Tòa soạnThư đi – tin lại

Bát nháo đồ chơi bạo lực

Tạp Chí Giáo Dục

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện lô hàng đồ chơi bạo lực.  Ảnh: B.Q.N

Bộ GD-ĐT cũng như các đơn vị sản xuất và kinh doanh đồ chơi trẻ em trong nước đã và đang nỗ lực đưa ra nhiều mẫu sản phẩm đồ chơi mang tính trí tuệ, giáo dục nhân cách trẻ. Trong khi đó, thị trường đồ chơi hiện nay lại bát nháo, với nhiều sản phẩm mang tính bạo lực, không rõ nguồn gốc xuất hiện nhan nhản tại các cửa hàng đồ chơi.
Mua đồ chơi bạo lực: dễ như mua kẹo
Thật khó khăn tôi mới chen được vào giữa các gian hàng đồ chơi trẻ em tại chợ Bình Tây trước một rừng người. Hôm ấy là ngày chủ nhật, khách hàng ở các quầy hàng đồ chơi đông nghịt. Tiếng trẻ con đòi cha mẹ mua những món đồ chơi la í ới, tôi như muốn ngạt thở, mồ hôi chảy ròng mặc dù ngoài trời đang mưa.
Dừng lại bên một ki-ốt, cô bán hàng chẳng thèm mời mọc, mặc kệ khách hàng. “Thằng nhóc nhà tôi đòi mua súng nhựa, không biết ở đây chị có bán không, giá cả thế nào?”, tôi hỏi. Vừa đánh phấn, cô bán hàng vừa nói: “Súng gì, lớn nhỏ, dài ngắn gì cũng có nhưng giá cao lắm đó”. Cao là bao nhiêu? Tôi hỏi. “Tùy loại, cao nhất ở đây là 150 ngàn đồng, thấp nhất là 35 ngàn đồng”. Nói xong, cô bán hàng lôi từ trong thùng sắt (dùng để cô ấy ngồi) một chiếc hộp nhỏ được bao bọc cẩn thận ra. Cô bán hàng tiếp: “Cái này lấy anh 120 ngàn, hàng mới về đấy, loại này bán chạy nhất hiện nay”. Tôi giả vờ có việc phải đi gấp, lát sau sẽ quay lại, cô bán hàng nguýt một cái thật dài và không quên gọi tiếng “Mẹ” rõ, to.
Cách đó không xa, trước một ki-ốt khác, người mẹ trẻ đang mải mê chọn lựa đồ chơi cho con, còn cậu con trai ước chừng 5 tuổi thì mặc sức “bóp cò”, tiếng súng nổ (tiếng nhạc nghe tựa tiếng súng) kèm theo lửa đỏ (điện sáng lên ở họng súng) mỗi khi bóp cò. Cậu cho biết: “Anh họ của con có súng bự hơn, con thích nó nhưng mẹ không chịu mua”. Thế súng này khác gì súng của anh họ con?, “Súng này dở lắm, nhỏ, bắn nghe không đã gì cả” – cậu bé trả lời với giọng ngọng ngịu.
Không chỉ có ở các chợ lớn, đồ chơi bạo lực hiện cũng được bày bán nhan nhản ở các cửa hàng sách, quầy lưu niệm trên địa bàn TP.HCM. Vào một cửa hàng quà lưu niệm trên đường Minh Phụng (quận 6), phía trước cửa hàng bày bán đồ chơi khá ngăn nắp. Tiếp tôi là một cô bé tuổi ô mai. Ở đây đồ chơi trí tuệ như xếp hình, bộ lắp ghép, số đếm… không ít, có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ hẳn hoi. Bao nhiêu loại đồ chơi được giới thiệu tôi đều lắc đầu. Thế chú mua gì, ngoài những thứ cháu vừa nói còn nhiều loại khác lắm? Như chỉ chờ có thế, tôi hỏi ngay: Có đồ chơi bạo lực không? “Dạ có, súng, kiếm, dao… gì cũng có”. Từ bên trong, giọng một người phụ nữ đằng hắng, sắc mặt cô bé thay đổi thấy rõ. Tôi hiểu cô bé không thể mang đồ chơi ra giới thiệu với tôi vì cái “đằng hắng” của cô chủ. Tôi xua: Không có thì thôi vậy.
Chẳng lẽ bó tay?
