Bỏ ra vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, không khó để mua được một bộ trang phục công an qua mạng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều kẻ xấu lợi dụng, giả danh cảnh sát để lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản…
Trang phục cảnh sát giả rao bán tràn lan trên mạng. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
“Thượng úy hình sự” đi bẻ khóa xe máy
Ngày 5.6, trong lúc làm việc tại siêu thị BigC (Q.10, TP.HCM), một nhân viên bảo vệ phát hiện hai người đi xe máy có dấu hiệu khả nghi, nên theo dõi và gọi điện báo tổ trinh sát hình sự thuộc Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP.HCM và Công an Q.10. Khi hai người này lân la tiến lại gần xe máy hiệu Exciter dùng đoản bẻ khóa chiếc xe, các trinh sát mật phục gần đó nhanh chóng tiến tới bắt quả tang, khống chế. Mặc dù bị bắt quả tang nhưng gã trộm cố cởi chiếc áo khoác để lộ bộ trang phục công an với cấp hàm thượng úy và xưng là… trinh sát Phòng CSHS. Bị đưa về trụ sở công an, gã trinh sát dỏm mới thừa nhận tên Trương Nguyễn Gia Bảo (40 tuổi, ngụ Q.11). Bộ cảnh phục giả để “hành nghề”, Bảo khai mua trên mạng.
Trần Thanh Long (ngồi trên xe máy) mặc đồ công an rồi cùng Trần Văn Đức ra đường kiểm tra giấy tờ của người dân và bị công an bắt sau đó. ẢNH: BẮC BÌNH
Trước đó, tối 13.2, Trần Thanh Long (24 tuổi, ngụ H.Châu Thành, Bến Tre) dùng xe máy chở Trần Văn Đức (37 tuổi, ngụ Tiền Giang) đi mua mồi nhậu, hướng từ H.Châu Thành đi TP.Bến Tre. Lúc này, Đức mặc đồ dân sự, còn Long mặc trang phục của… công an. Khi đến đoạn QL60 thuộc xã Sơn Đông, TP.Bến Tre, Long chặn xe nhiều người đi đường để kiểm tra giấy tờ. Bị một người dân phát hiện có dấu hiệu nghi vấn nên quay phim, Long và Đức lập tức lên xe bỏ chạy. Nhận tin báo của người dân, lực lượng Cảnh sát 113 Công an tỉnh Bến Tre đã truy bắt được Trần Văn Đức ngay trong đêm. Đến sáng 14.2, Trần Thanh Long đến trình diện tại Công an xã An Khánh (H.Châu Thành, Bến Tre), mang theo một bộ CC với quân hàm thiếu úy. Long khai bộ đồ công an trên được bạn cho, còn quân hàm đặt mua trên mạng.
Từ lời khai của Trương Nguyễn Gia Bảo và Trần Thanh Long về việc mua cảnh phục trên mạng, PV Thanh Niên thâm nhập thị trường này để tìm hiểu.
Hàng giả bán công khai
Cụ thể, lên mạng tìm kiếm, chỉ cần gõ từ khóa “mua đồ công an” thì hàng loạt cửa hàng online trên Facebook hiện ra với các quân trang, quân dụng ngành công an như giày, quần áo, quân hàm…, thậm chí có cả còng số 8 và gậy cao su chuyên dụng. PV chọn vào fanpage có tên “Đồ công an chính hãng” thấy rao bán hàng loạt quân trang, quân dụng, từ trang phục CSGT, cảnh sát cơ động… đến cầu vai cấp úy, cấp tá, kèm lời chào mời “giá hợp lý, uy tín, an toàn”.
