Như phản ánh trong số báo ra hôm qua 21.6, chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, không khó để mua được một bộ trang phục công an, giày, thắt lưng cấp úy, cấp tá qua mạng…
Một cửa hàng trên đường Lê Duẩn (Hà Nội) “môi giới” cho chúng tôi xem cảnh phục. ẢNH: TRẦN CƯỜNG
Lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cho rằng việc mua bán cảnh phục trên mạng là vi phạm nghiêm trọng, dẫn đến hệ lụy xấu cho đời sống xã hội cũng như ảnh hưởng uy tín của lực lượng vũ trang nhân dân; các lực lượng chức năng cần phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm, không để tình trạng này diễn ra.
Như đã phản ánh trong số báo ra hôm qua 21.6, chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, không khó để mua được một bộ trang phục công an, giày, thắt lưng cấp úy, cấp tá qua mạng… Tuy nhiên, thực tế cảnh phục giả không chỉ được bán qua mạng.
Hà Nội “muốn mua loại nào cũng có”
|
Dọc tuyến đường Lê Duẩn, đoạn từ ga Hà Nội hướng về đường Giải Phóng có hàng chục ki ốt bán quần áo, giày dép, mũ cối… Tại đây bán từ đồng phục Grab, trang phục cảnh sát, CSGT cho trẻ nhỏ… cho đến cả “cảnh phục xịn”.
Ghé một quán nước đối diện dãy ki ốt số 122 Lê Duẩn, chúng tôi nhờ bà chủ hàng nước (khoảng 70 tuổi) chỉ nơi mua cảnh phục. Vừa dứt câu, bà hào hứng chào hàng: “Mua gì bà cũng có, cháu có mua bà bảo chồng bà đi lấy về cho. Hàng của bà mới 100%, chuẩn hàng thật trong ngành”.
Theo bà này, một bộ quần áo có giá 650.000 đồng, thắt lưng 150.000 đồng, giày và hàm loại nào cũng có nhưng giá cả tăng theo cấp bậc. Cụ thể, giày cấp tướng giá 750.000 đồng/đôi, cấp tá 650.000 đồng/đôi, cấp úy 550.000/đôi. Hàm đeo vai giá từ 150.000 đồng/cặp, tăng dần theo cấp bậc.
Sau khi chúng tôi thỏa thuận mua 1 bộ quần áo và cặp hàm cấp tá, bà chủ quán nước bảo ngồi đợi rồi nói chồng về lấy “hàng” cho khách xem. “Vì là hàng cấm bán nên không ai dám treo lên trưng bày công khai, có khách mua thì tôi mới lấy ra. Cậu yên tâm, hàng chuẩn 100% lấy trong ngành ra, ưng thì mua. Mặc cái này vào đi đường không ai bắt đâu, không làm gì sai thì ai bắt (?)”, bà bán nước nói trong lúc chờ đợi.
Quán trà đá đầu ngõ cũng là nơi môi giới, bán cảnh phục
Tuy nhiên, lát sau, tỏ vẻ nghi ngờ chúng tôi nên bà này đã ra hiệu với chồng mang hàng trở về nhà và nói “hết hàng”, không bán nữa.
Chúng tôi tiếp tục ghé ngẫu nhiên vào một cửa hàng trên đường Lê Duẩn hỏi mua một bộ cảnh phục size 5, hàm cấp úy, cấp tá đều được. Chủ cửa hàng chẳng cần cảnh giác, nói “đợi một chút” rồi gọi điện và kêu chúng tôi qua cửa hàng kế bên xem hàng.
Sau khoảng 5 phút chờ đợi, chủ cửa hàng mang ra một bọc ni lông màu đen, bên trong có sẵn bộ cảnh phục (quần dài, áo cộc tay) và bộ hàm cấp tá. Người này bảo chúng tôi ngồi sâu bên trong cửa hàng để người ngoài tránh nhìn thấy, sau đó liên tục quảng cáo và hướng dẫn chúng tôi cách lắp hàm lên áo.
“Cô chỉ có một bộ này thôi, đứa cháu nó được phát, không mặc nên mang ra cô bán. Hàng chuẩn trong ngành 100%, cháu đi kiểm tra chỗ khác cũng chỉ loại này, loại chuẩn này thôi”, bà chủ đon đả. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi mua thêm những size và cấp hàm khác thì bà này khẳng định “đảm bảo đáp ứng đúng theo yêu cầu”!
Phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm
Một lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cho biết, theo quy định của ngành, những mặt hàng như cảnh phục, thắt lưng, giày… của công ty thuộc ngành công an, không được rao bán ra ngoài. Quân trang, quân dụng được cấp phát cho cán bộ, công chức sử dụng khi thi hành công vụ. Người được cấp có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn cẩn thận và khi sử dụng phải đúng mục đích, đúng quy định. Khi chuyển ngành, thôi việc hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc thì thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm thu hồi.
