Ngày 12-5-2016, tại Hội trường Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II, doanh nhân, diễn giả, tác giả quyển sách “Quảy gánh băng đồng ra thế giới” – Nguyễn Phi Vân đã có buổi giao lưu, chia sẻ thú vị với các bạn sinh viên.
Tại buổi giao lưu, diễn giả Nguyễn Phi Vân chia sẻ nhận định “Đây là thời của công dân toàn cầu”, khi ý thức tư duy đã thay đổi từ quốc gia sang thế giới, theo số liệu được công bố bởi diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016, 73% người dân Nigeria nghĩ rằng mình là công dân toàn cầu hơn là công dân của một quốc gia, tương tự, tại Trung Quốc là 71%, tại Peru là 70%, tại Ấn Độ là 67%, và trên toàn thế giới là 51%. Diễn giả Nguyễn Phi Vân cũng chia sẻ con đường đi ra thế giới của mình trong 20 năm, “22 tuổi, đang là Giám đốc marketing của một khách sạn hàng đầu Việt Nam, vì bị một người khách hàng Mỹ chê ““ếch ngồi đáy giếng”, tôi đã “quảy gánh”, “băng đồng” ra thế giới, với 6.000 USD dành dụm, trong đó, 4.500 USD là để đóng tiền học phí cho một quý, và để duy trì cuộc sống, tôi đã trải qua hàng chục nghề khác nhau, từ hầu phòng, bartender, tiếp tân khách sạn, đến… giám đốc phát triển toàn cầu của một tập đoàn hàng đầu nước Úc.
Làm sao có thể vươn ra toàn cầu? Nguyễn Phi Vân chia sẻ: “Bạn nghĩ người ta nói gì với nhau
khi ra khỏi phòng họp?, chúng ta không chỉ tương tác với nhau bằng các hợp đồng, mà chính là tương tác giữa con người với con người. Tôi tương tác với bạn bè trên thế giới như những người tử tế tương tác với nhau thôi. Sự tử tế, chân thành và tri thức là không biên giới”. Diễn giả Nguyễn Phi Vân cũng chia sẻ một công cụ để giúp các bạn trẻ tự định vị bản thân – vươn ra toàn cầu bằng sơ đồ mind map (bản đồ tư duy) – mà chị gọi một cách dân dã là Lý thuyết con vi trùng. Với việc xác định ước muốn, tầm nhìn của mình, sau đó phát triển các kỹ năng phù hợp để đạt được tầm nhìn đó, các bạn trẻ sẽ vững vàng trên đường đi đến đích công dân toàn cầu.
Bạn Nguyễn Thị Thu Thảo, lớp 14 Cao đẳng Báo chí 3 đặt câu hỏi: Nếu mình xác định được tầm nhìn – đường đi của mình, nhưng gia đình không muốn thì sao? Làm sao để bước ra rào cản từ gia đình? Cô có gặp trường hợp đó không?
Diễn giả Nguyễn Phi Vân chia sẻ câu chuyện của chính cô vào năm 16 tuổi, khi gia đình phỏng vấn sang Mỹ, cô đã quyết định gạch tên của mình ra khỏi danh sách, một mình ở lại Việt Nam. Quyết định này khiến cho cô trở thành “The Black Sheep On the Familly” (Con cừu đen trong gia đình), khiến cho bố mẹ cô phiền lòng thật nhiều. Quyết định đó cũng khiến cô đi ra thế giới muộn hơn 10 năm, mãi đến năm 26 tuổi, cô mới quyết định đi ra thế giới mở mang kiến thức, nhưng lúc này không phải là nước Mỹ, mà là nước Úc. “Kể cả đi ra thế giới, tôi cũng phải đi theo cách của mình”. Năm 2010, khi bay sang Mỹ chơi với ba má, tôi đã nói lời xin lỗi ba má của mình. Dù có làm cho ba má phiền lòng không ít khi xưa, nhưng tôi nghĩ rằng ba má hiểu và chia sẻ với tôi, khi cho phép tôi được sống cuộc đời tôi mong muốn”. Câu trả lời của chị khiến bạn sinh viên Nguyễn Thị Thu Thảo bật khóc. Buổi giao lưu có được nhiều tương tác thú vị từ các bạn sinh viên lớp 14 Cao đẳng Báo chí 3.
Trả lời câu hỏi, thế nào là “bật nút công dân toàn cầu”? Nguyễn Phi Vân cho rằng, mỗi bạn trẻ đã có sẵn tâm huyết, tri thức, niềm đam mê. Chỉ cần “bật nút chuyển đổi”, chuyển từ “ngắn hạn” sang “”dài hạn”, chuyển từ “cá nhân” sang ““cộng đồng”, chuyển từ Việt Nam sang thế giới, là bạn đã bắt đầu hành trình trở thành một công dân toàn cầu.
Với trải nghiệm 20 năm bôn ba làm việc tại hơn 60 nước trên thế giới, từ vị trí công việc hầu phòng đến vị trí tổng giám đốc của một tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới, Nguyễn Phi Vân cho rằng “tôi đến đây không phải để chia sẻ về thành công với các bạn. Tôi đến đây để chia sẻ con đường ra thế giới 20 năm qua của mình, để các bạn trẻ đi ra thế giới bớt vất vả hơn, tránh được những va vấp mà tôi đã trải qua”.
Chương trình Bật nút công dân toàn cầu được khởi động từ ngày 12-5-2016, dự kiến triển khai tại 30 trường đại học – trung học phổ thông trên toàn quốc. Chương trình phi lợi nhuận này được thực hiện bởi Công ty Anbooks.
Ngô Thảo
Bình luận (0)