Bưu kiện chứa cảnh phục cấp úy được chuyển đến cho anh T. sau khi đặt mua
Trong vai một người mua, PV liên hệ qua tin nhắn Facebook của fanpage này và được hồi âm ngay lập tức. PV đặt vấn đề muốn mua trọn bộ trang phục công an, liền nhận câu trả lời: “Ở đây mặt hàng công an lúc nào cũng có, trọn bộ gồm: giày, mũ, thắt lưng, quần áo có giá 2,2 triệu đồng”. Thấy khách chê đắt, người này khẳng định: “Giày 390.000 đồng, quần áo giá 800.000 đồng; thắt lưng 250.000 đồng, mũ 400.000 đồng; cầu vai cấp úy giá 350.000 đồng, còn hàm cấp tá thêm 50.000 đồng. Giá này không có chỗ nào rẻ hơn đâu!”.
Chúng tôi hỏi phương thức thanh toán, kiểm tra sản phẩm, chủ trang này cho biết chỉ cần đặt cọc 100.000 đồng, sau đó bộ phận giao hàng đưa đến tận nơi; số tiền còn lại sẽ thanh toán khi hoàn thành giao dịch; thêm 40.000 đồng tiền phí. “Anh cứ xem lượng tương tác. Bên em lừa đảo thì sao dám bán hàng cho ai nữa. Giao hàng anh kiểm tra thấy vừa ý thì đưa tiền, không thì em đổi cho anh cái khác”, chủ trang quảng bá.
Bộ trang phục và hàm thiếu úy giả được nhân viên bưu điện giao cho anh T.. ẢNH: A.T
Trong khi đó, một bạn đọc tên T. cho biết từng thử đặt mua bộ cảnh phục trên mạng và sau 6 ngày đặt mua đã nhận được hàng. Anh T. cho biết đặt mua bộ cảnh phục kèm cầu vai hàm thiếu úy, hàng được nhân viên bưu điện chuyển đến. Trên bưu kiện có ghi tên người gửi, số điện thoại nhưng địa chỉ lại ghi chung chung “Tây Hồ Hà Nội”… Nội dung bưu kiện ghi rõ: Bộ CS số 04, ve hàm thiếu úy; số tiền phải trả là 1,1 triệu đồng… “Tôi tỏ ra băn khoăn vì không kiểm tra được hàng, sau một lúc trao đổi qua điện thoại thì chủ đơn hàng đồng ý cho chúng tôi tháo ra kiểm tra. Kết quả, trong bưu kiện đúng như yêu cầu trước đó đã đặt mua, gồm: một bộ trang phục công an màu xanh kèm cầu vai hàm thiếu úy. Tuy nhiên, lấy cớ hàng không đảm bảo chất lượng nên tôi trả hàng lại nhân viên bưu điện”, anh T. kể.
Có thể phạt tù 20 năm
Luật sư (LS) Nguyễn Hải Nam, Đoàn LS tỉnh Bình Phước, cho biết trường hợp người sử dụng quân trang, quân phục để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 174 bộ luật Hình sự. Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 tháng, hoặc phạt tù đến 20 năm. Trường hợp không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì người sử dụng quân trang, quân phục có thể bị truy cứu về tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác theo điều 339 bộ luật Hình sự, hành vi này có thể bị phạt tù đến 2 năm.
Cũng theo LS Nam, tại khoản 5, điều 1, Nghị định 29/NĐ-CP quy định: “Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép cờ truyền thống, công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục Công an nhân dân. Trường hợp vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, có thể hiểu trang phục, sắc phục ngành công an chỉ được cơ quan có thẩm quyền được phép sản xuất, cấp phát. Mọi hành vi sản xuất, mua bán trái phép quân trang, quân dụng đều được xem là mua bán hàng cấm. “Trường hợp người có hành vi sản xuất, buôn bán quân trang, quân dụng có số lượng lớn (trên hoặc dưới 100 triệu đồng), và từng bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì tùy mức độ có thể bị phạt tù từ 1 – 15 năm về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm theo quy định tại điều 190 bộ luật Hình sự”, LS Nam nói.
|
Theo Trác Rin – Trần Tiến/TNO
Bình luận (0)