Hội nhậpThế giới 24h

Bất ổn chính trị phủ bóng Thái Lan

Tạp Chí Giáo Dục

Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm 18-6 cho biết sẽ xem xét việc giải thể Đảng Tiến bước (MFP) đối lập vào ngày 3-7.

Theo báo Bangkok Post, tòa án yêu cầu MFP và Ủy ban Bầu cử (EC) đưa ra nhân chứng và bằng chứng vào ngày 9-7. Ngoài ra, chưa có chi tiết nào khác về phiên xử được công bố.

EC hồi tháng 3 kiến nghị Tòa án Hiến pháp ra phán quyết về việc giải thể MFP. Động thái này diễn ra sau khi tòa án này hôm 31-1 cho rằng việc MFP tìm cách sửa đổi Điều 112 Bộ Luật Hình sự, còn gọi là luật khi quân, cho thấy ý định làm suy yếu chế độ quân chủ lập hiến. 

Dựa vào phán quyết này, EC lập luận MFP đã vi phạm Điều 92 của Luật Cơ bản về các đảng phái chính trị. Điều 92 trao quyền cho tòa án giải tán bất kỳ đảng nào bị xem là mối đe dọa đối với chế độ quân chủ lập hiến. 

Đơn kiện yêu cầu giải thể MFP, tước quyền ứng cử của các lãnh đạo điều hành MFP và cấm họ tham gia chính trường trong 10 năm. Hồi năm 2020, đảng tiền thân của MFP đã bị giải thể do phạm luật về tài trợ tranh cử.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin. Ảnh: Reuters

Cũng trong ngày 18-6, Tòa án Hiến pháp hoãn ra phán quyết liên quan đến đơn khiếu nại của 40 thượng nghị sĩ yêu cầu bãi nhiệm Thủ tướng Srettha Thavisin, người bị cáo buộc vi phạm quy định khi bổ nhiệm một thành viên nội các có tiền án. 

Thủ tướng Srettha đã bác bỏ cáo buộc này và sẽ đợi phán quyết trong phiên xử tiếp theo, dự kiến vào ngày 10-7.

Cùng ngày, Tòa án Hiến pháp phán quyết cuộc bầu cử thượng viện không vi hiến và EC xác nhận cuộc bỏ phiếu sẽ tiếp tục để bầu ra 200 thành viên thượng viện.

 Trong một vụ việc khác, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra chính thức bị truy tố tội xúc phạm hoàng gia liên quan đến một cuộc phỏng vấn với truyền thông Hàn Quốc hồi năm 2015. 

Theo hãng tin Reuters, mức án tù tối đa lên tới 15 năm cho mỗi hành vi xúc phạm hoàng gia. Ông Thaksin được cho bảo lãnh tại ngoại nhưng bị cấm tự ý rời Thái Lan.

Reuters nhận định 4 vụ kiện nói trên làm dấy lên mối lo ngại về sự bất ổn tại nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á dù một số chuyên gia nhận định nguy cơ khủng hoảng chính trị tức thì dường như đã bớt nghiêm trọng. 

Theo Xuân Mai/NLĐO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)