác của công ty theo quy định. Như vậy, nếu không đạt yêu cầu, người học hoàn toàn sẽ phải tự đi tìm việc dù được gắn mác đào tạo theo địa chỉ.
Biến tướng
Trong công văn số 5045/BCT-TCCB do ông Trần Văn Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công thương ký gửi Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Thương mại có ghi rõ về việc liên kết đào tạo giữa ĐH Thương mại và Công ty TNHH nhà nước một thành viên Cơ khí Hà Nội. Thế nhưng khi Trường ĐH Thương mại gửi công văn số 22C cho Bộ GD-ĐT để xin bổ sung chỉ tiêu thì lại nói “Căn cứ điều kiện về nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ giảng dạy và nguồn học liệu của nhà trường, Trường ĐH Thương mại đồng ý đề nghị của Công ty TNHH nhà nước một thành viên Cơ khí Hà Nội về việc đào tạo theo địa chỉ…”. Như vậy, chỉ tính trong chuyện văn bản đã có sự khác nhau hoàn toàn, liên kết đào tạo phải khác với đào tạo theo địa chỉ. Và cũng rất may là Bộ GD-ĐT đã không đồng ý với chủ trương này của trường.
Thực tế hiện nay rất nhiều trường đã đưa ra chương trình đào tạo theo địa chỉ để hút người học. ĐH Tài nguyên môi trường phối hợp với CĐ Nghề Kỹ thuật – Mỹ nghệ Việt Nam đào tạo theo địa chỉ hai ngành kế toán và công nghệ thông tin với 200 chỉ tiêu. Nhưng kinh phí đào tạo do người học tự đóng góp. ĐH Mỏ địa chất, Học viện Tài chính cũng đào tạo theo địa chỉ sử dụng cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo Thanh Hóa với rất nhiều ngành. Điều đặc biệt ở chỗ những ngành nghề này phần lớn không liên quan đến ngành nghề đang sử dụng tại công ty!?
Điều đáng nói, đối tượng tuyển sinh của hầu hết các trường nói trên là những thí sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, đã dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 có kết quả tuyển sinh đạt từ điểm sàn trở lên và xét tuyển theo quy định tại mục C điều 33 quy chế tuyển sinh. Với thỏa thuận này, các thí sinh tuyển theo chương trình đào tạo theo địa chỉ sử dụng (dù không đúng với đối tượng theo quy định của Bộ GD-ĐT) sẽ được xét tuyển với mức điểm chuẩn, điểm sàn thấp hơn mức điểm chuẩn chung, tối đa tới 3 điểm.
Công khai vi phạm quy chế
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Trà Vinh cho biết, việc đào tạo theo địa chỉ này nhà trường giao cho một trung tâm của trường làm, bà không nắm được nhiều thông tin. Bà Huệ cũng cho rằng, dù ở hình thức nào thì cũng là phục vụ nhu cầu của người học. Nhưng nếu đào tạo theo địa chỉ sử dụng theo kiểu này là vi phạm quy chế của Bộ GD-ĐT.
Trong văn bản hướng dẫn tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng của Bộ GD-ĐT gửi các trường ngày 14-8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định đối tượng tuyển sinh là các thí sinh đã tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2011 theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT. Vùng tuyển chỉ áp dụng tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng cho các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa. Vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Trong văn bản này cũng quy định rất rõ trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đó là phải có văn bản đề nghị tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng, trong đó làm rõ chỉ tiêu tuyển sinh, ngành và trình độ đào tạo. Hợp đồng với trường về tuyển sinh và đào tạo theo địa chỉ sử dụng; hỗ trợ kinh phí cho người học; tiếp nhận và phân công công tác cho người học sau khi tốt nghiệp…
Như vậy, đào tạo theo địa chỉ sử dụng không có chuyện người học phải tự túc học phí và còn phải đóng tới gần 200% học phí do Bộ GD-ĐT quy định. Cũng không có chuyện ra trường nếu qua vòng tuyển của công ty thì có việc làm, không qua thì tự tìm việc.
Việc các trường “lợi dụng” hình thức đào tạo theo địa chỉ của bộ mục đích cuối cùng là “vớt” các thí sinh dưới sàn (vì đào tạo theo địa chỉ được phép áp dụng điều 33 quy chế). Chính kẽ hở này đã tạo cơ hội cho các trường trục lợi và thí sinh thiệt thòi.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)