Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Bát nháo khóa học trực tuyến: Cần có đơn vị đánh giá chất lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Việc chưa có một công cụ quản lý hiệu quả dẫn đến tình trạng thị trường khóa học trực tuyến đang đối diện nhiều câu hỏi về chất lượng. Trước thực tế này, chuyên gia và người học đã đưa ra một số đề xuất cần thiết.

Bát nháo khóa học trực tuyến

Quảng cáo và thực tế khác nhau

Hoạt động dạy học trực tuyến đang ngày càng bùng nổ với nhiều hình thức khác nhau, nhắm đến đa dạng đối tượng từ học sinh đến người đi làm. Tuy nhiên, nhiều giáo viên (GV) lẫn học viên (HV) đều nhận định chất lượng của các khóa học trực tuyến đang không đồng đều, thậm chí có trường hợp quảng cáo và thực tế hoàn toàn khác nhau.

Chẳng hạn, tài khoản Facebook tên P.H.H mới đây đăng tin bức xúc về một lớp học vẽ "lùa gà". Theo người này, dù GV rao tin lớp học ít người, HV sẽ được theo sát và sửa bài chi tiết nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Chưa kể, GV còn được cho là không có kiến thức sư phạm, không tôn trọng HV khi đang dạy học lại… bỏ đi ăn, bắt HV khác dạy thay. "Tóm lại, trong quá trình học kéo dài 5 – 6 tháng, tôi không hề học được gì có ích", H. nhận xét.

B.H (ngụ Q.10, TP.HCM) cho biết mẹ cô từng bị lừa khi đăng ký khóa học tiếng Anh trực tuyến gần 1 triệu đồng ở một trung tâm tại TP.HCM. Cụ thể, khóa học cam kết sẽ dạy học có tương tác, nhưng sau khi thanh toán thành công, mẹ của B.H chỉ được nhận sách và video thu sẵn, không hề có lớp học với GV như hứa hẹn. "Họ yêu cầu mẹ tôi phải tự học dù bà không hề biết gì về tiếng Anh. Mẹ tôi cũng không biết khiếu nại ra sao, một phần vì bà đang sống tại An Giang cách TP.HCM khá xa, mặt khác vì trung tâm đó cũng không có giấy tờ cam kết mà chỉ nói miệng", B.H cho hay.

Bát nháo khóa học trực tuyến: Cần có đơn vị đánh giá chất lượng  - Ảnh 1.

Học trực tuyến ngày càng phổ biến nhưng chất lượng các chương trình trong tình cảnh “thượng vàng hạ cám” do chưa có công cụ quản lý. ẢNH MINH HỌA: HOÀNG ANH

Một HV 47 tuổi (ngụ Q.6, TP.HCM), đang học lớp tiếng Anh và tiếng Nhật ở hai trung tâm khác nhau, cho hay dù các khóa học trực tuyến đang quá phổ biến nhưng không phải trung tâm nào cũng dạy hiệu quả, và người học cần cân nhắc thật kỹ trước khi lựa chọn. "Về công tác tuyển dụng GV dạy trực tuyến, các trung tâm cũng phải có trách nhiệm sàng lọc những cá nhân có kiến thức, kỹ năng giảng dạy phù hợp để khóa học đạt hiệu quả", HV này nêu ý kiến.

Tự kiểm duyệt nội dung

Trao đổi với chúng tôi, một GV chuyên luyện thi trực tuyến, đang đào tạo HV thông qua hai hình thức là dạy học có tương tác trực tiếp lẫn bán video quay sẵn, cho biết không hề có sự can thiệp của các cấp quản lý như Bộ GD-ĐT, Bộ TT-TT xuyên suốt quá trình người này hoạt động từ năm 2019 đến hiện tại.

"Thời gian đầu, tôi tự soạn đề rồi bán cho các bên, sau đó mở lớp giải đề trực tuyến cho một nhóm nhỏ và quay thêm video gửi các em. Khi nhu cầu tăng cao, tôi đã mở rộng quy mô bằng cách đăng ký website và đăng tải khoảng 500 video dạy học các môn, cũng như tiếp tục mở khóa giải đề trực tuyến, đến nay đã thu hút tổng cộng hàng ngàn HV. Tất cả video và giáo án đều do tôi tự xét duyệt nội dung trước khi xuất bản hay đứng lớp chứ không có cơ quan chức năng nào yêu cầu", nam GV chia sẻ.

Cũng theo GV này, rất khó để cơ quan chức năng như Bộ GD-ĐT hay các sở GD-ĐT có thể xét duyệt nội dung từng video dạy học nói riêng và quản lý tổng thể khóa học nói chung, chẳng hạn về mặt GV, giáo án hay khai thuế, vì có rất nhiều GV trực tuyến đang hoạt động với vô số video được đăng tải mỗi ngày. Việc "mạnh ai nấy dạy" như trên đã mang đến nhiều rủi ro khi HV thường phải đóng đủ phí mới được vào học.

"Sau khi đóng phí ở đơn vị khác, nhiều HV than rằng chất lượng họ nhận được không tương xứng với số tiền đã bỏ ra và họ cũng không biết tìm đến ai để được giải quyết. Lúc này, họ chỉ có thể tìm cách nhượng lại khóa học hoặc thay đổi phương pháp tiếp thu bài học sao cho phù hợp, nhưng cả hai cách đều khó nhằn", thầy cho hay, đồng thời kiến nghị cần có công cụ để quản lý tính chính xác của nội dung, kiến thức được truyền tải trong khóa học trực tuyến.

Bát nháo khóa học trực tuyến: Cần có đơn vị đánh giá chất lượng - Ảnh 2.

Những nội dung được rao trên các trang web học trực tuyến. CHỤP MÀN HÌNH

Đừng để học viên tự giải quyết với trung tâm

"Ngoài những khóa học chất lượng và kém chất lượng tồn tại song song, thị trường còn xuất hiện xu hướng "thổi phồng" giá trị khóa học bằng những chiêu trò bán hàng, marketing. Đến khi vào học thực tế, HV mới vỡ lẽ và chỉ có thể tìm cách tự giải quyết riêng với trung tâm", thầy Hùng phân tích.

"Để thực sự thuyết phục người học cũng như giúp phong trào dạy học trực tuyến phát triển tích cực, chúng tôi rất mong có một đơn vị đánh giá chất lượng dạy và học trực tuyến, đồng thời xây dựng kênh truyền thông ghi nhận đâu là những khóa học, trung tâm đủ chuẩn. Điều này sẽ giúp các khóa học trực tuyến mang tính chính thống và khẳng định được chất lượng, tên tuổi", thầy Hùng đề xuất.

Tương tự, Lê Phương Uyên, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kỳ vọng có một trang thông tin của ngành giáo dục chuyên ghi nhận những đơn vị có khóa học trực tuyến đạt chuẩn. Điều này giúp người học dễ xác minh, tìm hiểu trước khi đăng ký thay vì chỉ có thể đọc thêm đánh giá trên mạng hoặc nghe nhận xét từ người quen như hiện tại. "Việc minh bạch thông tin cũng giúp chúng tôi an tâm hơn trước khi đưa ra quyết định", Uyên cho hay. 

Theo Ngọc Long/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)