“Việc cảnh phục, các phụ kiện của ngành công an được rao bán dễ bị kẻ xấu lợi dụng, mạo danh công an thực hiện hành vi lừa đảo. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ giả danh công an lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản như thời gian vừa qua ở TP.HCM triệt phá”, vị lãnh đạo này nói.
Cảnh phục cấp úy đặt mua qua mạng và giao hàng qua đường bưu điện. ẢNH: A.T
Cũng theo vị này, việc mua bán cảnh phục trên mạng là vi phạm nghiêm trọng, dẫn đến hệ lụy xấu cho đời sống xã hội. Nếu đối tượng mua, bán, sử dụng những mặt hàng này vào mục đích bất hợp pháp như lừa đảo, mạo danh công an, giả CSGT để vòi tiền thì ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của lực lượng công an nhân dân. Vì thế, cơ quan công an thuộc cấp bộ, TP, các quận huyện cần rà soát chặt hơn nữa, có biện pháp quyết liệt hơn để giải quyết triệt để tình trạng này. Đặc biệt, cần sự vào cuộc mạnh hơn của lực lượng quản lý thị trường, xử lý nghiêm việc mua bán hàng giả, hàng cấm tràn lan như phản ánh.
Trao đổi với PV , một lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM cho biết đơn vị đã nắm thông tin mà Báo phản ánh và sẽ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ rà soát, xử lý việc mua bán cảnh phục tràn lan.
“Thời gian qua, đơn vị cũng phát hiện, xử lý nhiều vụ liên quan đến việc buôn bán hàng cấm trên địa bàn TP.HCM. Theo quy định của ngành, trang phục, quân phục, cầu vai đều là hàng cấm và không được phép buôn bán. Đối tượng có hành vi buôn bán quân phục sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy tố hình sự”, ông này nói.
Đáng lưu ý, theo một cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát hình sự TP.HCM (PC02), thời gian qua lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều vụ án, đường dây liên quan đến mua bán công cụ hỗ trợ, giấy tờ giả với thủ đoạn tương tự là rao bán trên mạng và giao dịch qua đường bưu điện. Vì thế, các đơn vị bưu điện cần chú ý hơn việc kiểm tra địa chỉ cụ thể (người gửi, người nhận) nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng cấm qua đường bưu điện.
Bưu điện Yên Phụ nói gì về bưu kiện cảnh phục ?
Chiều 21.6, chúng tôi đến Bưu điện Yên Phụ (số 16A Yên Phụ, P.Yên Phụ, Q.Tây Hồ, Hà Nội) xác minh về gói hàng chứa cảnh phục đặt mua qua mạng, được gửi đi từ bưu điện này. Một trong 3 nữ nhân viên tại đây xác nhận gói bưu kiện chứa “Bộ CS số 4, ve hàm thiếu úy” được gửi từ Bưu điện Yên Phụ. Tuy nhiên, Bưu điện Yên Phụ có 3 cơ sở và mã số bị mờ nên không thể xác định gửi từ cơ sở nào (?!).
Theo nhân viên này, người gửi gói bưu kiện kể trên là “khách hàng lớn, thân thiết, trung thành” của Bưu điện Yên Phụ. Người này thường gửi quần áo đi các tỉnh, thành trên cả nước. “Khi hàng được chuyển đi sẽ được kiểm tra xem ghi nội dung bên trong (hàng chứa bên trong) có khớp với phiếu gửi hay không”, một nữ nhân viên nói. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập tới vấn đề bưu kiện bên trong chứa cảnh phục, là loại hàng cấm kinh doanh, thì những nhân viên này đổi giọng và yêu cầu làm việc với cấp trên, rồi cho chúng tôi số của trưởng bưu cục để liên hệ làm việc.
PV liên hệ với bà Nông Thu Hằng, Trưởng bưu cục Yên Phụ theo số điện thoại nhân viên cung cấp, bà cho biết bên Bưu cục Yên Phụ không đủ thẩm quyền trả lời và Bưu cục Yên Phụ là bưu điện, phải giữ tuyệt đối thông tin của khách hàng. Còn về quy trình kiểm tra hàng trước khi gửi phải hỏi bên nghiệp vụ và đề nghị chúng tôi lên bưu điện TP. Hà Nội để được trả lời.
Khi PV gặng hỏi về quy trình kiểm hàng hóa trước khi gửi thì bà Hằng cho biết quy trình kiểm hàng nếu là hàng cấm gửi thì sẽ không được gửi đi. “Hàng cấm đã có danh mục niêm yết, còn thông tin cụ thể mời em qua số 4 Đinh Lễ, cơ quan chủ quản của chị để làm việc”, bà Hằng nói.
Trần Cường |
Theo TNO
Bình luận (0)