Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bát nháo dịch vụ cầm đồ

Tạp Chí Giáo Dục

Tại TP.HCM, quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ nhiều năm nay gần như thả nổi, không ít nơi biến tướng thành “sân sau” của tội phạm.

Một trong hàng chục tiệm cầm đồ trên “phố cầm đồ” Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh (ảnh minh họa) 

“Kinh doanh dịch vụ cầm đồ là một lĩnh vực hái ra tiền”, ông Tuấn chủ một tiệm cầm đồ gần chợ Hòa Hưng (đường Cách Mạng Tháng 8, Q.10) khẳng định. Ông Tuấn giải thích thêm: “Nói lãi suất từ 3-5% nhưng thực chất có rất nhiều cách để “móc túi” người cầm cố với mức lãi suất cao hơn rất nhiều. Khi người ta cần tiền gấp thì lãi suất bao nhiêu cũng gật đầu, dù sao cũng yên tâm hơn vay nóng của giang hồ”.

Món gì cũng cầm

Ông Tuấn bước vào lĩnh vực kinh doanh này trên dưới 10 năm nhưng theo ông, chưa bao giờ cơ quan chức năng kiểm tra về hoạt động của tiệm. Điều này có thể nói, việc quản lý hoạt động dịch vụ này chỉ được triển khai khi phát hiện có biểu hiện phức tạp, nghi vấn. “Mình có hét lãi suất đến 20%, khách hàng không ý kiến thì thôi chứ chưa bao giờ bị một cơ quan nào can thiệp, điều chỉnh. Thỉnh thoảng có đợt kiểm tra nhưng chỉ dừng lại ở công tác đảm bảo an toàn cháy nổ”, ông Tuấn tự tin nói.

Xe không chính chủ, các món đồ trộm cắp được các chủ tiệm mặc sức hét giá từ 10-12%. “Xe không giấy tờ bán thì bị ép giá và dễ bị bắt nên các đối tượng thường chọn giải pháp cầm sẽ an toàn hơn, chờ một thời gian sau có cơ hội là tụi nó lấy ra, mang đi địa phương khác tiêu thụ”, ông Tuấn nói.

Chúng tôi cùng Hoàng, ông chủ kinh doanh gạch men trên đường Lý Thường Kiệt (Q.10) đến một tiệm cầm đồ nằm sâu trong hẻm Nguyễn Thị Nhỏ (Q.11) để cắm chiếc SH 150i. Sau khi xem qua giấy tờ, biết xe không chính chủ, ông chủ bảo: “Cầm được 20 chai, lãi suất 10%”. Hoàng xụ mặt, nài nỉ: “Tụi này cần gấp 30 chai, ông anh coi có thêm được chai nào không?”. Ông chủ quyết: “Xe người khác đứng tên, lại biển số tỉnh, cầm nhiêu đó là có giá rồi”. Hoàng cố kỳ kèo, lúc này ông chủ mới dùng chiêu bài ép lãi suất cắt cổ: “Thêm 10 chai nữa thì lãi suất sẽ là 20%/tháng, đồng ý thì đẩy xe vào làm giấy tờ”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên các biển hiệu cầm đồ ghi rõ lãi suất từ 3-5% nhưng thực tế cao hơn gấp nhiều lần, tùy vào số tiền cũng như tình trạng món hàng (giấy tờ, hàng trộm cắp…). Chiếc xe SH của Hoàng là một ví dụ. Nếu xe này do Hoàng đứng tên, chắc chắn lãi suất sẽ không quá 10%.

Đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh được mệnh danh là “phố cầm đồ” với nhiều tiệm nằm san sát, hoạt động 24/24 như M.H, Đ.C, N.L. Trong đó, tiệm Đ.C có đến 3 cơ sở chỉ trên đoạn đường chưa đầy 1km. Tại đây, tiệm cầm đồ còn đưa ra “luật rừng” xử ép người cầm cố tài sản bằng cách tính lãi suất trong ngày, trong tuần và nếu không đóng lãi suất trong ngày đầu tiên, coi như mất trắng tài sản. Cũng như ông Tuấn, các tiệm này còn thuê kho lưu xe máy, máy tính, điện thoại của khách cầm và gần chục nhân viên phụ trách các khâu. Thượng tá Lê Huy Trực, Công an Q.7 cho biết, ngoài các kho bãi lưu xe cầm cố, nhiều tiệm cầm đồ còn hợp đồng với các bãi giữ xe để lưu xe có vấn đề về mặt pháp lý để qua mặt cơ quan chức năng khi kiểm tra.

Ngoài xe không chính chủ, điện thoại, iPad, máy tính xách tay… cũng là các món đồ mà tiệm cầm đồ hét lãi suất cao, trong khi số tiền cầm được chẳng là bao dù giá trị thật lên đến vài chục triệu đồng. Chị Hòa, nhân viên tiệm cầm đồ L.P (đường Trần Bình Trọng, Q.Bình Thạnh) cho biết, nếu chứng minh được nguồn gốc của món hàng đó (hóa đơn mua hàng) hoặc giấy bảo hành thì có thể cầm cao hơn và lãi suất thấp hơn chút đỉnh.

Vào mùa bóng đá Euro, các tiệm cầm đồ mở cửa 24/24 để phục vụ “thượng đế” bất cứ lúc nào cần. Phương, quản lý một tiệm cầm đồ tại đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) cho biết: “Từ đầu mùa bóng đến nay đã có không dưới 100 khách hàng cắm xe máy. Đây là dịp làm ăn lớn, con bạc khát máu nên lãi suất cao 8%, thậm chí lên đến 12% nhưng vẫn có người mang tài sản đến cắm”.

“Sân sau” của tội phạm

Ông Tuấn khẳng định: “Kinh doanh dịch vụ cầm đồ nhưng không ít tiệm chỉ là cái vỏ bọc, bên trong là những “lò” tiêu thụ xe gian, các mặt hàng điện tử trộm cắp. Tất tần tật các loại tài sản không rõ nguồn gốc, tài sản không thuộc quyền sở hữu hợp pháp đều có thể mang ra cầm cố”.

“Thay vì tố giác khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì các tiệm cầm đồ lại cố tình cho qua vì lợi ích của mình”, luật sư Nguyễn Hải Đăng, Đoàn luật sư TP.HCM nói.

Theo Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64, Công an TP.HCM), TP.HCM hiện có hơn 2.500 tiệm cầm đồ, trong đó có trên 650 doanh nghiệp và gần 2.000 hộ kinh doanh cá thể. Từ đầu năm 2016 đến nay, PC64 đã phối hợp cùng các quận, huyện rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật và đã phát hiện 26 trường hợp vi phạm/ 43 đợt kiểm tra.

Mới đây, Công an Q.8 đã triệt phá băng nhóm đòi nợ thuê liên quan đến vụ cố ý gây thương tích, trong đó nhiều đối tượng là chân rết của một tiệm cầm đồ trên địa bàn. Tại buổi làm việc với công an quận này vào tháng 5-2016, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cũng đã chỉ đạo lãnh đạo Công an TP.HCM nhanh chóng rà soát các hoạt động của tiệm cầm đồ trên địa bàn thành phố, triệt phá mầm mống các tiệm có gắn kết với hoạt động cầm đồ nhằm kéo giảm trộm cắp, cướp giật và đòi nợ thuê. 

Luật sư Đăng cho rằng, có rất nhiều cơ sở để xử phạt, như: Người kinh doanh dịch vụ này có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm, căn cứ mức độ vi phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự, với tội: “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Người kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, hay thu lãi suất vượt quá 150% lãi suất của ngân hàng cũng có thể bị phạt từ 5 đến 15 triệu đồng. Nghị định 167/2013/NĐ-CP cũng quy định mức phạt từ 20-30 triệu đồng về cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có.

Bài, ảnh: T.Anh 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)