Quyết định số 0088/QĐ-BTM-nay là Bộ Công thương nêu rõ: “Các loại đồ chơi trẻ em có tác hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự xã hội; các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng; súng nén bằng hơi hoặc lò xo bắn đạn nhựa và các loại đạn khác; súng bắn nước, hơi nước, súng bắn phát quang hoặc bắn gây tiếng nổ… cấm lưu thông bán”.
Sau nhà sản xuất, người bán hàng đồ chơi trẻ em hơn ai hết biết rõ những quy định là các sản phẩm phải thể hiện rõ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, lời cảnh báo, hướng dẫn sử dụng… Tại chợ Bình Tây, các chủ cửa hàng đều cho biết các sản phẩm đồ chơi sử dụng pin chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, song trên các sản phẩm chỉ có chữ Trung Quốc chứ không hề có nhãn phụ tiếng Việt kèm theo theo quy định. Tuy nhiên vì lợi nhuận, nhiều chủ cửa hàng bất chấp quy định. Trên thị trường đồ chơi trẻ em hiện nay, sản phẩm không rõ nguồn gốc chiếm phần lớn. Việc mua bán, vận chuyển mặt hàng này ngày càng tinh vi. Trong khi đó, cơ quan chức năng với lực lượng mỏng không thể kiểm soát được nên công tác thẩm định độ an toàn, chất lượng nguyên liệu sản xuất, độ độc hại là điều vô cùng khó khăn.
Theo chị Hạnh, chủ cửa hàng đồ chơi trên đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh thì hiện nay súng nhựa lớn không còn bày bán như trước mà chủ yếu là loại cỡ K59. Nhiều loại có chỗ lắp băng đạn, lên đạn đàng hoàng tuy nhiên đạn của súng đồ chơi có hình tròn. Trung úy Nguyễn Cảnh Yên, công an quận 11 cho biết: “Súng đồ chơi có hình dáng bên ngoài giống súng thật, đạn hình tròn nhưng khi có sự tác động (bóp cò) thì sức ép của nó cũng hết sức nguy hiểm, gây sát thương nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”.
Súng cao su không được coi là đồ chơi
Nhằm làm giảm các rủi ro liên quan đến sức khỏe và sự an toàn của trẻ, từ ngày 15-4-2010, đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước khi đưa ra lưu hành phải có gắn dấu hợp quy. Quy chuẩn quy định rõ những yêu cầu về kỹ thuật, đặc biệt là hợp chất hữu cơ độc hại (chất lỏng và formaldehyt) có trong đồ chơi. Cụ thể, chất lỏng có trong đồ chơi không được có độ pH nhỏ hơn 3 hoặc lớn hơn 10, các chi tiết vải dệt không được chứa formaldehyt tự do và formaldehyt đã thủy phân vượt quá 30mg trên một kg, các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán không được chứa formaldehyt giải phóng vượt quá 80mg trên một kg.
Quy định này cũng áp dụng đối với đồ chơi trẻ em nhập khẩu, phải được chứng nhận phù hợp với các yêu cầu về cơ lý, hóa học và yêu cầu về dùng điện. Cụ thể, đồ chơi trẻ em không sử dụng nguồn điện vượt quá 24V. Việc ghi nhãn hàng phải thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, các quy định về cảnh báo nêu trong các tiêu chuẩn tương ứng phải được thể hiện trên nhãn.
Cũng theo quy chuẩn trên, 23 loại sản phẩm không được coi là đồ chơi trong đó có súng cao su, mũi tên có đầu nhọn kim loại, các loại xe động cơ có hơi nước, cung có chiều dài tĩnh lớn hơn 120cm…
A.T
 
Nguyên Thảo

Bình luận (0)